(ĐSPL) - Để tìm hiểu về hiện tượng bỗng nhiên khỏi bệnh câm, mù, điếc, liệt sau hàng chục năm mắc bệnh mà không cần phải sử dụng thuốc thang, hay một quá trình điều trị nào, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với bác sỹ Đặng Văn Quế - Phó Giám đốc bệnh viện Mắt Quốc Tế DND về vấn đề này. Theo bác sỹ Quế, đây là những bệnh hoàn toàn có khả năng chữa trị được, vấn đề quan trọng nhất vẫn là thời gian...
Bác sỹ Đặng Văn Quế, Phó Giám đốc bệnh viện Mắt quốc tế DND. |
Ẩn số về cơ chế “hồi sinh”
Thưa ông, đứng dưới góc độ y học, ông có thể lý giải hiện tượng tự khỏi câm, mù, điếc, liệt mà không cần dùng thuốc như thế nào?
Những trường hợp như bạn nói không hiếm, trong y học thường gọi là chấn thương tâm lý hoặc stress. Có nhiều tình huống dẫn đến loại "bệnh" này.
Thứ nhất, trong thời kỳ còn chiến tranh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 1965 đến 1975, ở nước ta có rất nhiều phụ nữ mắc phải các chứng bệnh tương tự thế này. Những người phụ nữ này có chồng hoặc người yêu đi bộ đội, đột nhiên nhận được giấy báo tử, đau khổ quá mà có khi chỉ sau một đêm tóc đã bạc trắng, già đi trông thấy hoặc có những biểu hiện như không đi được, không giơ tay lên nổi,... Dân gian thường hay gọi là những người có thần kinh yếu.
Thứ hai là với những trường hợp sau khi có những chấn động tâm lý lớn, thì mắt không nhìn thấy gì nhưng khi đi khám các phòng chuyên khoa mắt thì không phát hiện tổn thương cụ thể. Trường hợp thứ ba, bị điếc sau một vụ nổ lớn, có những người chỉ vài tiếng sau hoặc vài ngày sau là khôi phục được thính giác nhưng có những người thì nhiều năm sau vẫn chỉ nghe thấy những tiếng ong ong trong đầu. Có những người khác thì bị mất đi khứu giác, dù có đứng cạnh mùi xác chết cũng không thấy gì,... Nhiều trường hợp, sau một thời gian bị một tác động nào đó kích thích thì tự bình phục lại như phép màu. Ví dụ như ngã, bị sock tâm lý, chết lâm sàng...
Nếu giải thích dưới góc độ y học thì não bộ con người có những giai đoạn gọi là ức chế và hưng phấn. Hết giai đoạn hưng phấn thì sẽ đến giai đoạn ức chế. Khi người ta bị stress hoặc bị chấn thương tinh thần thì khiến cho tế bào não lúc ấy gần như bị tê liệt. Nhưng đáng lẽ chỉ tê liệt một thời gian ngắn, thoáng qua thôi thì trạng thái này lại kéo dài, gây nên sự hưng phấn cao độ.
Khi tình trạng hưng phấn này không dừng lại được thì thần kinh bị hụt hẫng dẫn đến tình trạng ức chế quá mức mới sinh ra hiện tượng không nghe thấy hoặc không thấy gì, hoặc tê liệt từng bộ phận cơ thể. Có thể bị mất cảm giác ở tay chân hoặc không nói được, không nghe được,... Khi thăm khám thì không phát hiện ra những tổn thương thực thể. Nếu đúng là những trường hợp này thì hoàn toàn có thể chữa trị được. Vấn đề nằm ở thời gian và điều kiện chữa trị mà thôi.
Nếu vậy, cơ chế nào sẽ là chìa khoá chữa khỏi bệnh?
Về cơ bản, những bệnh nhân này không bị những thương tổn thực thể mà chỉ là bị ức chế thần kinh cao độ ở từng phần trung khu của não, tác động lên tế bào khiến cho các bộ phận này "ngủ quên". Vì vậy, việc cần thiết là phải đánh thức sự hoạt động của các vùng này trở lại. Nhiều trường hợp, sau khi gặp tổn thương, sang chấn mạnh lần thứ hai thì tự khỏi. Tuy nhiên nhiều trường hợp phải đợi rất lâu. Hiện nay, có thể có rất nhiều cách để rút ngắn thời gian như tác động tâm lý, vật lý trị liệu,... để người bệnh vượt qua được tình trạng ức chế này. Quan trọng nhất là người bệnh phải có niềm tin và ý chí vượt lên.
