(ĐSPL) - Trước việc nhiều nhà xe "đình công" tại bến xe khách Mỹ Đình để phản đối việc điều chuyển xe, TP Hà Nội huy động xe bus miễn phí để đưa hành khách về các bến.
Báo Tin Tức cho biết, dịp nghỉ Tết dương lịch nên lượng khách về quê rất lớn, TP Hà Nội đã huy động xe bus miễn phí để đưa hành khách di chuyển về bến Nước Ngầm, Giáp Bát đi xe khác.
Hành khách chen lấn để được lên xe "miễn phí" sang các bến để có xe về quê. Những người có hành lý, đồ đạc lềnh kềnh phải đi xe ôm, xe taxi về các bến xe.
Xe bus miễn phí đón khách ở bến xe Mỹ Đình. Ảnh: TTXVN. |
Theo tin trên báo Pháp luật Plus, sáng nay (30/12), tại khu vực bến xe Mỹ Đình, rất nhiều nhà xe của các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam… đồng loạt không chở khách để phản đối việc Sở GTVT Hà Nội phát đi một văn bản yêu cầu các bến xe sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến xe khách cố định liên tỉnh trên địa bàn TP Hà Nội từ đầu năm 2017.
Số đông ý kiến các nhà xe đều cho rằng: "Việc điều chuyển cần có lộ trình nhất định cụ thể cho các doanh nghiệp, để chúng tôi đầu tư, chuẩn bị nơi đến của chúng tôi, chứ đùng một cái như thế này là rất bất ngờ, không đúng".
Các tài xế theo đó cũng đồng loạt không đánh xe vào bến theo lịch trình. Ảnh: Pháp luật Plus. |
Các nhà xe kiến nghị, nếu xe chạy lòng vòng, bắt khách thì đề nghị nếu lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện, bắt giữ xe vi phạm, xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ hoạt động để các doanh nghiệp khác không bị ảnh hưởng. Điều chuyển tuyến sẽ gây xáo trộn việc đi lại của người dân và càng gây thêm ùn tắc giao thông vì xe dù, bến cóc.
Theo đại diện một nhà xe Nghệ An, các nhà xe đi Vinh, Nghệ An cũng phản đối việc điều chuyển này. "Các xe khách đều chạy có giờ, có tuyến. Ra khỏi bến xe chúng tôi đi đường trên cao thì tắc ở đâu ra", vị này nói. Đại diện này cũng kiến nghị Sở GT-VT Hà Nội sớm có phương án điều chỉnh cho hài hòa để đảm bảo lợi ích chung cho doanh nghiệp và người dân.
Việc nhiều tuyến xe đồng loạt đình công phản đối đã khiến nhiều người dân đi xe khách tỏ ra rất hoang mang và bức xúc.
Trả lời về sự việc này, ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết: “Hiện nay, các nhà xe đã lên nhưng họ cũng không đón khách vì các nhà xe phản đối việc di dời xuống bến xe Nước Ngầm. Hiện chúng tôi đang báo cáo cấp trên để có phương án giải toả".
Trước đó, theo Văn bản của Sở GTVT Hà Nội phát đi và yêu cầu các bến xe sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến xe khách cố định liên tỉnh trên địa bàn TP. Hà Nội từ đầu năm 2017. Theo nội dung Văn bản, điều chuyển các tuyến xe khách của tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng chuyển về bến xe Nước Ngầm. Điều chuyển các tuyến của tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái đang hoạt động tại các bến Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa chuyển về bến xe Mỹ Đình. Điều chuyển tuyến của các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Hòa Bình, Kom Tum, Sơn La, Thanh Hóa, (các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Quán Lào, Thọ Xuân, Yên Cát đi theo hướng Hồ Chí Minh) đang hoạt động tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm chuyển về bến xe Yên Nghĩa. Điều chuyển các tuyến của tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây chuyển về bến xe Giáp Bát. Điều chuyển các tuyến của tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn đang hoạt động tại các bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây chuyển về bến xe Gia Lâm. Thời gian thực hiện, sắp xếp, điều chuyển từ ngày 2/1/2017. |
(Tổng hợp)