Khi bà Th. sang nhà Loan thì 2 bên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Trong lúc đẩy qua đẩy lại, Loan xô bà Th. ngã đập đầu trúng cổng ngõ bê tông dẫn đến tử vong...
Chiều 25/4, trao đổi trên báo Tuổi trẻ, thượng tá Phạm Việt Tiến (Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - PC45 - Công an tỉnh Quảng Nam) cho biết nguyên nhân cái chết bất thường của bà Phạm Thị Th. (66 tuổi, trú thôn Giáo Ái Bắc, xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) là do con dâu bà xô ngã.
Theo thượng tá Tiến, qua đấu tranh lấy lời khai, Nguyễn Thị Kiều Loan (34 tuổi, con dâu bà Th.) đã thừa nhận xô ngã mẹ chồng té đập đầu vào tường bê tông dẫn đến tử vong.
Người thân tổ chức hậu sự cho bà Th. - Ảnh: Dân Việt |
Liên quan đến vụ việc, báo Dân trí dẫn nguồn thông tin từ Công an thị xã Điện Bàn cho hay, chiều tối ngày 23/4, khi bà Phạm Thị Th. sang nhà Loan thì 2 bên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Trong lúc đẩy qua đẩy lại, Loan xô bà Th. ngã đập đầu trúng cổng ngõ bê tông dẫn đến tử vong.
Lời khai của một số người con của Loan trùng khớp với nhận định về vụ việc. Kết quả giám định pháp y cũng thể hiện, vết thương trên đầu bà Th. là do té ngã chứ không phải bị đánh bằng vật cứng.
Trong diễn biến có liên quan, sáng 25/4, trao đổi trên báo Giao thông, ông Lê Minh Phương – Trưởng Công an xã Điện Hồng (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) xác nhận cơ quan công an đang tạm giữ chị Nguyễn Thị Kiều Loan để điều tra về cái chết của người mẹ chồng.
Trước đó, như báo Công lý đã đưa tin, đêm 23/4, Công an xã Điện Hồng nhận được trình báo của người dân về việc bà Th. bị thương ở vùng đầu và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Do vết thương quá nặng nên ngay trong đêm, bà Th. đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng điều trị. Tuy nhiên, đến 8h sáng 24/4, bà Th. đã tử vong. Theo kết luận của bệnh viện, bà Th. tử vong do vỡ hộp sọ.
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp