+Aa-
    Zalo

    Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang: Yếu tinh thần mới sợ chuyện được, mất

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Xinh đẹp, cá tính và sắc sảo… là những nhận xét của độc giả về nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang. Với Trang, cứ yêu cuộc sống này là được.

    (ĐSPL) - Xinh đẹp, cá tính và sắc sảo… là những nhận xét của độc giả về nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang. Với Trang, cứ yêu cuộc sống này là được, bởi vì yêu, cuộc đời sẽ trả lại yêu thương…

    Nhiều lúc chỉ muốn buông tất cả để về Hà Nội…

    Quỳnh Trang vào Sài Gòn sinh sống và làm việc đã gần nửa năm, sự thay đổi địa lý này có làm chị “xáo trộn” mỗi khi cầm bút?

    Tôi rất yêu Hà Nội. Tình yêu ấy thấm đầy qua từng trang viết của tôi. Giờ đây ở Sài Gòn, khi đêm chị gái nhắn rằng, Hà Nội heo may về, lạnh nao lòng lắm. Rồi sang mai tỉnh dậy, lại nhận tin của anh trai, mùa hoa Tam giác mạch đã về… lại cứ chỉ nao nao muốn khóc. Đối diện trước những trang viết cho cuốn tiểu thuyết mới, tôi chỉ muốn đứng dậy buông hết tất cả để về với Hà Nội, quay trở lại chốn cũ, nơi gắn bó với quãng đời son trẻ của tôi… để hít thật sâu hương sữa thầm trong đêm, nghe một bản nhạc nhẹ nhàng trên góc phố vắng, hay ngồi trà chanh bên hông Nhà thờ Lớn để nghe từng hồi chuông ngân nga, cũng có thể dạo qua Bờ Hồ nghe lá xao xác gió. Thèm lắm. Nhưng giờ tôi vẫn ngồi đây, chờ hơi mát lạnh từ sông Sài Gòn thổi vào phòng làm việc, và nhủ thầm, chỉ về Hà Nội, khi đã làm xong một việc nào đó tự thấy có ích, như hoàn thành cuốn tiểu thuyết này, chẳng hạn.

    Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang: Chỉ những người yếu tinh thần mới sợ

    Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang.

    Nhanh quá, đã một năm trôi qua từ khi chị ra mắt “Đi về không điểm đến”, đến nay, Quỳnh Trang đã có điểm để… đi về rồi?

    Có lẽ điểm đi về cuối cùng của đời người, là sự thanh thản không mong chờ, không chấp bám. Chấp nhận mọi điều chẳng phán xét, để không nảy sinh từ bên trong những cảm xúc tiêu cực. Khó lắm, nhưng đó là điều cần làm mà tôi thấy có ý nghĩa đích thực nhất. Con người ta thường hay lầm lẫn. Bản thân tôi cũng dày đặc những ảo mộng huyễn tưởng khi luôn mong cầu những điều nằm bên ngoài mình. Mọi sự đến rồi lại đi. Không có gì mãi mãi cả. Đôi khi, nhìn những trớ trêu phận người, tôi chẳng còn biết nên khóc hay nên cười.

    Ở Quỳnh Trang, người ta thấy rằng chị hội tụ đầy đủ những yếu tố của một người phụ nữ hiện đại: Xinh đẹp, tài năng, sắc sảo, cá tính… chị nghĩ mình có phải là người may mắn?

    Tôi thấy tất cả những gì mình có, đều là một loạt những mâu thuẫn, rất dễ tự gây đau. Chúng tôi là những người nữ làm văn, chỉ công việc ấy thôi, đã đủ hành xác thân lẫn tinh thần rồi. Thương xót lắm, bởi tại sao không cứ êm đềm sống vui, hưởng thụ mọi thứ đến trong sự toàn vẹn, lại chọn con đường văn chương chữ nghĩa, nếu không tự đày ải bản thân trong hàng loạt những cảm xúc bấn loạn muốn vỡ tim thì cũng vì quá nhạy cảm mà luôn dìm mình trong vũng bùn rồi cố ca hát nở hoa trên ấy… Mà có để làm gì? Rồi thời gian và sự bội bạc lòng người cũng xoá hết tuổi xuân của chúng tôi đi…

    Nhưng viết văn là nghiệp mà chúng tôi đã chọn và phải chấp nhận trả giá.

    Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang: Chỉ những người yếu tinh thần mới sợ

    Làm thế nào để duy trì được nghề viết khi ở xã hội này, người ta vẫn than thở “Cơm áo không đùa với khách thơ”, thưa chị?

    Nếu cứ chung thuỷ với mục tiêu hướng thiện, vì người khác, đừng cuống quýt sợ hãi bởi khó khăn trước mắt mà chạy ra ngoài nó, chịu đương đầu với các kiểu bất ngờ thử thách, thì sự sống sẽ mở ra rất nhiều sự giúp đỡ vô ưu. Tôi nghiệm ra từ đời mình, và thấy rõ vậy. Nhìn một cách tích cực, tôi là người được sự sống nuông chiều. Trước khi viết cuốn tiểu thuyết này, tôi may mắn có được hậu phương gia đình vững chắc, cùng sự động viên tích cực âm thầm của người thân.

    Những người bạn của tôi ở Hà Nội cũng lần lượt vào đây thăm nom, chia sẻ mọi khó nhọc tinh thần cùng tôi. Tôi đang được tạo điều kiện tối ưu để được viết tiểu thuyết như hiện tại. Công việc được thu xếp gọn gàng, các trách nhiệm không cần lo tới, và tôi luôn có người ở bên giúp đỡ để không có gì phải nghĩ ngợi ngoài văn chương. Tất cả sự việc ồn ào bên ngoài đóng lại, để tôi được tập trung làm việc.

    Đằng sau mỗi cuốn tiểu thuyết tôi viết, là công sức của những người đang yêu thương tôi. Tôi nhận yêu thương để viết ra những yêu thương với sự biết ơn sâu sắc.

    Người ta thường quan niệm rằng, đàn bà đẹp thì đa đoan, một người đàn bà đẹp lại có vốn văn chương khá phong phú như chị có bị “vận” vào câu nói kia không?

    Đó là điều chắc chắn đấy. Rất nhiều nhà văn đến ngày bỗng nhiên nhận ra điều trớ trêu đó. Bạn không thể tưởng tượng được việc tác giả bỗng nhiên trở thành nhân vật trong chính tiểu thuyết của mình, nó kinh hoàng lẫn hài hước bi ai đến thế nào đâu… Những ám ảnh từ mọi điều nhà văn trăn trở trong tiểu thuyết, lại quay ngược vào cuộc sống thực ngoài đời.
    Cuộc đời tôi rốt cuộc, luôn là những trang tiểu thuyết dở dang, không thể biết điều gì đang đợi mình phía trước. Thế nhưng khi đi qua lo lắng sợ hãi buồn bã, bạn sẽ thấy, nếu đời bạn không trải qua những bất thường để đón nhận chúng là sự bình thường, thì chẳng còn gì thú vị cả.

    Viết văn trước nhất là để hoàn thiện linh hồn tôi

    Có độc giả nhận xét rằng, văn chương của Nguyễn Quỳnh Trang rất “đàn bà” với những câu chữ đằm thắm mà len lỏi vào tận suy nghĩ của người đọc. Ở Sài Gòn, rồi Quỳnh Trang sẽ lại yêu những cơn mưa bất chợt, yêu những ồn ào của một thành phố sống về đêm và chị sẽ lại viết văn bằng chất riêng của chị?

    Cảm ơn rất nhiều những ai chia sẻ cùng tôi những trang văn chương viết từ cay đắng. (cười). Thú thật đến lúc này, tôi vẫn chưa hoà mình vào được thành phố này, việc sống ở đây vẫn là thử thách của tôi. Dù trước đó tôi đã được “nếm náp” đủ hương vị từ những vui chơi bất tận mà trái tim Sài Gòn rộng mở của người thương yêu tôi mang lại. Nhưng cũng chính vì thế, khi không tìm thấy thêm niềm vui sướng bên ngoài, khi những hội hè dừng lại, tôi buộc mình phải quay trở lại viết văn.

    Khi nào hoàn thành cuốn tiểu thuyết này, tôi cảm giác mình sẽ mang tâm thế khác để kết nối với thành phố mới, những người bạn mới.

    Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang: Chỉ những người yếu tinh thần mới sợ

    Dạo gần đây dư luận khá ồn ã trước quan niệm sống của một bạn trẻ 27 tuổi nói không với sex trước hôn nhân, chị có ủng hộ quan niệm sống này không?

