(ĐSPL) - Nguyễn Thị Thu Huệ là một trong số ít nữ nhà văn "tài - sắc vẹn toàn" của văn học Việt Nam đương đại.
Chị khám phá cuộc sống hàng ngày bằng văn chương và đang rất hạnh phúc vì được sống trong niềm đam mê ấy. Hiện, chị đang là Phó Trưởng ban Thư ký biên tập - Đài Truyền hình việt Nam. Văn chương đối với Thu Huệ là người bạn tri kỷ và thân thiết. Chị cho biết, càng gần thời điểm Tết về, chị lại nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ và những trải nghiệm trong nghề viết văn của mình...
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và đồng nghiệp trong một cuộc gặp mặt. |
Tết cho tôi cảm giác bình yên
Chị đã có một cuộc "di trú" khá dài ở TP.HCM với thời gian 4 năm. Và cảm giác của chị với những cái Tết xa Hà Nội thế nào?
Bốn năm đó, tôi sống ở TP.HCM và đi nhiều nước. Đến mỗi một nước, tôi thường ở lại khá lâu vì đấy là một thói quen từ nhỏ. Di chuyển liên tục cho tôi cảm giác mới mẻ, yêu quý hơn những nơi mình đã đi qua. Vào TP.HCM sống mấy năm, thực ra là tôi về quê. Họ nội của tôi sống dọc từ TP.HCM tới mũi Cà Mau, nên việc thay đổi nơi ở với mọi người có thể là lớn, nhưng với tôi thì bình thường. Những năm xa Hà Nội, tôi thấu hiểu cảm xúc người Hà Nội xa quê là thế nào. Và ngược lại, bây giờ sống hẳn ở Hà Nội, lại nao lòng nhớ những chiều mưa bất chợt, những cơn gió mang mùi biển và hương thơm của trái cây Nam Bộ. Tết cổ truyền với tôi là sự nuôi dưỡng tinh thần, giữ gìn cảm xúc và cảm giác bình yên cho riêng mình.
Tôi đã đọc các truyện Mùa đông ấm áp, Hậu thiên đường, Nước mắt đàn ông... và rất hâm mộ chị. Theo chị, tài năng có đủ làm nên một nhà văn nổi tiếng?
Tôi cho rằng, làm bất cứ nghề gì cũng cần phải có tài, dù là ít. Riêng với những người làm nghệ thuật thì yếu tố tài năng rất cần thiết. Bên cạnh đó một thứ bắt buộc phải có là kiến thức trang bị về nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, có tài mà không có học thì đến một lúc nào đó cũng sẽ hết tài, hoặc những sản phẩm tinh thần của họ sẽ chỉ là sự lấp lánh của bản năng mà thôi. Tài năng cần được nuôi dưỡng bởi kiến thức học hỏi và kinh nghiệm cuộc sống.
Chị nghĩ thế nào về hiện tượng văn học Việt Nam hiện nay: Quá nhiều truyện ngắn, hơi ít tiểu thuyết và truyện vừa. Nội dung và thủ pháp của các truyện ngắn nghèo nàn. Phải chăng, các nhà văn hiện nay không "sống hết mình" với nghiệp văn chương?
Ý kiến này chỉ đúng một phần, các nhà văn lớn tuổi vẫn đang ấp ủ những tiểu thuyết dài, có thể, họ sẽ in hoặc chỉ viết cho bản thân mà không công bố. Tôi không cho rằng, các nhà văn hiện nay không sống hết mình với nghiệp văn chương, bởi vì đã là người cầm bút, ai cũng muốn hết mình, chỉ có điều, bạn đọc cảm nhận đến đâu trong xã hội phát triển mạnh như hiện nay, khi mà con người được tiếp cận với nhiều phương tiện hiện đại thì văn hóa đọc cũng phần nào bị giảm đi. Theo tôi, đó là nguyên nhân mà người đọc bây giờ không hào hứng lắm với những tiểu thuyết dày như ngày xưa.
Những cô gái trẻ Việt Nam bây giờ cần phải làm những gì để vừa làm tròn bổn phận trong gia đình, vừa làm tốt công tác xã hội? Tôi thấy nhiều bạn trẻ coi nhẹ "nữ công gia chánh", nhất là vào những dịp thiêng liêng như Tết cổ truyền?
Các bạn cần phải tranh thủ óc sáng tạo của tuổi trẻ để học, khám phá và tìm hiểu cuộc sống. Tôi cho rằng, điều gì cũng có thể làm được. Điều khác nữa là chúng ta phải chấp nhận và đối mặt với khó khăn trong cuộc sống, bởi sẽ không ai cứu được mình bằng chính bản thân mình. Tóm lại, để vừa làm tốt công việc ngoài xã hội, vừa làm tròn bổn phận gia đình, các bạn hãy yêu cuộc sống mà cha mẹ đã ban tặng và hãy sống tận cùng với nó. Tết là dịp mọi người gắn bó, đấy cũng là cơ hội để các bạn trẻ thể hiện sự quán xuyến trong việc bếp núc, yêu căn bếp của mình mới vun vén được gia đình.
