Trong chuyến thám hiểm ở vùng nước lạnh của biển Bering, nằm giữa Nga và Alaska, vào mùa hè năm 2022, một nhóm các nhà khoa học phát hiện nhiều hố ở đáy biển nhưng không rõ nguồn gốc của chúng.
Các nhà khoa học trên tàu nghiên cứu Sonne của Đức bắt đầu tìm kiếm manh mối về những hố bí ẩn này. Qua sàng lọc hàng trăm hình ảnh được camera dưới đáy biển chụp lại, họ nhận thấy các hố hình bầu dục xếp theo hàng đặc biệt, kích thước khoảng 2-3cm.
Nguồn gốc của những hố này vẫn còn là một ẩn số, mãi đến tận đây mới được khám phá một cách tình cờ. Cụ thể, có nhiều động vật sống quanh khu vực các nhà khoa học phát hiện các hố bí ẩn và chúng đã trở thành “nghi phạm chính”.
Bà Julia Sigwart ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên và Viện nghiên cứu Senckenberg ở Frankfurt (Đức) chia sẻ: “Khá dễ để loại trừ hầu hết các con vật. Các hố quá nhỏ để nhím biển chui vào, trong khi hình dạng của chúng không phù hợp để trở thành hang của giun”.
Một thành trong nhóm tên Angelika Brandt, cũng ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên và Viện nghiên cứu Senckenberg, phát hiện một loài giáp xác nhỏ. “Angelika nhảy dụng lên, chỉ vào màn hình và nói: ‘Chính là nó. Đó chính là thứ tạo ra những hố bí ẩn’. Sau đó, cô ấy chạy ra khỏi phòng”, bà Sigwart kể.
Angelika đã lấy một video được một đồng nghiệp quay từ 40 năm trước để làm minh chứng. Đó là bộ giáp xác chân hai loại (amphipod, thường gọi là bộ giáp mềm) ở Nam Cực. Bộ này gồm các loại động vật giáp xác có giáp mềm, không có mai và các cơ quan bị nén lại, kích thước từ 1-340mm, chủ yếu là các loài ăn tạp hoặc loài ăn xác thối.
Đoạn video cho thấy cảnh chúng đang đào hang trên cát trong bể cá của mình. Sử dụng các phần phụ lớn phía trước, con vật cẩn thận xúc cát khỏi hố và chất thành một đống gọn gàng mà không để cát rơi lại vào trong. Loài vật này trông rất giống con vật mà Angelika phát hiện tại biển Bering.
Mặc dù chưa bắt gặp trực tiếp cảnh amphipod biển Bering đào hố nhưng Angelika và các đồng nghiệp cho rằng chúng có thể đang ăn trầm tích tại các lớp giàu chất dinh dưỡng dưới đáy biển, đồng thời đào các đường hầm khi di chuyển.
Nếu giống như “họ hàng” ở Nam Cực, loài giáp xác dài 2cm này có thể sử dụng hố để sinh sản. Amphipod có phần túi để nuôi con non. Sau khi được sinh ra, ấu trùng không trôi đi mà có thể ở trong hố do bố mẹ đào hàng tuần, thậm chí hàng tháng.
“Việc có hố là một cách để tiếp cận nguồn thức ăn, được bảo vệ khỏi những kẻ săn mồi, cũng là nơi an toàn để chúng nuôi dưỡng con non”, bà Julia Sigwart nói.
Các hố không chỉ quan trọng đối với riêng Amphipod mà còn tạo ra nơi trú ngụ thích hợp cho những loài khác và có lẽ rất có ý nghĩa đối với đa dạng sinh học tại các đồng bằng biển thẳm.
Bà Julia Sigwart cho hay: “Hầu hết động vật dưới biển sâu rất nhỏ, kích thước có thể chỉ 1mm. Với kích thước như vật, một hố dài 30cm đã trở thành cả ngọn núi. Đối với những loài nhỏ bé, ngay cả những thay đổi nhỏ về địa hình cũng sẽ tác động lớn đến môi trường sống, cũng như cách chúng tương tác với môi trường xung quanh”.
Phát hiện nói trên đã mang đến cho các nhà khoa học hy vọng về việc có thể tiến xa hơn trong quá trình giải mã nhiều dấu vết bí ẩn khác trong lớp bùn dưới đáy đại dương.
Đinh Kim (Theo The Guardian)