“Mỹ sẽ đáp trả theo cách "thích hợp" đối với bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga nhằm vào các vệ tinh thương mại của Washington”, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby tuyên bố ngày 27/10.
Trước đó một ngày, ông Konstantin Vorontsov, Phó Giám đốc Cơ quan kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị thuộc Bộ Ngoại giao Nga, tuyên bố các vệ tinh thương mại của phương Tây có thể trở thành mục tiêu chính đáng của Moscow nếu tham gia trực tiếp vào xung đột ở Ukraine.
Ông Konstantin Vorontsov nhận định việc Mỹ và đồng minh sử dụng các vệ tinh của phương Tây để hỗ trợ cho Ukraine là "một xu hướng cực kỳ nguy hiểm".
“Các cơ sở hạ tầng bán dân sự là mục tiêu hợp pháp cho một cuộc tấn công trả đũa”, Hãng tin TASS dẫn lời ông Konstantin Vorontsov phát biểu tại Liên Hiệp Quốc. “Chúng tôi đang muốn đề cập đến việc hạ tầng không gian dân sự và thương mại của Mỹ cũng như của các quốc gia đồng minh tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang”.
Ông Vorontsov cũng cáo buộc Mỹ và các nước đồng minh đang cố gắng sử dụng không gian để thực thi sự thống trị của phương Tây.
Quan chức Nga không đề cập đến bất kỳ vệ tinh cụ thể nào, mặc dù hồi đầu tháng 10, tỷ phú Elon Musk cho biết Công ty tên lửa SpaceX của ông sẽ tiếp tục tài trợ cho dịch vụ Internet Starlink ở Ukraine. Lý do mà ông Musk đưa ra là "cần làm việc tốt".
Nga phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên là Sputnik 1 lên quỹ đạo vào năm 1957 và đến năm 1961 đưa phi hành gia đầu tiên lên không gian. Năm 2021, Nga phóng một tên lửa diệt vệ tinh để phá hủy một vệ tinh đã không còn sử dụng của mình.
Vệ tinh thương mại đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Hồi tháng 8, các ảnh vệ tinh của Planet Labs cho thấy chi tiết tổn thất sau khi căn cứ không quân Nga trên bán đảo Crimea nghi bị tập kích. Ảnh vệ tinh cũng là nguồn dữ liệu quan trọng giúp quân đội Ukraine lên kế hoạch tác chiến.
Xung đột Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ 9. Các quốc gia phương Tây tuyên bố tiếp tục hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine chừng nào còn cần thiết.
Mộc Miên (Theo Barrons)