Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là vị Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ kể từ sau chiến tranh. Dưới góc nhìn của chuyên gia trong lĩnh vực ngoại giao, chuyến thăm kéo dài 7 ngày của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được đánh giá là thành công ở nhiều phương diện.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vừa từ trần.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vừa từ trần vào hồi 1h30 ngày 17/3/2018 tại quê nhà Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Phan Văn Khải là người tích cực và quyết tâm xây dựng thể chế theo tinh thần đổi mới, phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đi đôi với mở cửa, hội nhập quốc tế.
Ông được biết đến là vị Thủ tướng đầu tiên sang thăm Hoa Kỳ. Đó là một chuyến đi lịch sử, đánh dấu một mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia. Đặc biệt, trên lĩnh vực kinh tế, nhiều hợp đồng lớn đã được ký kết.
Lần đầu tiên hai quân đội ở hai chiến tuyến hợp tác
Thời điểm nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Mỹ là một thời điểm quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt. Ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Chiến lược – học viện Ngoại giao cho biết, chuyến thăm đó đúng kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ.
Đó cũng là thời điểm vô cùng gay cấn và then chốt trong việc đàm phán với Mỹ để Việt Nam gia nhập WTO. Năm 2005, chúng ta đang cần một cú huých. Nếu hòa giải được với Mỹ thì các đối tác khác cũng đơn giản hơn rất nhiều.
“Năm 2005, ông Phan Văn Khải là nguyên thủ đầu tiên của Việt Nam chính thức thăm Mỹ sau chiến tranh giữa hai nước và có buổi trò chuyện với Tổng thống đương nhiệm lúc đó George W Bush.
Về mặt ngoại giao, đó là một chuyến đi khá thành công. Chuyến đi mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ Việt-Mỹ. Đưa quan hệ Việt –Mỹ lên một tầm cao mới. Sau đó, hàng loạt các lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam đã sang thăm Mỹ.
Chuyến đi đó làm cho người Mỹ hiểu hơn về Việt Nam, hiểu hơn về tiềm năng, sự phát triển cũng như thiện chí. Ngược lại phía việt Nam cũng hiểu hơn về Mỹ. Góp phần thúc đẩy hòa giải, giảm bớt nghi kị”, ông Trần Việt Thái đánh giá.
Ông Thái cũng cho biết, chuyến đi đó, lần đầu tiên Việt Nam quyết định hợp tác huấn luyện quân sự với Mỹ- một quyết định ở cấp Chính phủ.
Trước đó, mặc dù đã bình thường hóa được 10 năm nhưng hợp tác quốc phòng của hai nước chủ yếu ở mức tìm kiếm hài cốt, tìm kiếm quân nhân bị mất tích, giải quyết, khắc phục hậu quả chiến tranh… Chỉ sau cuộc gặp này thì quan hệ Việt –Mỹ mới được mở rộng hơn.
“Chúng ta hợp tác với Mỹ về an ninh quốc phòng, dù ở thời điểm đó mới chỉ là việc hợp tác huấn luyện quân y và một số hoạt động khác, nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó thể hiện hai quân đội trước kia là kẻ thù của nhau nay có thể ngồi lại với nhau, hợp tác với nhau.
Nó vừa có tính biểu tượng cho việc hòa giải, mở ra tương lai, vừa biểu tượng cho việc hóa giải các nghi kị. Quyết định hợp tác về mặt an ninh quốc phòng cũng là nền tảng, bước đệm để ta tiếp tục ký các hiệp định khác.
Đặc biệt, chúng ta đạt được nhiều đồng thuận trong đó có việc Mỹ trao quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam. Chúng ta đạt được đồng thuận chính trị của Mỹ về việc thừa nhận một Việt Nam cải cách mở cửa ngày càng phát triển thịnh vượng. Đây là những kết quả rất đáng quý”, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Chiến lược nhận định.
Để lại nhiều bài học quý trong lĩnh vực ngoại giao
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng được đánh giá là người có vai trò lớn trong việc kết nốt cộng động người Việt ở nước ngoài.
Trong chuyến thăm đó, ông đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam, sinh viên Việt Nam đang học tại các trường đại học của Mỹ, đồng bào người Việt định cư tại New York.
Nguyên Thủ tướng kêu gọi các nhà khoa học và các nhà người Việt ở nước ngoài góp sức xây dựng và phát triển đất nước. Chính phủ luôn dành ưu tiên các dự án của bà con Việt kiều.
“Hai thông điệp quan trọng được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải phát đi rất rõ ràng. Thứ nhất, kêu gọi cộng đồng người Việt ở nước ngoài gác lại quá khứ cùng nhau xây dựng quê hương tốt đẹp. Thứ hai, thông điệp về một đổi mới sẵn sàng hợp tác trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi.
Tôi theo dõi khá sát chuyến đi đó của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Chuyến đi đó, phóng viên hỏi rất hóc búa nhưng Thủ tướng không ngại mà trả lời thẳng về các vấn đề nhạy cảm như nhân quyền, khác biệt về mặt lợi ích…
Điều này ghi điểm không chỉ trong chính giới Mỹ mà còn ghi điểm với cộng đồng thế giới về một Việt Nam không ngại bàn về các vấn đề nhạy cảm, sẵn sàng đối thoại trên cơ sở tôn trọng cùng có lợi”, chuyên gia ngoại giao Trần Việt Thái cho biết.
Theo ông Thái, chuyến đi này để lại nhiều bài học quý trong lĩnh vực ngoại giao. Thứ nhất, đó là bài học về độc lập tự chủ. Chỉ có độc lập tự chủ thì Mỹ mới tôn trọng, các đối tác mới nhìn vào.
Bài học thứ hai là tôn trọng lợi ích chính đáng và đối thoại chân tình, từng bước gỡ bỏ rào cán để thúc đẩy quan hệ. Chúng ta thẳng thắn nhìn vào sự khác biệt trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị, tôn trọng lợi ích cơ bản của nhau, bình đẳng cùng có lợi.
Bình luận về chuyến thăm lịch sử khép lại quá khứ đau thương, thời báo New York nhận định chính khách Việt Nam là một nhà cải cách kinh tế và nhận được sự ủng hộ thực chất của các công ty Mỹ đang làm ăn tại Việt nam như Citigroup, Motorola, và Gap Inc. "Ông đã có những bước đi vững chắc để bắt đầu cho những cải cách quan trọng," Chủ tịch Hội đồng Thương mại Việt Nam - Mỹ Virginia B.Foote cho phóng viên Thời báo New York biết, vào năm 2005.
Chuyến thăm này góp phần quan trọng thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, giúp Việt Nam rút ngắn thời gian trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đồng thời, báo hiệu sự thuận lợi cho những chuyến thăm tiếp theo của nguyên thủ hai nước.
Thành Huế