+Aa-
    Zalo

    Nhà vườn quýt kiểng chưng Tết: "Không ngờ năm nay sức mua mạnh thế"

    (ĐS&PL) - Năm nay người trồng quýt kiểng lại được đón niềm vui khi được mùa, được giá, khách mua tăng cao, lãi hàng trăm triệu trong dịp Tết.

    Dân Trí đưa tin, những ngày cận tết, vợ chồng ông Hà Thanh Hồng (73 tuổi, ngụ tại xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) vừa chăm vườn quýt kiểng vừa "tiếc". Vườn quýt hồng đang trong những ngày đẹp nhất, cây nào cũng trĩu quả, trái bóng mượt, căng tròn.

    "Không ngờ năm nay sức mua mạnh thế, 150 chậu quýt được người ta đặt mua sạch ngay từ đầu tháng Chạp. Khách cũng đã lấy hàng đi nhiều rồi. Vườn chỉ còn lại ít cây, tôi mong người ta lấy muộn để còn được ngắm, chứ nhìn vườn trống trải, vui có vui nhưng cũng tiếc", lão nông nói.

    Quýt hồng là nông sản đặc trưng của huyện Lai Vung, hầu như nhà nào cũng có mảnh vườn trồng quýt, vừa làm kiểng, vừa bán trái, nhiều gia đình còn làm dịch vụ du lịch. Những ngày cận Tết, khắp vùng là những vườn quýt đẹp như tranh, nườm nượp khách ghé thăm.

    nha vuon quyt kieng chung tet khong ngo nam nay suc mua manh the3
    Những chậu quýt kiểng của ông Hồng đang vào độ đẹp nhất. Ảnh: Dân Trí.

    Ông Hồng có thâm niên trồng quýt hơn 40 năm. Trước đây ông có khu vườn 5.000m2 trồng quýt bán trái. 10 năm trở lại đây, vì đã có tuổi, sức khỏe không còn đảm bảo nên ông chuyển sang trồng quýt chậu bán kiểng, việc nhẹ hơn, thu nhập cũng cao hơn.

    "Làm quýt chậu lãi gấp 10 trồng quýt bán trái, lại nhẹ việc hơn rất nhiều. Chỉ khác là quýt chậu yêu cầu kinh nghiệm, sự tỉ mỉ và kỳ công, không kiên trì không làm được", ông Hồng chia sẻ.

    Khu vườn 500m2 được lão nông chia thành 3 phần, một phần để dâm quýt phôi, một phần trồng quýt hậu bị, phần còn lại là quýt thương phẩm. Ông Hồng cho biết, quýt phôi dâm nửa năm sẽ cho vào chậu, dưỡng tiếp 1 năm.

    nha vuon quyt kieng chung tet khong ngo nam nay suc mua manh the2
    Bà Thủy tiếc nuối vườn quýt vì khách đến mua hàng sớm quá, chủ vườn không được ngắm thành quả của mình lâu hơn. Ảnh: Dân Trí.

    Sau khi cây quýt đủ lớn, đủ khỏe, ông Hồng sẽ căn chỉnh theo thời tiết để can thiệp kỹ thuật sao cho cây đậu quả, có trái đẹp nhất vào đúng dịp Tết. Cây quýt từ khi ra quả tới lúc quả chín kéo dài gần cả năm. Thời gian này, người trồng phải theo dõi cây, chăm sóc từng ngày.

    "Chỉ cần cây mắc bệnh nhẹ mà không phát hiện kịp là có thể nhanh chóng yếu, dễ mắc thêm bệnh mới và nguy cơ lan ra cả vườn. Quýt khi vào chậu chỉ bón phân, không dùng thuốc nên việc chăm sóc rất khắt khe.

    Những lúc cây suy, cần chăm sóc phục hồi là lúc kỹ năng và sự kiên nhẫn của người trồng bị thách thức nhất. Nhiều người muốn theo nghề nhưng thường không qua được giai đoạn này", lão nông nói.

    Với chi phí sản xuất một chậu quýt khoảng 1 triệu đồng, giá bán bình quân khoảng 3 triệu đồng, năm nay vợ chồng ông Hồng lãi lớn.

    "Cả vườn tôi đã thu tiền rồi, được gần 400 triệu đồng. Không ngờ năm nay sức mua mạnh, hàng càng đắt càng dễ bán. Những cây giá 4-5 triệu đồng được mua hết trước tiên", bà Lê Thanh Thủy (70 tuổi, vợ ông Hồng) cho hay.

    Liên quan đến tin tức tương tự, dù khoảng 1 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhưng tại thủ phủ quất Nam Phong, TP. Nam Định, nhiều nhà vườn cũng đã bán hết hàng.

    Giá quất năm nay tăng từ 10-20% so với mọi năm, lượng khánh đặt mua cũng tăng cao, nên nông dân rất phấn khởi.

    Con đường dẫn vào các cánh đồng trồng quất tại xã Nam Phong thời điểm gần Tết Nguyên đán nhộn nhịp, tấp nập hơn hẳn bởi các phương tiện ra, vào vận chuyển quất đi tiêu thụ; dưới các cánh đồng quất rộng hàng chục ha, người dân đang miệt mài đánh quất, buộc quất, bó tán... để giao cho khách.

    nha vuon quyt kieng chung tet khong ngo nam nay suc mua manh the
    Người dân xã Nam Phong, thành phố Nam Định, đánh quất chuyển cho khách hàng. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam.

    Mặc dù mệt nhưng niềm vui luôn thường trực trên khuôn mặt của nông dân nơi đây bởi quất được mùa, được giá.

    Ông Vũ Xuân Thời ở thôn Vạn Diệp 1 cho biết chuẩn bị cho vụ Tết năm nay, vườn nhà ông có trên 60 gốc quất từ 3-4 tuổi, ngay từ tháng 10-11 âm lịch đã có nhiều thương lái đến tận vườn thăm quan, đặt mua.

    Năm nay, ông Thời quyết định bán buôn cho thương lái khoảng 2/3 vườn với giá bán dao động từ 3 triệu/cây, còn lại những cây to, dáng đẹp giá cao hơn ông Thời để lại bán lẻ.

    Theo ông Vũ Xuân Thời, năm nay thời tiết rất thuận lợi, quất được mùa, tán đẹp, quả to, vàng, lá xanh, hoa đều, ít bị sâu bệnh nên khi khách đến vườn thường chọn được cây, đặt mua luôn.

    Vườn nhà ông có nhiều cây có giá bán từ 5-6 triệu, thậm chí có cây trên 9 triệu nhưng vẫn có nhiều khách mua. Năm nay nếu ai đi mua muộn sẽ không chọn được cây ưng ý, theo Thông tấn xã Việt Nam.

    Phương Linh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-vuon-quyt-kieng-chung-tet-khong-ngo-nam-nay-suc-mua-manh-the-a609682.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan