+Aa-
    Zalo

    Nhà tạm giữ thuộc công an huyện khó tránh được những vi phạm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bà Lê Thị Nga cảnh báo, còn để trại tạm giam thuộc công an tỉnh, nhà tạm giữ nằm trong công an huyện thì còn khó tránh được khuất tất.

    (ĐSPL) - Bà Lê Thị Nga cảnh báo, còn để trại tạm giam thuộc công an tỉnh, nhà tạm giữ nằm trong công an huyện thì còn khó tránh được khuất tất.
    Dự thảo luật Tạm giữ, tạm giam được trình trước Ủy ban Tư pháp ngày 2/4. Dự thảo quy định tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn do cơ quan, người tiến hành tố tụng áp dụng đối với người bị bắt quả tang, truy nã, khẩn cấp và đối với bị can, bị cáo nhằm cách ly họ ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định để ngăn chặn họ tiếp tục phạm tội, ngăn chặn hành vi trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử, cản trở việc xác định sự thật của vụ án hoặc để bảo đảm thi hành án.
    Đề nghị tách trại tạm giam khỏi công an tỉnh
    Theo báo Vietnamnet, đây là các biện pháp có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do, dân chủ của cá nhân, nên theo quy định của Hiến pháp, phải được luật hóa. Chính phủ đề nghị lấy tên là luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
    UB Tư pháp đồng tình ban hành luật này để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, nhất là tình trạng chết, bức cung, nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở nhà tạm giữ, trại tạm giam thời gian qua.
    Dự luật quy định cả quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam. Theo đó, họ có quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp, nhưng bị hạn chế đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo, trong trường hợp cần giao dịch dân sự hợp pháp thì phải thông qua luật sư hoặc người đại diện theo pháp luật.
    UB Tư pháp tán thành quy định này, do những người này chưa bị coi là có tội nên ngoài bị hạn chế các quyền tự do, bầu cử, ứng cử... thì các quyền khác của họ vẫn phải được đảm bảo như quyền sống, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, chăm sóc y tế, tiếp cận thông tin, gặp luật sư, người bào chữa, người thân và một số quyền dân sự khác...
    Một điểm còn nhiều ý kiến khác nhau là mô hình hệ thống các cơ quan quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam. UB Tư pháp cho rằng cần có biện pháp để đảm bảo tính minh bạch, khách quan và không bị tác động bởi cơ quan điều tra trong công tác giam giữ, tránh tình trạng điều tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với người bị tạm giữ, tạm giam trong nhà tạm giữ, trại tạm giam và các hình thức khác vi phạm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam xảy ra trong thời gian qua.
    UB đề nghị tổ chức theo hệ thống dọc do Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý.
    Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga phân tích rõ hơn khi “kiên trì đề nghị” tách nhà tạm giữ khỏi công an huyện, trại tạm gia khỏi công an tỉnh.
    “Khi chất vấn trước QH về vấn đề này, Bộ trưởng Công an có nói đã tách rồi, nhưng đó mới là tách về quản lý nhà nước, nhưng quản lý vẫn còn. Phải làm rõ mô hình tổ chức, mối quan hệ ngang dọc, trên dưới của cơ quan giam giữ này. Ví dụ, trại tạm giam công an tỉnh và phòng điều tra đều trong cùng một cơ quan, có mối quan hệ mật thiết, khi có vi phạm thì trong thực tiễn đã xảy ra là dễ bỏ qua cho nhau. Cấp huyện cũng vậy. Như vậy là không độc lập trong thực tiễn”, bà Nga nói.
    Theo bà, tổ chức theo hệ thống dọc không làm tăng biên chế, đều là người của Bộ Công an, nhưng đảm bảo độc lập, minh bạch.
    Ông Phạm Xuân Thường, ủy viên UB Tư pháp thì cho rằng có thể giữ mô hình hiện hành, nhưng luật phải quy định cho những người làm trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam trách nhiệm chống bức cung, nhục hình.

    Cả nước hiện có 400 nhà tạm giữ và hơn 100 trại tạm giam - Ảnh: Báo Dân Trí

    “Những vụ xảy ra gần đây, có những vi phạm rất nghiêm trọng nhưng trách nhiệm của những người này không thấy quy định ở đâu, không có chế tài xử lý. Nếu có quy định về trách nhiệm và chế tài cho những người này, chắc chắn chuyện bức cung, nhục hình trong các cơ sở giam giữ sẽ không xảy ra”, ông Thường nói.
    Các trang thiết bị cụ thể như camera, ghi âm trong các phòng hỏi cung cũng cần được quy định vào luật để có nguồn vốn thực hiện, theo ông Phạm Xuân Thường.
    Đồng tình quy định trong luật về trang thiết bị để thực hiện thuận lợi, nhưng Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an vẫn cho rằng không nên thay đổi mô hình quản lý các cơ sở tạm giữ, tạm giam.
    “Tạm giữ, tạm giam giống như việc quản lý chặt chẽ một tài sản đặc biệt là con người, có nhập vào xuất ra, đảm bảo an toàn, đặt trong lực lượng công an để quản lý như hiện nay là phù hợp”, ông Vương nói.
    Thứ trưởng cho biết Bộ đã thành lập Cục quản lý, hướng dẫn tạm giam, tạm giữ, thuộc Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, trong khi các cơ quan điều tra của Bộ Công an thì thuộc Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát, các thủ trưởng hoàn toàn khác nhau, ở tỉnh, huyện cũng độc lập, hoàn toàn tách bạch và có sự kiểm soát lẫn nhau.
    “Cán bộ, đặc biệt là điều tra viên, muốn vào trại giam để xét hỏi hay gặp gỡ bị can, bị cáo đều phải qua giám thị, phải có giấy, không phải tự ý, không dễ gì vào được”, ông Lê Quý Vương khẳng định.
    Công an xã điều tra dễ dẫn đến oan sai
    Theo báo Tiền Phong, về quy định giao cho Công an xã được thực hiện một số hoạt động điều tra, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tư pháp cho rằng không phù hợp, vì đây là lực lượng bán chuyên trách, nghiệp vụ hạn chế, nếu cho điều tra sẽ không đảm bảo cho việc thu thập chứng cứ ban đầu, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, bảo vệ vật chứng, bảo vệ hiện trường.
    “Qua theo dõi tôi nhận thấy Công an xã khó đáp ứng được yêu cầu điều tra ban đầu. Thực tế chúng ta từng thấy, có những vụ công an xã “dùng dép” mà đánh gãy 4 xương sườn của người bị nghi phạm tội. Sau đó còn “ép” người đó và gia đình phải nhận là tự ngã gãy xương, chứ không phải bị đánh. Do đó, nếu giao cho lực lượng này điều tra thì “đầu vào” của họ phải là lực lượng chuyên trách mới có thể đảm bảo được quyền con người, quyền công dân”, bà Nga nói.
    Ông Nguyễn Tất Viễn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương cũng cho hay, tại cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp nhiều ý kiến cũng đề nghị không nên giao cho lực lượng công an xã điều tra, mà nên để cơ quan điều tra chuyên nghiệp tiến hành. Có như thế mới đảm bảo khách quan, đúng trình tự, thủ tục tố tụng, tránh bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai.
    Trái với các ý kiến trên, ông Phạm Xuân Thường lại cho rằng, nếu không giao cho Công an xã điều tra thì sợ không phù hợp, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, đợi công an huyện đến có khi phải mất cả ngày trời.
    “Tôi thấy công an xã cũng làm rất tốt đấy chứ. Chúng ta đừng vì một số vụ việc không tốt để rồi không giao cho họ làm. Vấn đề chính là giao đến đâu, như thế nào để đảm bảo chứng cứ ban đầu chuẩn xác, khách quan, trung thực”, ông Thường nhấn mạnh.
    Cập nhật vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn: Truy tố kẻ gây bi kịch
    Kim Thành(tổng hợp)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-tam-giu-thuoc-cong-an-huyen-kho-tranh-duoc-nhung-vi-pham-a89656.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan