+Aa-
    Zalo

    Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh: Phó Đức Phương yêu cầu Phú Quang xin lỗi là đúng!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những ngày qua, có nhiều ý kiến trái chiều về việc thu tiền tác quyền âm nhạc của trung tâm Bảo vệ quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC).

    Những ngày qua, có nhiều ý kiến trái chiều về việc thu tiền tác quyền âm nhạc của trung tâm Bảo vệ quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - nơi nhạc sĩ Phó Đức Phương làm Giám đốc. PV báo ĐS&PL đã phỏng vấn một số nhạc sĩ để nghe quan điểm của họ về vấn đề này.

    Không có VCPMC, ai sẽ đi thu tiền bản quyền?

    Cách đây không lâu, phát biểu trên một tờ báo điện tử về thu – chi của trung tâm VCPMC, nhạc sĩ Phú Quang bày tỏ sự băn khoăn về chuyện VCPMC chưa bao giờ công khai việc trả tiền tác quyền cho các tác giả âm nhạc. Ông cũng là một trong những người lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc thu tiền tác quyền âm nhạc hiện nay với những dẫn chứng cụ thể, rõ ràng.

    Theo đó, VCPMC đã có ý kiến chính thức phản hồi về những thông tin của nhạc sĩ Phú Quang. VCPMC khẳng định: “Thông tin mà bài báo đăng tải theo những phát ngôn của nhạc sĩ Phú Quang hoàn toàn sai lệch và bịa đặt”. VCPMC cũng yêu cầu nhạc sĩ Phú Quang xin lỗi công khai về một phát ngôn theo trung tâm là “mang tính xúc phạm nghiêm trọng”.

    Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC.

    Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết: "Đáng lẽ ra là tuần này, VCPMC có lịch làm việc với cục Bản quyền (bộ VH, TT&DL). Tuy nhiên, đến nay giữa hai bên vẫn chưa sắp xếp được lịch họp. Hiện tại, VCPMC đã có hai văn bản phản hồi hai báo điện tử liên quan đến những thông tin không chính xác về VCPMC. Vì vậy, tôi sẽ không nói gì thêm nữa".

    Khi được hỏi, nhiều người cho rằng, việc thu - chi của VCPMC chưa được minh bạch và cần công khai hơn, ý kiến của ông thế nào? Nhạc sĩ Phó Đức Phương thẳng thắn: "Sao lại có chuyện không minh bạch? Trong bài phản hồi về ý kiến của nhạc sĩ Phú Quang, tôi đã nói rõ cách phân chia như thế nào. Nói đến Phú Quang thì chán lắm. Tôi không muốn nhắc đến nữa".

    Trái với ý kiến của nhạc sĩ Phú Quang, một số người lại cho rằng, việc thu tiền bản quyền âm nhạc của VCPMC là một việc làm hợp thời và văn minh. Bởi lâu nay, tác quyền nghệ thuật ở Việt Nam bị xem nhẹ, nhiều người chỉ thích "dùng chùa" mà không muốn bỏ bất cứ một chi phí nào. Vì thế, điều mà trung tâm VCPMC đang làm thể hiện một cách tư duy mới về bản quyền âm nhạc tại Việt Nam.

    Ca sĩ Hồng Dương (thành viên nhóm nhạc M4U) chia sẻ: “Đúng là nhiều năm nay, người ta quên đi việc phải trả tiền bản quyền cho các nhạc sĩ. Việc này nên được điều chỉnh để chúng ta có cách ứng xử văn minh hơn. Ngay cả một món đồ nào đó, các bạn muốn mua thì phải trả tiền thì âm nhạc cũng như thế. Tôi ủng hộ trung tâm VCPMC. Tuy nhiên, cần phải có cách làm hợp lý”.

    Trao đổi với PV, nhạc sĩ Thao Giang - Giám đốc trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam cho biết: "Hiện tại, tôi cũng đang là hội viên của trung tâm VCPMC nơi nhạc sĩ Phó Đức Phương làm Giám đốc, hàng quý, hàng năm, tôi đều nhận được một số tiền nhất định từ việc thu tiền bản quyền một số tác phẩm của mình. Cách đây hơn 10 năm, tôi đã làm giấy ủy quyền cho VCPMC để bên ấy thay mặt tôi thu tiền bản quyền âm nhạc. Tác phẩm của tôi chủ yếu là nhạc không lời dành cho độc tấu, hòa tấu. Nhẽ ra, nhạc sĩ phải sống được bằng nghề của mình, nhưng ở Việt Nam, chuyện này còn khó khăn lắm. Ca sĩ hát sẽ được trả thù lao, nhưng nhạc sĩ hầu như không được gì. Vì thế, nếu không có trung tâm VCPMC, ai sẽ đi thu tiền tác quyền cho chúng tôi?".

    “Tôi ủng hộ trung tâm VCPMC. Họ như đi “đòi nợ” hộ chúng tôi, cảm ơn VCPMC đã thu tiền tác quyền cho các nhạc sĩ. Đây là việc làm văn minh” – nhạc sĩ Thao Giang thẳng thắn.

