Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, con gái nhạc sĩ Phú Quang cho biết ông qua đời vào 8h45 phút ngày 8/12 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội). Nhạc sĩ mất ở tuổi 72 sau thời gian điều trị bệnh.
"Sự ra đi của cha là mất mát đối với gia đình. Chúng tôi đang lo hậu sự cho cha. Khi nào có thông tin về tang lễ, gia đình sẽ chia sẻ sau", con gái của nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ.
Thời gian cuối đời, sức khỏe của nhạc sĩ Phú Quang yếu, phải thở bằng máy. Tác giả Em ơi Hà Nội phố điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Phía gia đình nhạc sĩ cho biết vì tuổi già nên thời gian phục hồi của ông khá lâu. Hồi tháng 5/2020, tác giả Em ơi Hà Nội phố nhập viện vì bệnh tiểu đường. Ông điều trị ở phòng hồi sức tích cực của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949, quê ở xã Trạng Bùng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp hệ Trung cấp kèn cor, năm 1967-1978, nhạc sĩ Phú Quang công tác tại Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc Vũ Kịch. Năm 1987, ông học tại Nhạc viện Hà Nội ngành Chỉ huy dàn nhạc. Năm 1982, sau khi tốt nghiệp, nhạc sĩ công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Năm 1986, ông công tác ở Phòng Ca Múa Nhạc Sở Văn hóa - Thông tin TP. HCM.
Nhạc sĩ Phú Quang đã sáng tác nhiều ca khúc về Hà Nội như: Em ơi Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Im lặng đêm Hà Nội, Chiều phủ Tây Hồ, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Đâu phải bởi mùa thu (phỏng thơ Giáng Vân), Nỗi nhớ mùa đông (thơ Thảo Phương), Trong miền ký ức, Điều giản dị...
Phú Quang là một trong những nhạc sĩ của dòng nhạc trữ tình có nhiều “duyên nợ” với Hà Nội. Những ca khúc của ông là nỗi niềm, là sự day dứt, là tình yêu khôn nguôi với mảnh đất của tinh hoa văn hóa Việt Nam.
Vì tình yêu đặc biệt với thủ đô nên những sáng tác về Hà Nội của ông luôn để lại nhiều dấu ấn trong lòng người. Nhạc của Phú Quang mang một màu sắc riêng, một tình yêu riêng mà không “đụng hàng” bất cứ ca khúc nào. Chính vì lẽ đó mà nhạc của ông trở thành “đặc sản” của người yêu nhạc, người yêu Hà Nội.
Hồi tháng 6 năm nay, nhạc sĩ Phú Quang vào danh sách xét tặng giải thưởng Nhà nước với chùm ca khúc về Hà Nội. Ông là một trong 37 tác giả được Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước thông qua hồ sơ, đăng tải trên trang web bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để lấy ý kiến trước khi hoàn thiện danh sách vào ngày 1/7.
Nhạc sĩ Phú Quang được đề nghị vinh danh với 5 tác phẩm: Em ơiHà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Chiều phủ Tây Hồ, Điều giản dị, khí nhạc: Solo Fute et orchestre (Tình yêu của biển). Năm 2011, nhạc sĩ từng bị đánh trượt do không đạt 100% số phiếu bầu từ hội đồng của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phú Quang có tuổi trẻ đầy ký ức Hà Nội, từ những con phố êm đềm tới trận bom B52 trút xuống Khâm Thiên năm 1972 ông chứng kiến. Và khi trưởng thành, Phú Quang sống tại TP. HCM, làm việc gần 20 năm tại Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch TP. HCM và trở về Hà Nội khi tuổi lục tuần, theo báo Quân đội nhân dân.
Là con út trong gia đình bảy đời sống ở Hà Nội, Phú Quang ra đời khi mẹ ông ở tuổi 45, đó là năm 1949. Nhạc sĩ Phú Quang kể, sinh thời, mẹ là người có trí nhớ tuyệt vời: “Mẹ tôi thuộc làu những Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Lục Vân Tiên và mẹ đọc thơ rất hay. Tôi còn nhớ, hồi mới 13 tuổi, tôi làm một câu đối treo ngay trên bàn học: "Ngõ lầy lội đường trơ xác pháo/ Nhà hương tàn sàn nát đào rơi". Khẩu khí ấy tôi có là vì “nhiễm” tính cách mẹ tôi, chứ bố tôi thì khác, vì cụ cho rằng người có khẩu khí như thế sau này sẽ rất khổ".
So với dòng họ, Phú Quang được cho là người nổi tiếng nhất, anh trai kế ông là nhạc sĩ Phú Ân. Gia đình âm nhạc của ông còn có 3 người con đều được học nhạc, trong đó con gái cả Nguyễn Trinh Hương (sinh năm 1975) đã tốt nghiệp thạc sĩ Nhạc viện danh tiếng Tchaikovsky (Liên bang Nga). Năm 2006, Trinh Hương và chồng, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy (Trưởng khoa Dây học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) từ Moskva trở về Hà Nội, với tâm nguyện cống hiến cho công việc công tác giảng dạy và biểu diễn tại quê nhà.
Hình ảnh Phú Quang trực tiếp chỉ huy dàn nhạc, chơi piano và hát, cùng con gái và con rể trưởng trong các đêm nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã tạo dấu ấn về những đêm nhạc sang trọng mà ông chỉ đạo nghệ thuật, phối khí.
Ca sĩ Hồng Nhung trình diễn ca khúc Em ơi, Hà Nội phố của nhạc sĩ Phú Quang. Video: Vieon.
Bích Thảo(T/h)