(ĐSPL) - Cơ quan tiến hành tố tụng có thể xác định các nhà mạng di động Vinaphone, MobiFone, Viettel là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, theo đó có thể buộc các nhà mạng trên liên đới bồi thường cho những người bị hại số tiền họ đã bị chiếm đoạt.
Mới đây, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Phòng PC50 và Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã triệt phá được đường dây lừa đảo qua tin nhắn của đối tượng Lê Ngọc Tiến (Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Hình thức lừa đảo được Lê Ngọc Tiến thực hiện đó là tự bỏ tiền thuê người, mua sắm trang thiết bị để thành lập 3 công ty Vvas, Vcontent, Bắc Đại Dương. Các công ty này phát tán tin nhắn lừa đảo trên các đầu số 7x68 và 7x77 của nhà mạng di động Vinaphone, MobiFone, Viettel.
|
Đối tượng Lê Ngọc Tiến tại cơ quan Công an. |
Các đối tượng chia thành nhiều nhóm, trong đó một nhóm soạn thảo nội dung tin nhắn theo các cú pháp khác nhau để lôi cuốn người dùng như: kết quả lô đề, tử vi bói toán, lừa đảo trúng thưởng, ví dụ như: soạn tin để có 2 số cuối giải xổ số đặc biệt, nhận thư và lời giải xổ số miền Bắc... Nhóm khác phát tán tin nhắn và một số người đảm nhận việc thu tiền.
Theo khai báo, hơn 1 năm qua, Lê Ngọc Tiến đã chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng của các thuê bao di động. Trong đó 45-55\% số tiền này có được do hưởng lợi từ các nhà mạng.
Trước vụ việc trên cũng như thực trạng tội phạm công nghệ cao với những thủ đoạn móc nối tinh vi và có hệ thống đang có chiều hướng gia tăng tại Việt Nam, báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Đắc Thực - Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Thư để có góc nhìn pháp lý rõ nét.
- Theo luật sư, trong vụ án này, các nhà mạng di động Vinaphone, Mobiphone, Viettel có được coi là đồng phạm?
|
Luật sư Nguyễn Đắc Thực - Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Thư. |
Theo tôi, trong trường hợp này các nhà mạng di động Vinaphone, MobiFone, Viettel sẽ không bị coi là đồng phạm.
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 - Đồng phạm (Bộ luật Hình sự 1999): “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.
Trong trường hợp này, đối tượng Lê Ngọc Tiến đã tự bỏ tiền túi để thuê người, mua sắm trang thiết bị thành lập 3 công ty Vvas, Vcontent, Bắc Đại Dương. Các công ty này phát tán tin nhắn lừa đảo trên các đầu số 7x68 và 7x77.
Các nhà mạng chỉ “thu cước” của người dùng khi họ thực hiện việc gửi tin nhắn đến các đầu số nói trên.
- Đối tượng Lê Ngọc Tiến cũng những đối tượng có liên quan đến vụ án sẽ bị khởi tố với tội danh nào, thưa Luật sư?
Đối tượng Lê Ngọc Tiến cũng những đối tượng có liên quan đến vụ án có thể bị khởi tố về “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 226b Bộ luật Hình sự 1999 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009.
Theo đó, Điều 226b quy định:
1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
c) Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
d) Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
- Số tiền nhà mạng "hưởng lợi" có bị thu hồi như là một phần "tang vật vụ án" để trả lại cho người bị lừa đảo hay không?
Trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng có thể xác định các nhà mạng di động Vinaphone, MobiFone, Viettel là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, theo đó có thể buộc các nhà mạng trên liên đới bồi thường cho những người bị hại số tiền họ đã bị chiếm đoạt, bao gồm cả số tiền các nhà mạng “hưởng lợi” do hành vi chiếm đoạt của đối tượng Lê Ngọc Tiến.
- Để cảnh giác trước hình thức lừa đảo trên, Luật sư có lời khuyên nào cho những người sử dụng điện thoại di động?
|
Một trong những tin nhắn lừa đảo qua điện thoại di động. |
Thiết nghĩ, những người sử dụng điện thoại, đặt biệt là các loại điện thoại smartphone nên có tinh thần cảnh giác với những trò lừa đảo dạng tin nhắn quảng cáo, tin nhắn khuyến mại… Đây là loại tội phạm công nghệ cao, hiện đang có chiều hướng gia tăng tại Việt Nam.
Vì vậy, chính những người sử dụng điện thoai phải biết đấu tranh phòng chống loại tội phạm này bằng cách không thực hiện theo các tin nhắn quảng cáo, tin nhắn khuyến mại như trên, có như vậy mới góp phần giúp cơ quan chức năng đấu tranh nhằm hạn chế các loại tội phạm công nghê cao.
- Xin chân thành cảm ơn Luật sư!
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-mang-lien-doi-boi-thuong-trong-vu-tin-nhan-lua-dao-20-ty-a42334.html