+Aa-
    Zalo

    Nhà Trắng chưa có kế hoạch chuyển giao tên lửa đạn đạo tầm xa ATACMS cho Ukraine

    (ĐS&PL) - Theo Axios, kế hoạch viện trợ tên lửa ATACMS từng được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thảo luận với ông Zelensky trong chuyến thăm Kiev vào đầu tháng 9 nhưng chính quyền của ông Biden vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

    Tờ Axios dẫn nguồn tin riêng cho biết, Nhà Trắng không có kế hoạch công bố quyết định chuyển giao tên lửa đạn đạo tầm xa ATACMS cho Ukraine trong chuyến thăm của Tổng thống Volodymyr Zelensky tới Washington vào tuần sau.

    Nguồn tin của Axios nói thêm, Kiev mong muốn Washington bật đèn xanh cho việc chuyển giao ATACMS trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Joe Biden và ông Zelensky sắp tới.

    Tuy nhiên một quan chức Mỹ giấu tên nói với Axios rằng mặc dù kế hoạch viện trợ tên lửa ATACMS từng được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thảo luận với ông Zelensky trong chuyến thăm Kiev vào đầu tháng 9 nhưng chính quyền của ông Biden vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

    Trước đó, một số hãng truyền thông của Mỹ như CNN, Financial Times và ABC News đều đăng tải thông tin Nhà Trắng đang tiến tới gần quyết định chuyển giao ATACMS cho Ukraine. Trong khi đó các quan chức Ukraine mong muốn Mỹ sớm đưa ra quyết định cuối cùng vào cuối tháng 9.

    Ukraine từ lâu đã yêu cầu Mỹ chuyển giao ATACMS - mẫu tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên tới 300 km có thể triển khai trên các hệ thống pháo phản lực cơ động, nhưng Washington cho đến nay vẫn chưa đưa ra cam kết chắc chắn cho Kiev bởi lo ngại vũ khí này có thể được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga.

    nha trang chua co ke hoach chuyen giao ten lua dan dao tam xa atacms cho ukraine
    Tên lửa đạn đạo tầm xa ATACMS. Ảnh:Wikipedia.

    Trước đó, Ukraine đã nhận được tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow và Scalp từ Anh và Pháp, vốn được sử dụng để tấn công các mục tiêu bao gồm cơ sở hạ tầng dân sự ở Donbass và bán đảo Crimea.

    Ngày 15/9, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan xác nhận rằng Washington có thể sẽ phê duyệt gói hỗ trợ quân sự mới cho Kiev “vào một thời điểm nào đó trong tuần tới”. Ông nói rằng ông chắc chắn rằng Quốc hội Mỹ sẽ đồng ý tiếp tục hỗ trợ Ukraine bất chấp sự hoài nghi ngày càng tăng trong các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa.

    Tuy nhiên mới đây Nga tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng ngay lập tức nếu Mỹ cấp hệ thống tên lửa ATACMS tầm xa cho Ukraine.

    "Theo thông tin chúng tôi có được, Washington đang có kế hoạch cung cấp cho "con rối" của họ hệ thống tên lửa ATACMS tầm xa, cũng như các máy bay không người lái đa năng MQ-1C Grey Eagle và MQ-9 Reaper", ông Konstantin Gavrilov, đại diện phái đoàn Nga tại Vienna về kiểm soát vũ khí và an ninh quân sự, tuyên bố tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Hợp tác An ninh OSCE hôm 13/9.

    "Chúng tôi cảnh báo rằng biện pháp trả đũa thích đáng sẽ không còn lâu nữa. Cỗ máy chiến tranh phương Tây đang suy yếu sẽ không thể ngăn cản thành công của quân đội Nga trong khu vực chiến sự đặc biệt", ông Gavrilov cho biết.

    Gavrilov cũng lưu ý, "những nỗ lực điên cuồng" của một số quốc gia thành viên OSCE phương Tây nhằm cô lập Nga "là vô ích và phản tác dụng".

    ATACMS là tên lửa đất đối đất có tầm bắn 300km, gấp 4 lần rocket GMLRS mà Mỹ đang cấp cho Ukraine để sử dụng trên hệ thống HIMARS.

    Với trọng lượng hơn 1,6 tấn, dài 4m và đường kính 610mm, ATACMS có thể bay với tốc độ lên tới 1km/s ở trần bay khoảng 50km. Sử dụng thiết bị dẫn đường, sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GPS, tên lửa này có sai số rất nhỏ dù có thể tấn công mục tiêu ở xa tới 300km.

    Tên lửa ATACMS do tập đoàn công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin phát triển từ năm 1986. Tính đến nay, khoảng 3.700 tên lửa ATACMS đã được sản xuất và đưa vào phục vụ trong biên chế của quân đội Mỹ cùng một số quốc gia đồng minh.

    Mỹ đã và cam kết viện trợ cho Ukraine hàng chục hệ thống HIMARS. Ukraine đã sử dụng tên lửa GMLRS trên HIMARS và gây ra không ít tổn thất cho các mục tiêu quan trọng của Nga như kho vũ khí, kho nhiên liệu, các tuyến tiếp tế hậu cần.

    GMLRS chỉ có tầm tấn công 80km, nhưng giá thành vào khoảng 160.000USD, trong khi mỗi tên lửa ATACMS trị giá 1 triệu USD. Ngoài ra, Mỹ đã dừng dây chuyền sản xuất ATACMS được 10 năm, trong khi GMRLS vẫn đang trong quá trình sản xuất bổ sung. 

    Newsweek cho rằng, đây cũng là một trong những lý do khiến Mỹ chưa muốn gửi ATACMS cho Ukraine trong thời gian qua. 

    Thùy Dung(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-trang-chua-co-ke-hoach-chuyen-giao-ten-lua-dan-dao-tam-xa-atacms-cho-ukraine-a591371.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan