Ông Omar Abdulaziz đã đệ đơn khởi kiện công ty phần mềm NSO Group của Israel với cáo buộc hỗ trợ đặc vụ Arab trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi.
Nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: AP. |
Hãng tin CNN cho hay, từ tháng 10/2017 tới 8/2018, có hơn 400 tin nhắn giữa ông Khashoggi và nhà hoạt động đang lưu trú tại Montreal, Canada - ông Omar Abdulaziz, nhằm thảo luận về kế hoạch tạo ra một phong trào thanh thiếu niên trực tuyến để tuyên truyền chống Riyad trên mạng xã hội.
Các tin nhắn do ông Omar Abdulaziz chia sẻ gồm các đoạn tin nhắn thoại, hình ảnh và video. Về nội dung các tin nhắn, ông Khashoggi đã cực lực chỉ trích và dùng nhiều lời lẽ nặng nề khi nói về Thái tử Saudi Mohammed bin Salman al Saud.
Kế hoạch của hai người bao gồm hai yếu tố chính: đầu tiên gửi các thẻ SIM nước ngoài cho những người phản đối ở Arab Saudi để họ có thể đăng bài trên Twitter mà không bị theo dõi; thứ hai là tiền bạc. Theo Abdulaziz, Khashoggi cam kết đóng góp 30.000 USD và hứa sẽ kêu gọi thêm hỗ trợ tài chính từ những nhà tài trợ giàu có giấu tên.
Tuy nhiên, tới đầu tháng 8, ông Abdulaziz cho biết, chính quyền Saudi đã thông báo rằng họ biết về dự định trên.
"Làm sao họ biết được", Khashoggi nhắn tin hỏi.
"Chắc là phải có một khoảng trống nào đó", Abdulaziz trả lời.
Ba phút trôi qua, Khashoggi nhắn lại: "Xin Đấng tối cao giúp chúng con".
Nhà báo Jamal Khashoggi và bạn gái Hatice Cengiz bước vào căn hộ của hai người vào sáng 2/10 sau khi ông Khashoggi đáp chuyến bay từ London và hạ cánh tại Istanbul vào lúc 4h sáng. Ảnh: A News/ Reuters |
Theo đó, Omar Abdulaziz, hôm 2/12, đã đệ đơn khởi kiện công ty phần mềm NSO Group của Israel với cáo buộc hỗ trợ đặc vụ Arab trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, theo Reuters.
Theo đơn kiện, nhiều tháng trước, khi ông Khashoggi bị sát hại trong lãnh sự quán ở Istanbul, chính phủ Arab Saudi đã sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus mua từ NSO để truy cập điện thoại của Abdulaziz, theo dõi các liên lạc về những dự án đối lập của ông và Khashoggi.
Pegasus là phần mềm giúp người dùng nghe lén các cuộc gọi, ghi lại tổ hợp bàn phím được sử dụng, đọc trộm tin nhắn cũng như lịch sử truy cập internet trên điện thoại. Phần mềm này cũng cho phép khách hàng sử dụng micrô và máy ảnh của điện thoại bị do thám như một thiết bị giám sát.
Vì những khả năng này, Israel phân loại phần mềm Pegasus là vũ khí và công ty phải được Bộ Quốc phòng chấp thuận nếu muốn bán cho chính phủ nước ngoài. Năm ngoái, Arab Saudi đã chi 55 triệu USD để sở hữu phần mềm này.
Trong một thông báo ngày 2/12, NSO cho biết các sản phẩm của họ đã "được cấp phép để hỗ trợ các chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật chống khủng bố và tội phạm một cách hợp pháp". "Các hợp đồng sử dụng phần mềm phải được chính phủ Israel cấp phép. Chúng tôi không dung thứ sự lạm dụng các sản phẩm của chúng tôi. Nếu có sự lạm dụng đáng ngờ nào, chúng tôi sẽ điều tra và hành động phù hợp, bao gồm dừng hoặc chấm dứt hợp đồng", thông báo cho hay.
NSO cũng đang bị nhiều nhà báo, nhà hoạt động khởi kiện với cáo buộc hỗ trợ Mexico và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) do thám điện thoại của họ. Vụ kiện của Abdulaziz cũng cho thấy quan hệ ngày càng được tăng cường giữa Israel với Arab Saudi và các quốc gia khác vùng Vịnh. Arab Saudi và UAE chưa bao giờ công nhận nhà nước Do Thái nhưng đã dần tìm ra những điểm chung giữa họ trong cuộc đối đầu với Iran.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)