    Nhạc sĩ Thao Giang - Giám đốc trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam.

    Nhạc sĩ: Khổ nhất trong giới văn nghệ sĩ

    Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến chia sẻ: “Là thành viên của trung tâm VCPMC, tôi thấy việc thu tiền tác quyền âm nhạc cũng là điều bình thường trong xã hội hiện đại. Tôi từng ở Pháp một thời gian dài và thấy, ý thức của khán giả về tác quyền âm nhạc rất cao. Ở Pháp, các quán cà phê, quán ăn, nhà hàng, khách sạn, nơi nào sử dụng âm nhạc đều phải trả tiền. Ở nước ngoài, một nhạc sĩ chỉ cần có 2-3 bài hát nổi tiếng là có thể “sống khỏe”, nhưng ở Việt Nam, nhiều người vẫn chưa sống được bằng các tác phẩm của mình, điều này là rất thiệt thòi.

    Việc làm của trung tâm VCPMC gần như là một cách “đào tạo” về mặt ý thức sử dụng âm nhạc, tôn trọng bản quyền tác phẩm. Trong quá trình hoạt động, có thể có những bất cập vì thế cần phải hoàn thiện các bước để làm việc chuyên nghiệp hơn. Tôi cho rằng, người dân và các nhạc sĩ nên ủng hộ việc thu tiền bản quyền, vì đây là cách làm việc chính đáng. Còn những ý kiến không mang tính xây dựng, tôi không ủng hộ lắm”.

    Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch hội Nhạc sĩ Hà Nội cho biết: “Theo tôi, việc thu tiền bản quyền là việc cần phải làm, không có lý gì mà anh dùng đồ của người ta để buôn bán, kinh doanh mà lại không mất phí. Nhiều người còn cho rằng, việc họ dùng bài hát là vinh dự cho các nhạc sĩ nhưng tư duy này cần xem lại. Sắp tới, các chương trình về ngày 27/7 sẽ có nhiều bài hát về chiến tranh, cách mạng, vậy không biết các đơn vị tổ chức này có để ý đến việc trả tiền tác quyền cho các nhạc sĩ hay không? Các nhạc sĩ bây giờ là khổ nhất trong giới văn nghệ sĩ. Vì sao cứ động đến chuyện thu tiền bản quyền là mọi người lại phản ứng như vậy?”.

    Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cho biết thêm: “Trung tâm VCPMC ký hợp đồng ủy quyền với các nhạc sĩ để thu tiền về cho nhạc sĩ nhưng nhiều người lại cho rằng, VCPMC thu tiền về cho trung tâm. VCPMC đã được các cơ quan quản lý cho phép thành lập. Khi còn làm Phó Giám đốc sở Văn hoá – Thông tin Hà Nội (cũ) tôi đã rất ủng hộ việc thành lập Trung tâm. Hiện tại, VCPMC chỉ có một vướng mắc, chính là cách làm việc chưa khoa học, cách trả tiền còn thủ công, chưa có máy chủ để kiểm tra nên khó kiểm soát các bài hát được dùng thế nào, ở đâu nên bị “lọt” khá nhiều”.

    “Việc nhạc sĩ Phó Đức Phương yêu cầu nhạc sĩ Phú Quang xin lỗi công khai trung tâm VCPMC là đúng, vì có nhiều chi tiết anh Quang nói là chưa chuẩn. Nếu nhạc sĩ cứ không ủng hộ người ta thế, thì ai thu tiền cho họ? Nếu chưa chuyên nghiệp thì cần hoàn thiện để tạo thành hành lang pháp lý trong việc dùng bản quyền âm nhạc tại Việt Nam. Tôi ủng hộ cả những ý kiến trái chiều, phản biện nhưng phải mang tính xây dựng” – nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh thẳng thắn chia sẻ.

    Trả tiền bản quyền âm nhạc là “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

    "Cơ quan quản lý Nhà nước thì làm những việc mang tầm vĩ mô, để thu được tiền bản quyền âm nhạc phải là anh em nghệ sĩ làm. Chỗ anh Phó Đức Phương làm được như ngày hôm nay cũng gặp nhiều gian khổ, sóng gió lắm. Nhạc sĩ Phó Đức Phương đi thu tiền bản quyền hộ các nhạc sĩ, vì động đến quyền lợi nên có nhiều người "xù lông" như thế. Người ta đi thu tiền bản quyền âm nhạc cho mình mà lại có ý kiến này kia là không nên. Nếu không dựa vào những quy định của Nhà nước, ngại động chạm thì làm sao thu được tiền? Trả tiền bản quyền âm nhạc là việc "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" – nhạc sĩ Thao Giang bày tỏ quan điểm.

    Lạc Thành

    Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 88

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhac-si-truong-ngoc-ninh-pho-duc-phuong-yeu-cau-phu-quang-xin-loi-la-dung-a197267.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan