Ngày 8/8 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết dinh thự Mar-a-Lago, nơi ông chuyển đến sinh sống sau khi rời Nhà Trắng, đã bị FBI đột kích và lục soát. Sự việc này diễn ra sau khi Uỷ ban Lưu trữ Quốc gia đề nghị Bộ Tư pháp điều tra cáo buộc cựu Tổng thống Trump phạm luật khi chuyển những tài liệu tuyệt mật của chính phủ tới Mar-a-Lago.
Ngoài ra, ông Trump hiện cũng đang đối mặt với rắc rối pháp lý về nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, trong đó ông đã thất thế trước Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.
Trong tuyên bố sau vụ đột kích, cựu tổng thống Mỹ gay gắt lên án: "Chưa từng có chuyện như vậy xảy ra với một tổng thống Mỹ. Sau khi làm việc và hợp tác với các cơ quan liên quan của Chính phủ, cuộc đột kích không báo trước vào nhà tôi là hành động không cần thiết và không phù hợp".
Nhà Trắng mới đây cũng đã lên tiếng về vụ việc, nói rằng chính quyền Tổng thống Biden không nhận được thông tin về hành động của FBI.
Một số đồng minh của cựu tổng thống Mỹ trong đảng Cộng hoà đã bày tỏ sự giận dữ với vụ đột kích, nói rằng họ sẽ "đáp trả" khi đảng Cộng hoà giành lại quyền kiếm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 và Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2024.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy, người được dự đoán có thể trở thành Chủ tịch Hạ viện khi đảng Cộng hòa giành thế đa số, đã gọi cuộc đột kích là bằng chứng của việc chính trị hóa Bộ Tư pháp.
Trong bài đăng trên trang Twitter cá nhân, ông McCarthy viết: "Bộ Tư pháp đã đạt đến tình trạng không thể chấp nhận được vì vũ khí hoá chính trị. Ngay khi đảng Cộng hoà giành lại thế đa số, chúng tôi sẽ lập tức xem xét lại hoạt động của bộ này, tuân theo thực tế và không bỏ qua các hành động sai phạm. Bộ trưởng Garland, ông nên chuẩn bị sẵn hồ sơ và để trống lịch trình".
Chuyên gia nghiên cứu về các đời tổng thống Mỹ, ông Michael Beschloss, đã gọi sự kiện ngày 8/8 là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ. Trả lời phỏng vấn trên kênh MSNBC, ông Beschloss đã thúc giục khán giả "nhìn vào sự kỳ quặc và xấu xí của sự kiện này".
Ông nói: "Trong lịch sử chúng ta, chưa từng phải đột kích vào nhà một vị cựu tổng thống để tìm những mảnh tài liệu bị xé nhỏ. Luật pháp đã quy định mọi loại giấy tờ của một tổng thống đều phải được bảo quản. Về mặt pháp lý, điều này nghĩa là các loại tài liệu này không được phép huỷ bỏ ngay cả khi một tổng thống muốn làm vậy. Ông ấy cũng không thể đem giấy tờ này đi và bán lấy tiền. Cũng như không thể đưa chúng cho một chính phủ nước ngoài nào đó mà ông ấy thích".
Chuyên gia giải thích thêm: "Đạo luật Hồ sơ Tổng thống năm 1978 đã được thông qua sau khi cựu Tổng thống Nixon có ý định đem tài liệu tổng thống tới California, nơi những tài liệu này suýt bị huỷ bỏ".
Đề cập đến trường hợp của ông Trump, ông Bescholoss nhận xét: "Nếu ông ấy đem những tài liệu tuyệt mật của chính phủ đi và cất giữ trong dinh thự riêng ở Florida (đặc biệt nếu ông ấy muốn chia sẻ tài liệu với người ngoài), ông ấy đang đặt cuộc sống của tất cả chúng ta vào nguy hiểm".
Minh Hạnh (Theo Insider, The Guardian)