Nhiều người cho rằng việc đột nhiên bị bệnh như vậy và đột nhiên khỏi là do "trời", do "nhân quả", ông nghĩ sao về điều này?
Bản thân tôi đã từng gặp một trường hợp một người lái tàu viễn dương ở Quảng Bình từng điều trị u não tại bệnh viện về. Anh này sau khi mổ thì bị liệt, không làm việc được khiến kinh tế gia đình ngày một khánh kiệt. Người vợ dù đã có với nhau 3 mặt con nhưng không chịu được cảnh nghèo khổ quá đã bỏ đi, để lại chồng con cho bố mẹ chồng chăm sóc.
Quá tuyệt vọng nhưng nghĩ thương các con, anh vẫn gắng sống và kiên trì cầu nguyện hàng ngày theo lời khuyên của cha mình. Được 3-4 năm như vậy, có một hôm anh ta cảm thấy như có ánh sáng từ trên cao mách bảo phải cố gắng lên thì sẽ đi được. Ngay ngày hôm sau người cha ra vườn làm cho anh một cây gậy để tập luyện.
Ròng rã trong một thời gian dài, người đàn ông này đã lập nên một kỳ tích, đứng dậy và đi lại được trên chính đôi chân của mình mà không cần dùng thuốc thang gì. Đây cũng là một trường hợp chữa bệnh không cần thuốc nhưng khiến người ta phải suy nghĩ. Vậy, điều gì đã khiến anh ta khỏi bệnh, là niềm tin vào việc mình sẽ khỏi bệnh hay quá trình anh ta luyện tập vất vả?
Ranh giới giữa tâm linh và khoa học nhiều khi người bình thường khó lý giải được. Vì không hiểu được nên họ tin nhiều vào tâm linh hơn. Cũng vì thế mà vô tình tạo điều kiện cho sự mê tín quá đà xen vào.
“Bản thân tôi cũng từng dùng giả dược”
Ông có thể cụ thể hơn về cái gọi là niềm tin ở đây?
Trong y học có những cái người ta gọi là giả dược. Ví dụ có hai nhóm bệnh nhân cùng mắc bệnh như nhau. Một nhóm được đưa cho uống thuốc thật, một nhóm chỉ được uống thuốc giả được làm từ đường và bột mì. Sau một thời gian điều trị, nhóm được uống thuốc thật khỏi bệnh, nhóm uống thuốc giả thì cũng có đến 30-40\% là khỏi bệnh. Việc đưa cho người bệnh một thứ gọi chung là thuốc, hay đúng hơn là cho họ niềm tin vào việc chữa trị cũng là một cách điều trị không còn xa lạ với một số bệnh trên thế giới. Niềm tin ấy xuất phát từ trong não bộ và kích thích trở lại, tiết ra một số kháng thể có lợi cho cơ thể để chữa bệnh, có tác dụng thậm chí còn hơn thuốc nữa. Đây là một câu chuyện khoa học nghiêm túc chứ không phải tâm linh không.
Theo như ông cho biết, việc dùng giả dược để chữa bệnh không hiếm trên thế giới, ở Việt Nam thì sao?
Bản thân tôi cũng đã nhiều lần phải dùng đến giả dược để chữa cho bệnh nhân. Trước kia, một số phụ nữ bị sang chấn tâm lý mạnh, mất mát người thân, người yêu thì có biểu hiện không được bình thường, thậm chí không biết xấu hổ, cởi truồng lang thang, nói năng lộn xộn. Người đời thường gọi là điên tình. Đến gặp tôi, tôi mới bảo có một loại thuốc đặc biệt của Liên Xô, tiêm vào đến đâu thì cảm thấy nóng đến đấy, đến tai, đến lưỡi, đến tay chân,... khi nào nóng hết thì khỏi.
Thời ấy, cái gì xịn cũng được gán cho của Liên Xô chứ không phải của Anh, Mỹ, Nhật như bây giờ. Tôi mới lấy một lọ Canxi clorua để tiêm cho bệnh nhân. Quả nhiên người ấy cảm thấy khỏi dần và cho rằng mình được dùng "thần dược" chứ không phải chỉ là một loại thuốc thông thường. Đó chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện đặc biệt của nghề y.
Xin cảm ơn ông!