Tốt nghiệp loại ưu Khoa Báo chí Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1999, anh Dũng nhanh chóng được nhận vào làm việc ở Báo Thể Thao Việt Nam. Tại đây anh đã có hàng ngàn bài viết và vinh dự là Phóng viên Ảnh Thể thao Việt Nam đầu tiên được bước chân xuống đường pitch để chụp ảnh chính thức tại 2 kỳ World Cup 2002 và 2006. Anh cũng xuất bản 2 quyển sách ảnh thể thao riêng và có ảnh trong nhiều cuốn sách ảnh thể thao tiêu biểu (gồm nhiều tác giả) trong giai đoạn này.
Tưởng chừng như sự nghiệp phóng viên thể thao đóng đinh với anh thì năm 2010, anh Dũng đã có quyết định nhảy việc khi chuyển sang làm công tác truyền thông cho Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội. Chia sẻ về quyết định này anh cho biết: “Đó là một giai đoạn khó khăn với tôi, khi báo giấy bắt đầu khủng hoảng và công việc phóng viên ảnh khiến tôi phải đi nhiều, không có thời gian cho gia đình. Tôi cần một công việc với thời gian cố định và có thu nhập tốt”. Trong gần 3 năm công tác tại Điện lực Hà Nội, anh có khá nhiều đóng góp đối với công tác truyền thông và quan hệ công chúng tại đơn vị này.
Tuy nhiên, đó không phải là chỗ có thể giữ chân con người có quá nhiều hoài bão như anh Dũng. Vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống kinh doanh đồng hồ. Bố anh là chủ của thương hiệu Đồng Hồ Đình Văn (nổi tiếng ở Thủ đô từ những năm 1980). Anh Dũng một lần nữa có quyết định táo bạo khi rời bỏ công sở để về tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. Từ một cửa hàng chỉ chuyên bán đồng hồ treo tường, đồng hồ tủ, để bàn và phụ tùng đồng hồ, anh Dũng đã nhanh chóng thay đổi và nâng tầm thương hiệu của gia đình với hàng loạt tên tuổi đồng hồ lớn trên thế giới được đưa về như: Rolex, Patek Philippe, Hublot …. Đây cũng là giai đoạn bùng nổ của mảng kinh doanh béo bở này. Anh nhanh chóng nắm bắt và phát triển với hệ thống 3,4 cửa hàng trên toàn quốc.
Mọi thứ tưởng chừng như quá thuận lợi thì bất ngờ dịch bệnh Covid ập đến cuốn phăng mọi thành quả mà anh gầy dựng. Tất cả đóng băng, đình trệ. 2 năm Covid, thị trường ảm đạm đi xuống, lãi suất vay, tiền nhân viên, duy trì hệ thống khiến anh kiệt quệ và đến tháng 9/2021 anh chính thức phá sản. Các cánh cửa dường như đã đóng sập lại nhưng chính trong lúc khó khăn và bế tắc nhất, anh vẫn đứng dậy được và bắt tay khởi nghiệp lại với một ngành nghề là đam mê rất lớn của anh và cũng là truyền thống gia đình từ đời ông bà anh: Ẩm thực. Với nguyên quán Phúc Thuỵ - Tân Ước - Hà Nội, cái nôi của Giò chả đất Việt, anh Dũng có sự yêu thích và chú tâm đặc biệt với ngành nghề Ẩm thực. Ông nội anh trước đây là người đầu tiên mở Tiệm Cơm Tám Giò Chả ở Phố Huế (Hà Nội).
Các chú, các bác anh đều khá thành công trong lĩnh vực này. Bản thân anh cũng là một đầu bếp giỏi với nhiều ý tưởng độc đáo. Anh nhanh chóng nghĩ ra một thương hiệu riêng, khác biệt và lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Đó là Xôi Hải Sản. Đây là món ăn mà trong đó xôi trắng được kết hợp với các thức ăn làm từ hải sản. Nó không chỉ là một món ăn ngon và độc đáo mà còn mang trong mình hương vị của biển cả, tạo nên sự khác biệt và thu hút khách hàng. Cái tên mới nghe tưởng chừng như xa lạ nhưng thực ra nhiều Món trong Xôi Hải Sản đã từng được các bạn bắt gặp hoặc có thể thưởng thức trước đó như Xôi Chả Mực (Quảng Ninh), Xôi Cá Rô Đồng (Hải Dương), Xôi Chả Cua (Bà Thảo - Chợ Hàng Da Hà Nội)…
Tuy nhiên, để xuất hiện cùng một lúc và sắp xếp vào một thực đơn đầy đủ thì đây là món ăn đầu tiên được xuất hiện với tên gọi: Xôi hải sản. Vì là lần đầu tiên nên có rất nhiều món các bạn có thể chưa từng nghe qua như: Trứng vịt biển, Pate Nhum … Hay sự kết hợp đầy lạ lẫm nhưng lại rất gợi vị của các món như: Xôi cá trắm kho má lợn, Xôi tôm thịt chưng mắm tép, Xôi bào ngư, Xôi lươn Nhật, Xôi ruốc bề bề, Xôi lạp xưởng tôm …
Cửa hàng Xôi của anh nhanh chóng được các thực khách đón nhận và từ địa điểm đầu tiên tại Ngõ Hàng Cháo (Hà Nội), anh đã mở thêm 1 Tiệm trên con phố Ẩm thực nức tiếng Thủ đô, Phố Tông Đản. Dù chỉ mở từ 6h sáng đến 14h trưa, nhưng cả 2 cửa hàng đều luôn tấp nập khách ra vào. Dự kiến tới đây anh sẽ mở thêm 2,3 điểm ở Hà Nội và một vài điểm tại các địa phương khác như: Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM.
Không biết đây đã phải là “bến đỗ” cuối cùng của anh Nguyễn Trung Dũng hay chưa nhưng với những gì đã trải qua và những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, anh Dũng xứng đáng là một hình mẫu về một con người dám nghĩ, dám làm và không bao giờ đầu hàng trước thất bại. Chúng tôi rất tâm đắc với những lời tâm sự của anh và xin dùng nó để thay cho lời kết của bài viết này: “Cuộc sống là một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ. Chúng ta hãy sống trọn vẹn với hiện tại, với gia đình và với những tình cảm trân quý. Hãy sống một cuộc đời mà ở đó chúng ta được sống chứ không phải để chứng minh hay giải thích vì dẫu có thế nào mỗi con người chúng ra đều là độc bản”.
Cảm ơn anh về những chia sẻ!
Thu Hà