Xe cân ở nơi này thì không quá tải nhưng cân ở nơi khác lại bị phạt (?).
“Cơ quan chức năng sẽ thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, trong đó có kiểm tra tải trọng tại kho hàng, bến cảng để siết chặt hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng xe”, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết tại cuộc họp về siết chặt quản lý vận tải và kiểm soát tải trọng, ngày 14/5.
Nơi lố, chỗ không
Đồng tình với tuyên bố trên, tuy nhiên các doanh nghiệp vận tải lại bày tỏ lo lắng về sự thiếu thống nhất trong cách cân, tính tải trọng hiện nay. Ông Huỳnh Ái Việt, Giám đốc Công ty Việt Huỳnh Gia, cho biết: Đơn vị thường chở hàng container từ cảng Cát Lái, quận 2 về các tỉnh miền Tây. “Cùng một xe đó, khi cân ở vòng xoay Mỹ Thủy ở quận 2 thì bị lập biên bản chở quá tải trên 20\% nhưng khi cân lại tại trạm cân trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 thì xe không quá tải. Vì sao có tình trạng này, đề nghị Sở giải thích rõ”, ông Việt giơ tờ biên bản vi phạm hành chính lên phản ánh.
Ông Đỗ Mạnh Xoan, Công ty Duy Tài, cũng yêu cầu các cân tải trọng cần có sự chính xác cao. Theo ông Xoan, đơn vị hoạt động tuyến Bắc - Nam và tải trọng xe, hàng được cân trước khi ra đường vào khoảng 47 - 48 tấn/xe. Vậy nhưng đến trạm cân ở Thừa Thiên - Huế thì tải trọng nhảy vọt lên thành 52 tấn/xe. Nhưng cũng chiếc xe đó, đi đến trạm cân ở Ninh Bình thì không quá tải, vì tổng tải trọng chưa đến 47 tấn.
Cách cân tải trọng bất nhất là một trong nhiều nguyên nhân khiến việc kiểm soát tải trọng hiện nay chưa đạt được kết quả mong muốn. Ảnh: M.P |
“Có lần chúng tôi thắc mắc và yêu cầu Thanh tra Giao thông (TTGT) đi cùng để cân đối chứng thì được trả lời đi mà… hỏi ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT. Chúng tôi đề nghị các đơn vị chức năng xem xét lại độ chính xác của các trạm cân để các doanh nghiệp vận tải yên tâm hoạt động”, ông Xoan khẩn cầu.
Vi phạm vì cái cân
Trước phản ánh trên, đại diện TTGT TP.HCM cho hay: Hiện TP.HCM sử dụng hai loại cân. Một cân do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp, đang dùng ở đường Nguyễn Văn Linh để cân các loại xe đầu kéo chở container (xử lý quá tải cầu đường - NV).
“Trạm cân di động trên đường Nguyễn Văn Linh vừa cân được tổng trọng tải và trọng tải xe được phép lưu thông theo giấy đăng kiểm. Trong khi đó, cân ở vòng xoay Mỹ Thủy cho ra tổng trọng tải được phép lưu thông làm căn cứ xử lý quá tải theo thiết kế (chứ không phải xử lý quá tải cầu đường). Nhưng cân ở vòng xoay Mỹ Thủy đã được kiểm tra bằng cách đối chứng và cho thấy sai số không nhiều nên vẫn đảm bảo chính xác”, ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, giải thích.
Như vậy, có thể hiểu rằng một xe container chở 28 tấn được cân theo tải trọng cầu đường (như trạm cân Nguyễn Văn Linh - NV) là không vi phạm nhưng cân theo thiết kế (như cân ở vòng xoay Mỹ Thủy và các trạm cân khác trên địa bàn - NV) thì vi phạm.
“Tại sao một chiếc xe qua hai trạm cân cùng ở TP.HCM lại cho ra hai kết quả? Như vậy, nhà xe vi phạm hay các anh vi phạm? Các anh phải cho chúng tôi biết rõ để có phương án làm ăn chứ đi ra đường là dính biên bản, bị phạt đến 7 triệu đồng. Hay anh cứ nói thẳng lúc này chưa giải quyết được thì chúng tôi chờ hướng dẫn rồi mới chở hàng tiếp”, ông Huỳnh Ái Việt tiếp tục phản ứng.
Ông Lê Hồng Việt trả lời, trước đây Bộ GTVT đã hướng dẫn các trạm cân như ở trước cảng Cát Lái phải cân theo tổng trọng tải nên TTGT chưa dám xé rào. Nhưng vấn đề này sẽ được TTGT phản ánh, xin ý kiến Bộ GTVT để tổ chức cân theo hướng có lợi cho doanh nghiệp vận tải.
Hướng dẫn xe tải, xe container né cầu yếu, đường cấm Ông Dương Hồng Thanh cho biết, Sở GTVT đang xây dựng lộ trình hướng dẫn các loại xe tải, xe container ra vào các cảng biển, kho hàng trên địa bàn TP.HCM một cách thuận lợi. Cụ thể, Sở GTVT sẽ vẽ ra một số đường đi cụ thể để các lái xe đi mà không phải qua các cây cầu yếu, đường cấm. |