(ĐSPL) - Sau một thời gian dài chờ đợi, dường như nay người Trung Quốc, ít nhất là giới lắm tiền nhiều của, đã có thể mua về sự ứng xử văn minh.
Chi hàng ngàn USD để học ứng xử
Với khoảng 200 tỷ phú và hơn hai triệu triệu phú thì Trung Quốc chỉ thua Mỹ về số lượng cá nhân có giá trị tài sản lớn, theo nghiên cứu của tạp chí Forbes và Boston Consulting Group.
Trong số này, nhiều khối tài sản đã phát triển nhanh song song với nền kinh tế mới mở rộng của Trung Quốc và với các cơ hội kinh doanh cấp số nhân. Một số nhà giàu mới nổi thì không có mấy kiến thức, ít được đào tạo về cách cư xử trong trong các hội nghị kinh doanh quốc tế và những lúc giao tế.
Giới chức Trung Quốc đã không ít lần kinh ngạc trước việc người dân nước này thể hiện quá nhiều thói hành xử xấu khi đi ra nước ngoài như khạc nhổ, nói to, húp nước thành tiếng lớn khi ăn và chen lấn xô đẩy khi xếp hàng. Chính quyền kêu gọi khản cổ, đề nghị người dân hành xử văn minh hơn, nhưng không có hiệu quả.
Sau một thời gian dài chờ đợi, dường như nay người Trung Quốc, ít nhất là giới lắm tiền nhiều của, đã có thể mua về sự ứng xử văn minh. Một trường dạy nghi thức giao tiếp đã được mở ở Bắc Kinh, với các lớp học dựa trên nhiều khóa huấn luyện ứng xử của các trường Thụy Sĩ.
Được thành lập bởi một nữ doanh nhân Hong Kong từng theo học tại trường nghi thức Thụy Sĩ Institut Villa Pierrefeu danh tiếng, Viện Sarita mang tới cho khách hàng các bài học về văn hóa ứng xử, giúp biến họ trở thành người lịch lãm, đẳng cấp.
Tuy nhiên hành trình "lột xác" này không hề rẻ. Chi phí từ 20.000 NDT (3.100 USD) tới 100.000 NDT và ngôi trường, nằm trong khách sạn 5 sao Park Hyatt ở Bắc Kinh, hiển nhiên không dành cho dân nghèo.
Một buổi chiều, khi phóng viên tờ China Daily tìm tới Viện Sarita, các học viên đang được dạy kỹ năng dùng dao và dĩa cắt một quả cam thật đẹp. Sara Jane Ho, người sáng lập của ngôi trường và cũng là một trong những giáo viên chủ chốt, đứng đầy tự tin trước các học viên. Cô cắt bỏ một đầu của quả cam, giúp nó đứng thẳng trên đĩa. Rồi cô dùng dĩa cắt quả cam ra từng múi, một cách từ tốn và đẹp mắt, cho đến khi quả cam biến thành một bông hoa đang nở bung.
Sau một thời gian dài chờ đợi, dường như nay người Trung Quốc, ít nhất là giới lắm tiền nhiều của, đã có thể mua về sự ứng xử văn minh. |
Sau màn cắt cam, Ho biểu diễn kỹ năng ăn cam và lấy hạt ra khỏi miệng một cách lịch sự. Ho nói với học viên rằng các "quý cô" thường sẽ dùng một tay che miệng, dùng ngón trỏ và cái của tay còn lại để lấy hạt cam từ miệng. Các hạt cam sẽ được đặt về một bên trên chiếc đĩa ăn của họ.
"Những người phụ nữ duyên dáng không ăn uống nhồm nhoàm. Thể hiện cách cư xử đúng mực cho người khác thấy rằng bạn tôn trọng họ, rằng bạn có thể dẹp các nhu cầu và sự tiện nghi của bản thân sang bên vì họ", Ho nói.
Cô gái 29 tuổi này hiện đã mở 4 khóa dạy văn hóa ứng xử, gồm một khóa ngắn ngày về kỹ năng ăn bữa tối có giá 20.000 NDT, một khóa dạy ăn tối và phục trang phù hợp kéo dài 1 tháng có giá 38.000 NDT và khóa dạy kỹ năng ứng xử lịch thiệp cho các cô gái chưa có chồng, kéo dài 3 tháng.
Ngoài ra Ho còn có khóa dạy những người phụ nữ đã có chồng cách trở thành một chủ nhà lịch sự và hiếu khách, cách hành xử đúng mực trong các buổi gặp mặt xã giao hay làm ăn...
“Đất nước này đã quá cô lập trong 30 năm qua,” Ho nói. “Nhiều người đã trở nên giàu có trong một thời gian quá ngắn. Sự thay đổi đã tạo rất nhiều sức ép đối với cá nhân.”
Kết quả là các doanh nhân nhận thức được rằng họ quá vụng về, thô lậu trước các đối tác Tây Âu hoặc Châu Á.
Sự khéo léo tế nhị có thể làm các giao dịch kinh doanh được dễ dàng hơn. “Chỉ đơn giản như biết cách sử dụng thành thạo dao, dĩa trong bữa ăn cũng có thể giúp tăng lợi thế để giành hợp đồng rồi,” James Hebbert nói. Ông là đại diện của Seatton, một trường chuyên đào tạo về nghi thức xã giao ở Trung Quốc.
Bỏ núi tiền mua quốc tịch ngoại
Thông tin trên báo Người Đưa Tin, số liệu chính thức do chính phủ Mỹ công bố cho thấy, năm 2013 có 6.895 người Trung Quốc được cấp thẻ định cư, bỏ xa số lượng người Hàn Quốc đứng thứ hai (364 người). Số người Trung Quốc xin định cư Mỹ năm 2013 tăng 5\% so với năm 2012, là năm có mức tăng thấp nhất trong vài năm qua. Năm 2012 mức tăng là 58\%, còn năm 2011 chiếm kỷ lục với mức tăng 94\% so với năm 2010.
Tại Canada, mặc dù chính phủ nước này đã chấm dứt chính sách cho người nước ngoài được định cư thông qua đầu tư, nhưng xứ Quebec vẫn cho phép, khiến hàng vạn triệu phú người Trung Quốc xếp hàng dài để được trở thành công dân Quebec thông qua việc bỏ tiền đầu tư vào xứ này.
Số liệu do chính quyền Quebec công bố cho thấy, năm 2012 có 2.123 người Hồng Kông được phê chuẩn nhập cư Quebec, phần lớn số này là công dân Trung Quốc Đại lục, số công dân Hồng Kông thực sự chỉ chiếm 1\%. Con số này cao hơn tổng số công dân các nước khác được nhập cư trong năm.
Đối với các nước châu Âu, những nước đang nỗ lực vùng vẫy thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế, việc cho phép người nước ngoài đầu tư để đổi lấy quyền định cư được coi là biện pháp thu hút vốn nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Năm 2013, Hungary cho phép những người mua trái phiếu chính phủ 5 năm mức 250 ngàn euro được định cư lâu dài. Sau đó đến lượt Hy Lạp và đảo Sip cũng cấp quyền định cư cho những người nước ngoài có mức đầu tư tương tự.
Hà Lan cũng đã khởi động kế hoạch tương tự để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài , tạo công ăn việc làm cho người Hà Lan. Theo đó, ai đầu tư 1,25 triệu euro mở xí nghiệp ở đây sẽ được hưởng quyền công dân xứ sở hoa tuylip.
Mục tiêu mà các quốc gia này nhắm tới trước tiên là người Trung Quốc, sau đó mới đến các nhà giàu Nga và một số nước Đông Nam Á. Tuy điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia có khác nhau về khả năng ngôn ngữ, thời gian tạm cư, quyền lợi công tác...nhưng tựu trung lại tấm hộ chiếu vẫn được coi là món hàng đem ra giao dịch. Biện pháp lôi kéo đầu tư này đã bị một số người phê phán và phản đối, họ cho rằng tấm hộ chiếu thiêng liêng đã bị đem ra bán rẻ.
Quan hệ Trung Quốc – Bồ Đào Nha trong lịch sử vốn đã gắn bó bởi xứ Ma Cao, nhưng quan hệ Trung – Bồ chưa khi nào mật thiết như hiện nay bởi từ tháng 10/2012, chính phủ Bồ Đào Nha đã ban hành quy định “nhập cư Vàng”. Theo đó, bất cứ công dân nước ngoài nào chỉ cần đầu tư 1 triệu euro hoặc tạo việc làm cho 10 người Bồ, hoặc mua khoản bất động sản trị giá 500 ngàn euro trở lên là được cấp quyền định cư lâu dài.
Ông Martin Anves, Tổng Thư ký Hiệp hội thương gia Bồ - Trung cho biết: quy định này là thời cơ vàng để các đại gia tầm trung của Trung Quốc trở thành người châu Âu. Năm ngoái chính phủ Bồ đã cấp thị thực cho 470 người theo diện này, trong đó ¾ là người Trung Quốc Đại lục.
Đại sứ Trung Quốc tại Bồ Đào Nha Hoàng Tùng Phố thừa nhận: người Trung Quốc rất hào hứng với quy định này, sứ quán Trung Quốc tại Bồ đang tạo điều kiện cho việc thành lập Hội doanh nhân Trung Quốc tại Bồ để bảo vệ lợi ích cho các nhà đầu tư Trung Quốc.
Australia đang là điểm nhắm tới của các nhà giàu Trung Quốc bởi một điều kiện chính phủ Australia cho phép người nước ngoài nhanh chóng định cư là đem tới đây ít nhất 2,75 triệu Bảng (khoảng 28 triệu Nhân dân tệ).
Những ai bỏ ra khoản tiền trên để mua trái phiếu chính phủ 4 năm hoặc mở công ty sẽ được cấp quyền định cư lâu dài. Món mồi câu này đã lập tức có tác dụng.
Số liệu do chính phủ Australia công bố cho thấy, sau khi chủ trương này được công bố năm 2012 đã thu hút số lượng rất lớn nhà giàu ngoại quốc tìm đến Australia, trong đó hơn 90\% là người Trung Quốc. Bằng số tiền lớn, họ đã vượt qua được các trở ngại rất khó khăn là trình độ Anh ngữ và giới hạn về độ tuổi. Cho đến nay, sau hơn 1 năm đã có 65 người Trung Quốc đầu tư 2,75 triệu Bảng Anh để được trở thành công dân Australia.
Ngọc Anh (Tổng hợp)