    Với tôi, mỗi người đều có lựa chọn riêng cho cuộc đời họ. Mỗi lời nói, ý nghĩ hay hành động của từng cá nhân, sẽ làm nên tính cách và dẫn dắt số phận người đó. Rốt cuộc, ai cũng ăn quả mà bản thân đã gieo nhân và tự chịu trách nhiệm với chính mình. Thế nên, trước mỗi quan điểm như vậy, tôi nhìn ngắm để biết, và cười vui thôi.

    Rất nhiều người trẻ hiện nay quan niệm “Yêu là cho, không cho sẽ bị bỏ” và họ thường yêu theo bản năng, theo chị vì họ chưa có người định hướng cách sống hay họ đang theo tâm lý “bầy đàn”?

    Chỉ những người yếu tinh thần, mới sợ chuyện cho nhận, được mất. Lúc nào cũng cần bám víu vào ai đó để có cơ hội sống, rồi khi bản thân mình khổ sở, lại đổ lỗi tại người. Tất nhiên, cuộc đời của chúng ta cũng đến lúc gặp nguy nan, và nếu được người chìa tay giúp đỡ thì không có gì may mắn bằng. Và chúng ta nhận mọi sự trợ giúp ấy với lòng biết ơn, để làm tiền đề cho những nỗ lực vươn lên, khơi dậy sức mạnh nội tại, để có được tự do cá nhân mình. Thực sự, việc dựa dẫm vào tình cảm của người khác mang lại, rốt cuộc sẽ mang lại cho bạn rất nhiều trải nghiệm cay đắng. Lòng người dễ phụ bạc và đổi trắng thay đen không ngờ, khi ai cũng đề cao mong cầu cá nhân mà không màng tới những thương tổn mà họ gây ra. Đôi khi tôi tự hỏi, làm sao con người ta có thể kiếm tìm hạnh phúc trên nỗi đau đớn của người khác? Để chấp nhận sự thật rằng con người cứ vô minh thế đấy. Nên điều cần nhất không phải bám víu lấy những thứ bên ngoài, mà nỗ lực sửa chữa mọi điểm yếu bên trong có thể làm cho bản thân bị thương tổn. Điều cần nhất để sống vui là một tinh thần khoẻ mạnh.

    Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang: Chỉ những người yếu tinh thần mới sợ

    Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang, nhà văn Hoàng Anh Tú cùng độc giả.

    Theo chị, làm thế nào để kéo một độc giả nghiện mạng xã hội như Facebook, Zalo… để họ ngồi hàng giờ đọc một cuốn sách hay?

    Rồi đến ngày họ nhận ra đã phí thời giờ sống cho những việc vô nghĩa như thế nào, may chăng có sự thay đổi. Mọi người nhìn chung đều ưa làm những việc theo thói quen, bản năng dẫn dắt và tự buông thả đời mình. Thế nên người biết sống có lý tưởng có mục đích, sống ra sống, vẫn nằm trong số hiếm.

    Nhiều nhà văn trẻ sau khi thử sức ở truyện ngắn, tiểu thuyết thì họ cũng lấn sân sang một phạm trù mới là viết kịch bản phim. Quỳnh Trang có định thử sức mình ở lĩnh vực điện ảnh không?

    Tôi đã từng viết kịch bản phim truyền hình và phim đã phát sóng. Ngoài ra, tôi cũng đã chuyển thể cuốn tiểu thuyết 1981 của tôi thành kịch bản phim truyện nhựa. Viết kịch bản là công việc cũng hết sức nhọc nhằn và hại não, thế nên tôi tạm thời thử sức đến thế. Việc quan trọng nhất của tôi vẫn là viết tiểu thuyết và phải hoàn thành sao cho cuốn sau cần tốt hơn cuốn trước. Viết văn trước nhất là để hoàn thiện linh hồn tôi.

    Là một cây bút trẻ có sức viết rất lớn, từ khi cho ra mắt tác phẩm đầu tay như tiểu thuyết “1981”, “Nhiều cách sống”, “Mất ký ức”… đến “9X09”, chị đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả. Những dự định sắp tới của chị là…

    Tôi đang tập trung viết cuốn tiểu thuyết tiếp theo, tạm đặt tên là “Chết trên đỉnh Kilimanjaro”. Hy vọng, tác phẩm này sẽ được độc giả đón nhận…

    Xin cám ơn những chia sẻ của Quỳnh Trang!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-van-nguyen-quynh-trang-yeu-tinh-than-moi-so-chuyen-duoc-mat-a54633.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan