(ĐSPL) - Mặc dù nhạc sĩ Thuận Yến đã ra đi, nhưng tên tuổi của ông, những ca khúc của ông vẫn còn mãi với thời gian. Cùng báo Đời sống và Pháp luật tưởng nhớ nhạc sĩ Thuận Yến qua các ca khúc: Bác Hồ một tình yêu bao la, Miền Trung nhớ Bác, Màu hoa đỏ, Chia tay hoàng hôn.
Nhạc sĩ Thuận Yến thời trẻ. |
Bác Hồ một tình yêu bao la
Bác Hồ một tình yêu bao la là một trong số những bài hát hay nhất của nhạc sĩ Thuận Yến. Ca khúc dẫn dắt người nghe đến bên Bác qua từng lời hát: "Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại...". Ca khúc đã khắc họa rõ nét nhất về chân dung vị cha già của dân tộc thật dung dị, nhân ái và tình yêu con dân bao la. Ca khúc đã đem lại một cảm giác ấm áp, gần gũi khiến bao lớp người xúc động. Bác Hồ - một tình yêu bao la được sáng tác vào năm 1979, nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày sinh nhật Bác. Ý tứ được nhạc sĩ Thuận Yến gửi gắm trong bài hát xuất phát từ những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: "Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ".
Miền Trung nhớ Bác
Với cơ duyên trong đời được gặp và nói chuyện với Hồ Chủ Tịch, Ông đã " phóng bút" viết tổng cộng 24 ca khúc viết về Bác, nhạc sĩ nói: "Bác Hồ là nguồn cảm hứng vô tận cho tôi và tôi vẫn không dừng lại ở đó".
Trong 24 ca khúc, ca khúc nào cũng xuất phát từ cảm xúc chân thật, từ lòng kính yêu Bác. Ngoài ca khúc lừng danh Bác Hồ một tình yêu bao la thì Miền Trung nhớ Bác cũng là một bài hát da diết nói về nỗi nhớ thương của Bác dành cho đất nước quê hương và tình cảm của một người con miền Trung hướng về Bác. Cứ đến ngày lễ kỉ niệm của cả nước và hướng về vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc thì lời ca của ca khúc này lại vang lên khắp sân Quảng trường Lăng, khắp con phố và trong lòng mỗi con người đất Việt.
Màu hoa đỏ
Màu hoa đỏ là ca khúc được sinh ra giữa sự hợp tác của 2 người bạn cố hữu Thuận Yến - nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Một người tìm tứ thơ, một người phổ nhạc và lên phần hồn cho ca khúc. Bài thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu lúc đầu có tên Thời hoa đỏ. Sau khi phổ nhạc, Thuận Yến bàn với anh đổi tên thành Màu hoa đỏ. Bài hát khắc họa lên hình ảnh dọc đường hành quân chỉ gặp màu rực đỏ của hoa chuối rừng đồng thời dấy lên không khí hào hùng, không khí chiến thắng, tác động không ít đến anh em chiến sĩ. Cùng thời gian đó, Thanh Lam được cha dẫn đến phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam để thu thanh ca khúc này. Mới có 21 tuổi thế nhưng cô thể hiện ca khúc rất thành công. Và ca khúc Màu hoa đỏ đã đoạt giải năm 1994 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Chia tay hoàng hôn
Ca khúc Chia tay hoàng hôn được nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác năm 1968 sau khi chia tay người vợ của mình ở đường 9 – Quảng Trị, giữa cảnh chiến tranh loạn lạc chưa biết sống chết của chiến tranh, chưa biết có hay không ngày gặp lại. Đó là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác bài Chia tay hoàng hôn và sau này được con gái Thanh Lam thể hiện rất thành công, nổi tiếng cho đến tận bây giờ.