Đàn bà phải tự yêu mình thì mới yêu được người khác
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. |
Chị đến với sự nghiệp viết văn như thế nào?
Tôi viết từ nhỏ, theo cái kiểu viết 1 - 2 trang rồi quẳng đi. Mười sáu tuổi tôi đã có truyện in ở báo Người Hà Nội. Thực ra, tôi thích học họa. Tôi đã học vẽ từ nhỏ để sau này thi vào đại học Mỹ thuật, nhưng bố tôi bảo, con gái theo họa thì khổ. Tôi nộp đơn thi hai trường đại học Mỹ thuật và Tổng hợp Văn, rồi chọn thi Tổng hợp Văn. Lúc bùng lên viết là năm 1994 - 1995, khi cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội được tổ chức. Tôi được khuyến khích, thế là ra đời Hậu thiên đường, Minu xinh đẹp...
Phan Thị Vàng Anh có câu thơ: "Não đàn bà làm bằng gì mà chỉ nghĩ chuyện tình yêu? Chụm đầu nghiêm trọng như âm mưu chỉ để bàn về một người đàn ông bé nhỏ?". Chị có thế?
Tôi ít khi bàn bạc về đàn ông và bạn nữ của tôi toàn người cá tính và có những sở thích về đàn ông rất đặc biệt, có mang ra bàn sẽ không ai khoái vì không có điểm chung. Tranh luận về họ lại càng không vì phụ nữ có rất nhiều chuyện mới mẻ, sáng tạo nhưng rất giản dị như: Cách nhận biết về đồ ăn bị tẩm độc, hay gội đầu bằng cái gì cho tóc dày hơn, cách biến đổi mỡ bụng từ trắng sang ngà để triệt tiêu mỡ xấu... Lúc đó, đàn ông không phải là mối quan tâm nữa, bởi khi phụ nữ biết yêu mình thì mới có thể yêu được người xung quanh.
Năm 2014 ban Thư ký biên tập của chị có 20 kịch bản được chọn và 11 kịch bản đã làm phim đều được VTV đánh giá cao về chất lượng. Vậy sau khi đã khai thác hết số kịch bản này, phòng biên tập của chị và VTV đảm bảo sẽ giữ được "phong độ" tốt cho chất lượng các phim về sau?
Thời gian qua, VTV đã chọn được khá nhiều đề tài, kịch bản hay trong số hàng trăm kịch bản của các tác giả gửi đến. VTV đã đầu tư "đặt hàng" các tác giả viết kịch bản, các hãng phim sản xuất và VTV phát sóng tiếp khoảng hơn 20 phim trong năm 2014. VTV xác định phim 1 tập với những thế mạnh và yêu cầu cao về tính nghệ thuật chính là yếu tố làm nên thương hiệu phim VTV và là đầu tàu để kéo chất lượng những phim dài tập. Do vậy, VTV đang ưu tiên cho thể loại phim này, nhằm thực hiện kế hoạch dài hơn cho thời gian tiếp theo.
Nguyễn Thị Thu Huệ của giai đoạn này "khác" với chị của ngày xưa như thế nào?
Vì tôi lớn tuổi hơn nên cái hồn nhiên đã khác rồi. Bao phủ xung quanh mình là cảm giác bất lực trước cuộc sống, mình không còn chủ động trong mọi điều nữa. Hoàn cảnh nó lôi kéo mình đi theo. Trước kia, khi viết truyện, tôi viết ra các nhân vật rất khôn. Nếu làm được như các nhân vật thì rất tốt, nhưng rồi cá nhân mình có làm được như thế đâu...
Vậy là chị thừa nhận mình cũng có lúc "dại"?
Có lúc miệng mình vừa khuyên một người nghe có vẻ rất hay ho nhưng sau đấy chính mình lại mắc lỗi luôn, không chỉ là chuyện tình cảm mà còn trong chuyện công việc.
Tết - với chị là như thế nào?
Với mỗi người dân Việt Nam thì Tết là một dịp để gia đình con cái đoàn tụ, họ hàng gặp gỡ nhau và cũng là dịp để tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên. Ngày Tết linh thiêng lắm, người ta quan niệm rằng, những ngày đầu năm mới vui vẻ, hanh thông thì một năm cũng thế. Tết với tôi là thời gian sống cho gia đình.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Thỉnh thoảng nhảy ra Facebook chia sẻ cảm xúc Không có tác phẩm mới, nhưng trên Facebook của chị không thiếu các câu chuyện về những thân phận phụ nữ. Những phụ nữ đó là ai xung quanh chị và những câu chuyện đó nói lên điều gì? Có những thời điểm tôi viết văn miên man. Một truyện ngắn dài vài chục trang đánh máy ngồi một mạch viết đến khi xong thì thôi. Giờ hơi khác. Trang Facebook của tôi là do một người em lập cho, mục đích rất giản dị là để giao lưu với mọi người. Thỉnh thoảng nhảy ra chia sẻ chút cảm xúc bất chợt trên mạng xã hội này. Họ là những nhân vật sống quanh tôi, thật như chính cuộc sống của họ vậy. |