Nông dân nơm nớp nỗi lo thất thu vụ Tết
Những ngày này, bà Võ Sáu (66 tuổi, trú Khối phố An Phong, phường Tân An, Tp. Hội An, Quảng Nam) đang thuê nhân công chăm chút lại vườn quất cảnh để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Âm lịch. Bà Sáu cho biết, năm nay do ảnh hưởng của thời tiết và dịch Covid-19 nên chỉ trồng được khoảng 250 cây, so với mấy năm trước khi chưa có dịch xảy ra, số lượng giảm nhiều.
"Giá bán dao động từ 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng/cây tùy từng cây lớn nhỏ. Năm nay giá phân bón tăng cao, cùng với giá nhân công cũng cao và ảnh hưởng dịch Covid-19 nên khả năng huề vốn hoặc lỗ vì tiêu thụ khó", bà Sáu cho biết, mọi năm không có dịch Covid-19 thời điểm này thương lái đã đặt mua hết, nhưng giờ vẫn chưa có thương lái tới, một số nhà vườn có thương lái tới hỏi đặt mua nhưng rất ít, người trồng quất cảnh thấp thỏm lo âu.
Chính thức vào vụ cao điểm nhất năm, làng hoa Xuân Quan, tỉnh Hưng Yên đã tấp nập xe cộ ra vào lấy hàng. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ vụ Tết 2021, các nhà vườn tại đây đã chủ động giảm lượng xuống giống để tránh tồn kho đổ bỏ.
Nhiều hộ gia đình trồng quất và đu đủ tại Hưng Yên đau đáu nhiều nỗi lo. Nếu giờ này mọi năm thương lái đã đến đặt tới 2/3 vườn thì năm nay cũng chỉ lác đác. Những con đường làng tại thôn Phi Liệt, xã Yên Nghĩa (huyện Văn Giang) trở nên vắng lặng.
Mọi năm cứ từ tháng 8 âm lịch trở đi là cao điểm mua bán nhưng năm nay nhiều nhà vườn trồng quất thậm chí chưa bán được cây nào.
Buồn nhất có lẽ là những chủ vườn trồng đu đủ. Thời tiết năm nay sương muối nhiều khiến lá chuyển vàng, cây bị bệnh. Nông dân phải cách ly cây sang nơi khác, thậm chí nhắm mắt bỏ đi hoàn toàn. Nguy cơ mất trắng mùa đu đủ đang cận kề trước mắt.
Tương tự, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhiều nhà vườn chuyên sản xuất trái cây "độc, lạ" ở ĐBSCL đã giảm sản lượng hoặc không làm sản phẩm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2022.
Ông Võ Trung Thành (ngụ xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) được xem là "cha đẻ" của bưởi hồ lô. Mỗi dịp Tết, ông đều tung ra thị trường hàng ngàn sản phẩm độc đáo được tạo hình trên trái bưởi như: Bưởi hồ lô tài - lộc, bưởi thỏi vàng... Thế nhưng, dịch Covid19 đã khiến ông dừng ý định sản xuất cho thị trường Tết Nguyên đán.
"Khoảng tháng 4 hằng năm, tôi chọn thuê những vườn bưởi Năm Roi đẹp tại Vĩnh Long, Sóc Trăng để tạo hình nhưng năm nay, dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nơi áp dụng Chỉ thị 16 - "ai ở đâu ở yên đó". Vì vậy, năm nay tôi không làm bưởi hồ lô, chỉ trồng mãng cầu Thái", chia sẻ với Người Lao Động ông Thành cho biết.
Những năm qua, cam ruột đỏ "làm mưa làm gió" ở thị trường Tết Nguyên đán. Vào thời điểm Tết hằng năm, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 57.000-60.000 đồng/kg, giúp nhà vườn thu lãi đậm. Anh Huỳnh Hoàng Sơn (ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) là một trong những người tiên phong trồng loại cam này. Năm nay mọi chuyện đã khác vì dịch bệnh. Anh đã đốn vườn cam ruột đỏ để trồng chanh không hạt.
Trái cây đặc sản được giá
Cuối năm, nhiều loại trái cây đặc sản ở ĐBSCL bán được giá, nhà vườn phấn khởi. Ông Trần Văn Chiến - Giám đốc HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A (huyện Phong Điền, Tp. Cần Thơ) - cho biết trong vụ cuối năm, HTX có khoảng 35 ha cây vú sữa cho trái với sản lượng thu hoạch khoảng 240 tấn. "Giá bán vú sữa tại vườn cao hơn so với cùng kỳ mọi năm. Vú sữa Lò Rèn được thương lái mua 25.000 đồng/kg, vú sữa bơ hồng 17.000-18.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày, HTX bán khoảng 1 tấn, đến cuối tháng 11 âm lịch này sẽ hết vụ", ông Chiến chia sẻ.
Năm nay, năng suất vú sữa đạt khá, từ 8-10 tấn/ha. Với giá bán như trên, nhà vườn thu lãi 100-150 triệu đồng/ha.
Giá chôm chôm tại Cần Thơ, Vĩnh Long... cũng đang tăng mạnh, cao gấp 3-4 lần so với cách đây 3 tháng. Hiện chôm chôm Java ở mức 15.000-16.000 đồng/kg, chôm chôm Thái 35.000-36.000 đồng/kg.
Đào Vũ (T/h)
Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí in Đời sống& Pháp luật số Chủ nhật (45)