Báo VnExpress đưa tin, tính đến 30/11, Công ty TNHH Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) phát sinh dư nợ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) khoảng 1.200 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là 730 tỷ đồng và tiền lãi, lãi quá hạn, chậm nộp 460 tỷ đồng. Doanh nghiệp này còn phí bảo lãnh chưa trả ngân hàng gần 14 tỷ đồng.
Agribank đấu giá khoản nợ với giá khởi điểm 1.205 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là toàn bộ công trình xây dựng tại Nhà máy Phong điện 1 - Bình Thuận đặt tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Theo chuyên trang An ninh Tiền tệ, Nhà máy Phong điện 1 là dự án điện gió đầu tiên tại Việt Nam. Nhà máy này đặt tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và do Công ty TNHH một thành viên Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 của dự án có tổng công suất 30MW với 20 tuabin điện gió đã hoàn thành, mỗi tuabin có công suất 1,5MW do hãng Fuhrlaender AG (Đức) cung cấp. Chiều cao của mỗi trụ điện gió là 85 m, đường kính cánh quạt tuabin là 77 m.
Tháng 8/2019, 5 tuabin điện gió đầu tiên của dự án chính thức phát điện và hòa lưới điện quốc gia. Đến tháng 5/2011 toàn bộ 20 tuabin điện gió thuộc giai đoạn 1 của dự án đã phát điện thương mại. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 hơn 800 tỷ đồng. Mỗi năm, Nhà máy Phong điện 1 - Bình Thuận cung cấp cung cấp sản lượng điện khoảng 85 triệu kWh.
Ngày 5/1/2020, 1 tuabin điện gió của dự án bị cháy và phá hủy hoàn toàn. Tuabin điện gió bị cháy là một trong năm tuabin được lắp đặt và vận hành đầu tiên của dự án.
Ngày 26/7/2023, 1 tuabin điện gió tại Nhà máy Phong Điện 1, thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) cũng bị cháy, gây thiệt hại bước đầu khoảng 70 tỷ đồng.
Về REVN, công ty này được thành lập năm 2006 do ông Phạm Văn Minh làm Chủ tịch HĐTV – kiêm người đại diện theo pháp luật. Trụ sở chính công ty đặt tại quận Ba Đình, Hà Nội.
Ông Phạm Văn Minh, cũng là đại diện tại một số doanh nghiệp khác, gồm Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng - Kinh doanh đô thị.
Giữa tháng 6 năm nay, Agribank cũng đấu giá khoản nợ 1.650 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng - Kinh doanh đô thị, do ông Minh làm tổng giám đốc.
Giá trị ghi sổ đến tháng 4 của khoản nợ khoảng 1.410 tỷ đồng và hơn 10 triệu USD. Trong đó, nợ gốc hơn 500 tỷ đồng và 5,8 triệu USD, còn lại gần 900 tỷ và 4,3 triệu USD tiền lãi.
Toàn bộ tài sản thế chấp của khoản nợ này là toàn bộ tài sản gắn liền với đất đã và đang hình thành trong tương lai gồm công trình nhà máy, các tòa nhà, công trình xây dựng và mọi công trình khác tại 2 thửa đất thuê đến 2058, tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Đây là thửa đất được dùng để xây dựng công trình turbine gió. Ngoài ra, khoản nợ này cũng được đảm bảo bằng toàn bộ dây chuyền máy móc thiết bị và các tài sản bảo đảm Nhà máy sản xuất turbine Việt Nam – Giai đoạn 1...
Điện gió từng là lĩnh vực tiềm năng "hút" vốn, nhưng những thay đổi chính sách với dự án không kịp vận hành thương mại trước ngày 31/12/2020 để hưởng giá ưu đãi trong 20 năm, khiến kết quả kinh doanh nhiều đơn vị đậm màu ảm đạm. Phần lớn dự án báo cáo lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) kinh doanh thua lỗ đều tập trung ở Nam Trung Bộ (gồm Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ) - khu vực từng ghi nhận thực trạng bùng nổ điện gió, công suất vượt quy hoạch vài năm trước. Điểm chung của các doanh nghiệp dự án điện gió thua lỗ là sử dụng đòn bẩy tài chính thông qua huy động lượng lớn vốn vay từ trái phiếu doanh nghiệp. Công thức chung khi huy động trái phiếu của nhóm này là trả lãi suất cao (9-10,75% một năm) trong giai đoạn đầu, sau đó thả nổi theo lãi suất tham chiếu. Báo cáo gửi HNX của các đơn vị này đều ghi nhận hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu từ 4 lần trở lên, có doanh nghiệp nợ cao hơn vốn 5-6 lần. Chi phí tài chính cao bào mòn lợi nhuận từng được giới phân tích cảnh báo. Với các doanh nghiệp điện gió được hưởng chính sách ưu đãi, giá mua điện sẽ cố định trong 20 năm. Trong khi đó, trái phiếu phát hành lại có lãi suất thả nổi. Trường hợp lãi suất tham chiếu tăng mạnh như 2022, khả năng thua lỗ của các dự án sẽ tái diễn, theo Vietnamnet. |
Vân Anh(T/h)