Công ty Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa có báo cáo giao dịch của người nội bộ. Theo đó, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Đào Thế Vinh đã chuyển nhượng 371.139 cổ phần (tương đương 4,86% vốn điều lệ công ty) theo hình thức thỏa thuận.
Giao dịch được thực hiện nhằm giảm tỷ lệ sở hữu trong khoảng thời gian 22-24/12.
Theo chứng thư thẩm định giá do Công ty CP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế ban hành ngày 30/8, giá trị một cổ phần Golden Gate là 1.953.359 đồng.
Tạm tính theo mức định giá trên, số cổ phần ông Đào Thế Vinh vừa chuyển nhượng vào khoảng 720 tỷ đồng (tương đương hơn 32 triệu USD). Golden Gate có tổng cộng hơn 7,6 triệu cổ phần cũng được định giá ở mức 14.845 tỷ đồng (tương đương hơn 650 triệu USD).
Sau khi hoàn tất thương vụ trên, hiện ông Vinh chỉ còn nắm giữ 390.458 cổ phần, tương ứng 5,115% vốn điều lệ.
Golden Gate là doanh nghiệp được sáng lập vào năm 2005 bởi ba doanh nhân là ông Đào Thế Vinh, Trần Việt Trung và Nguyễn Xuân Trường. Trong đó ông Trung đang là thành viên HĐQT nắm giữ 4,43% vốn và ông Trường đang là Phó Tổng Giám đốc sở hữu riêng 3,98% cổ phần.
Trong khi đó, 82,14% cổ phần còn lại thuộc về sở hữu của các tổ chức. Riêng Golden Gate Partners (công ty chung của 3 nhà sáng lập trên) là cổ đông lớn nhất sở hữu 44,22% và Prosperity Food Concepts Pte Ltd (Singapore) nắm giữ 37,92% cổ phần Golden Gate.
Khởi đầu chỉ với thương hiệu Ashima, đến nay Golden Gate đã trở thành chuỗi nhà hàng ẩm thực lớn nhất nước với hệ thống gồm hàng chục thương hiệu khác nhau như Ashima, Kichi Kichi, Gogi, Sumo BBQ, Hutong hay Vuvuzela…
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong năm 2020, Golden Gate ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.558,7 tỷ đồng, tương đương gần 12,5 tỷ đồng mỗi ngày; lãi sau thuế đạt 64,6 tỷ đồng, giảm tới 80% so với năm 2019 và chỉ hoàn thành 43% kế hoạch năm.
Tính đến ngày 31/12/2020, quy mô tổng tài sản của Golden Gate đạt 2.294,6 tỷ đồng, tăng 5,7% so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả ở mức 1.121,9 tỷ đồng, trong đó, số dư nợ vay ngắn hạn là 451,5 tỷ đồng.
Bạch Hiền (t/h)