The Mirror đưa tin, tiến sĩ Joseph Dituri (55 tuổi) của Đại học Nam Florida(Mỹ) đã sống trong một căn phòng đặc biệt rộng 100m2 ở độ sâu 9m so với mặt nước biển tại đầm phá Key Largo thuộc quần đảo Florida Keys (Đại Tây Dương) trong 93 ngày.
Được biết, tiến sĩ Dituri thực hiện điều này nhằm nghiên cứu cách môi trường áp suất tác động đến cơ thể con người. Sau khi ra khỏi căn phòng, ông đã được các bác sĩ tiến hành kiểm tra và đánh giá sức khỏe bao gồm cả xét nghiệm đo Telomere - chuỗi DNA gắn vào phần cuối của nhiễm sắc thể.
Tỷ lệ Telomere thường giảm dần khi con người già đi. Tuy nhiên, ở trường hợp của ông Dituri, chuỗi Telomere hiện dài hơn 20% (gấp 10 lần) so với lần đầu tiên sống dưới nước hồi tháng 3. Bên cạnh đó, số lượng tế bào gốc của ông cũng được xác định là nhiều gấp 10 lần so với lúc bắt đầu nghiên cứu.
Sống dưới nước đồng thời giúp ông Dituri trải qua giấc ngủ REM sâu từ 60 đến 66% mỗi đêm, các dấu hiệu viêm của ông đã giảm đi một nửa và lượng cholesterol cũng giảm 72 điểm.
Những thay đổi lớn về sức khỏe thể chất của ông Dituri được cho là do thay đổi của môi trường áp suất. Trước đó, một hình thức điều trị tương tự như buồng cao áp cũng đã được nhận định là giúp cải thiện sức khỏe não bộ, nâng cao khả năng nhận thức. Tuy nhiên, nghiên cứu của ông Dituri cho phép quan sát cách cơ thể con người phản ứng với môi trường áp suất trong thời gian dài hơn.
Chia sẻ với Daily Mail về căn phòng đặc biệt của mình, ông Dituri mô tả nó tương tự như những gì mà các phi hành gia và phụ nữ sẽ trải qua khi du hành tới sao Hỏa. Tại căn phòng này, ông Dituri vẫn duy trì tập thể dụng bằng dây kháng lực 5 ngày một tuần và ngủ trưa 1 tiếng mỗi ngày. Các bữa ăn của ông thường gồm các thực phẩm giàu protein như trứng và cá hồi được chế biến bằng lò vi sóng.
Phương Uyên (Theo The Mirror)