Theo cách gọi của các nước phương Tây, trăng tròn tháng 11 còn được gọi là "trăng hải ly", nguyệt thực toàn phần còn được gọi là trăng máu.
Theo Space.com, nguyệt thực toàn phần lần này có thể quan sát được ở Châu Đại Dương, Châu Mỹ, Châu Á và Bắc Âu.
Nguyệt thực sẽ bắt đầu lúc 8h10 GMT và sẽ kết thúc vào khoảng 11h49 GMT khi Mặt trăng một lần nữa xuất hiện. Tuy nhiên, thời gian nguyệt thực toàn phần xuất hiện ngắn hơn, sẽ kéo dài từ 9h17 GMT đến 10h42 GMT.
Tại Việt Nam, người dân có thể quan sát hiện tượng thú vị này bằng mắt thường. Điều kiện thời tiết các tỉnh phía Bắc cũng như Trung và Nam Bộ trong những ngày tới trên cả nước được dự báo khá thuận lợi để người dân có thể quan sát.
Theo đó, người dân có thể quan sát hiện tượng này từ 17h12 ngày 8/11, đạt cực đại vào lúc 17h59, kết thúc lúc 20h56.
Cụ thể, theo định vị của Time and Date tại Hà Nội, người dân sẽ quan sát được nguyệt thực toàn phần từ 17h16 và đạt cực vào lúc 17h59. Sau đó, sẽ chuyển qua giai đoạn nguyệt thực một phần; nguyệt thực nửa tối và kết thúc lúc 20h56'.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, người dân có thể bắt đầu quan sát cực đại của giai đoạn toàn phần vào lúc 17h59, sau đó Mặt Trăng sẽ chuyển qua giai đoạn nguyệt thực một phần từ 18h41 đến 19h49 và giai đoạn nguyệt thực nửa tối (mặt trăng hơi đen lại vì bóng của Trái Đất) từ 19h49 và kết thúc vào 20h56.
Để theo dõi hiện tượng nguyệt thực toàn phần trọn vẹn nhất, cần lựa chọn khu vực rộng rãi, nơi quan sát cần thoáng đãng, bầu trời trong, không mây, không mưa, không bị nhà cao tầng cản trở và tránh ánh sáng đèn.
Đây là kỳ nguyệt thực thứ hai nhưng cũng là lần cuối cùng trong năm 2022. Năm 2023 cũng sẽ có 2 nguyệt thực vào tháng 5 và tháng 10. Tuy nhiên, để chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần, người yêu thiên văn sẽ phải đợi đến năm 2025.
Việt Hương(T/h)