+Aa-
    Zalo

    Nhà khoa học sáng chế máy thở dạng không xâm lấn dành riêng cho Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nói về mong muốn của mình, nhà phát minh Trần Ngọc Phúc cho biết: "Tôi luôn muốn làm điều gì đó để phụng sự cho ngành y tế của Việt Nam".

    Nói về mong muốn của mình, nhà phát minh Trần Ngọc Phúc cho biết: "Tôi luôn muốn làm điều gì đó để phụng sự cho ngành y tế của Việt Nam".

    Nhà phát minh, doanh nhân Trần Ngọc Phúc. Ảnh: VTV

    Trao đổi với báo Giao thông ngày 31/3, ông Trần Ngọc Phúc - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, Chủ tịch HĐQT Công ty Metran cho biết, ông đang thử nghiệm máy thở JFLO và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong các cơ sở y tế Việt Nam từ mùa thu năm 2020.

    Theo cuộc khảo sát tại 43 quốc gia của ngành y tế thế giới cho thấy, tỷ lệ tử vong do lây nhiễm chéo tại Việt Nam hiện cao gấp 16 lần so với ở Mỹ, Nhật.

    Nguyên nhân phần lớn do các bệnh viện bị quá tải thường xuyên, giường bệnh, trang thiết bị không đủ dẫn đến bị nhiễm trùng bệnh viện. Có bệnh viện tỷ lệ viêm phổi liên quan đến thở máy là 30-40%. Do vậy, phương pháp “thở không xâm lấn, không nội khí quản của JFLO” kỳ vọng sẽ làm giảm tỷ lệ lây nhiễm chéo (nhiễm trùng bệnh viện), giảm nguy cơ và kết cục cho bệnh nhân.

    “Ba năm qua tôi đã nỗ lực nghiên cứu để có thể sáng chế loại máy trợ thở dễ sử dụng, phù hợp với môi trường Việt Nam. Đây là một trong những tâm nguyện từ lâu tôi muốn thực hiện cho quê hương Việt Nam của người con xa xứ. Cái gì tốt nhất tôi đều muốn cống hiến cho quê hương Việt Nam”, ông Phúc tâm sự.

    Nhà phát minh Trần Ngọc Phúc cho biết chiếc máy thở ông tạo ra rất dễ sử dụng: "Đây là máy thở dạng không xâm lấn, nghĩa là không cần cho ống nội khí quản vào mà chỉ đưa ống này lên mũi cũng có thể có đủ oxy để thở. Bình thường, nếu dùng ống nội khí quản thì bệnh nhân bị chặn ngay ở trong họng, không thể nói được. Với máy này, bệnh nhân hoàn toàn có thể ăn uống, nói chuyện được một cách vô cùng thoải mái".

    "Chiếc máy này dùng rất dễ" - nhà phát minh Trần Ngọc Phúc nói tiếp - "Vì chỉ có một nút để điều khiển thôi. Không cần những bác sĩ thật giỏi cũng có thể xử lý được. Dù không thể thay thế 100% các máy thở xâm lấn nhưng máy có thể được dùng ở các bệnh viện tuyến dưới khi những bệnh nhân hô hấp vẫn đang ở thể nhẹ, hạn chế được việc đưa lên tuyến trên gây quá tải, giúp giảm tỷ lệ tử vong do lây nhiễm chéo - vấn đề mà các bác sĩ vẫn coi là ác mộng trong các bệnh viện hiện nay".

    Nhà khoa học Trần Ngọc Phúc giới thiệu với Nhật hoàng Akihito những thiết bị y tế do công ty của ông sản xuất. Ảnh: NLĐ

    Cuối năm 2018, ông Trần Ngọc Phúc đã được chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương Mặt trời mọc Tia bạc, như một sự ghi nhận những đóng góp của ông trong nhiều lĩnh vực, nhất là y tế, cho đất nước mặt trời mọc.

    Nhà khoa học Trần Ngọc Phúc từng sáng chế chiếc máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số HFO đầu tiên dành cho trẻ sinh thiếu tháng. Máy HFO được xác nhận đã cứu sống hàng ngàn trẻ sinh non tại Nhật Bản.

    Trước khi có chiếc máy này, tỉ lệ trẻ sinh non ở Nhật tử vong là 90%. Nhờ chiếc máy HFO của ông Phúc, số trẻ sinh non được cứu sống lên tới 97%.

    "Tôi luôn nghĩ nếu đã dấn thân cho khoa học thì phải nghiên cứu những thứ mà người ta chưa làm" - ông Phúc bày tỏ. Con đường mà ông chọn là nghiên cứu máy hỗ trợ hô hấp, máy van tim… - những thiết bị y tế liên quan trực tiếp tới sinh mệnh con người mà Nhật Bản chưa làm.

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-khoa-hoc-sang-che-may-tho-dang-khong-xam-lan-danh-rieng-cho-viet-nam-a317556.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan