Vào ngày 19/11 tới đây, người dân trên khắp thế giới sẽ được chứng kiến nguyệt thực một phần.
NASA dự báo nguyệt thực lần này sẽ kéo dài trong khoảng 3 giờ 28 phút 23 giây - bắt đầu từ lúc 14h19 ngày 19/11; đạt cực đại vào khoảng 16h00 và kết thúc lúc 17h47 cùng ngày (theo giờ Việt Nam).
Đây sẽ là nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ. Và cũng là lần nguyệt thực dài nhất trong vòng 580 năm trở lại đây.
Dù là nguyệt thực dài nhất thế kỷ, người dân Việt Nam chỉ có thể quan sát một phần hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.
Tại Hà Nội, kể từ khi Mặt Trăng xuất hiện ở đường chân trời, người dân Thủ đô sẽ có khoảng 30 phút để quan sát giai đoạn cuối của nguyệt thực một phần.
Với TP.HCM, do Mặt Trăng mọc khá muộn, gần với thời điểm nguyệt thực một phần kết thúc, người dân tại khu vực này chỉ có khoảng 20 phút để quan sát nguyệt thực một phần.
Được biết, nguyệt thực xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng. Lúc này, một phần hoặc toàn bộ Mặt Trăng sẽ không được Mặt Trời chiếu sáng do bị che khuất bởi Trái Đất.
Trong quá trình đó, nguyệt thực toàn phần là khi Mặt Trăng bị bóng của Trái Đất che phủ hoàn toàn. Nếu chỉ có một phần của Mặt Trăng bị che mờ, người ta gọi đó là nguyệt thực một phần.
Việt Hương (T/h)