+Aa-
    Zalo

    Nguyên nhân Thượng Hải ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 không triệu chứng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Kể từ giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc, nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 - loại virus gây ra bệnh - đều không có triệu chứng nào.

    Trung Quốc đã ghi nhận một số lượng lớn các trường hợp nhiễm COVID-19 không triệu chứng trong làn sóng Omicron hiện nay, SCMP đưa tin ngày 7/4 (giờ địa phương). 

    Khác với các quốc gia khác, Trung Quốc không liệt kê các trường hợp nhiễm COVID-19 không triệu chứng vào số liệu thống kê chính thức, song những trường hợp này vẫn được báo cáo và những người dương tính không có triệu chứng vẫn phải cách ly.

    Thế nào là trường hợp mắc COVID-19 không triệu chứng? 

    Định nghĩa của Trung Quốc về trường hợp mắc COVID-19 không triệu chứng cũng giống như của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các quốc gia khác. Đó là những người có kết quả dương tính (từ xét nghiệm PCR - như trường hợp của Trung Quốc) nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19. 

    COVID-19 gây ra các triệu chứng phổ biến như sốt, ho, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi và một số triệu chứng ít gặp hơn như tiêu chảy, phát ban hoặc kích ứng mắt. Bệnh nhân thường gặp các triệu chứng này khoảng 5-6 ngày kể từ khi nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng một số trường hợp có thể mất đến 14 ngày mới xuất hiện triệu chứng, theo WHO.

    Nhưng nếu một người có kết quả xét nghiệm dương tính và không phát triển các triệu chứng trong thời gian đó, thì không chắc họ sẽ mắc bệnh.

    nguyen nhan thuong hai ghi nhan nhieu ca mac covid 19 khong trieu chung1 copy
    Theo người đứng đầu CDC Thượng hẢI, xét nghiệm hàng loạt đã sớm phát hiện được ca bệnh. Ảnh: AFP.

    Một số người không có bất kỳ triệu chứng nào khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính, nhưng sau đó lại biểu hiện triệu chứng. Những trường hợp như vậy vẫn được coi là ca dương tính ở Trung Quốc. Dữ liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 4/2020 cho thấy, ở thời điểm đại dịch mới bùng phát, chỉ 11% số ca ban đầu được báo cáo không triệu chứng sau đó chuyển sang có triệu chứng.

    Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng ở Trung Quốc là bao nhiêu? 

    Không có câu trả lời rõ ràng vì kết quả tùy vào từng nghiên cứu và địa điểm nó được thực hiện. 

    Trong đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán vào năm 2020, các nhà khoa học đã tiến hành phỏng vấn, khảo sát và xét nghiệm 9.542 người. Họ phát hiện ra rằng 82,1% những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 đều không có triệu chứng.

    Tuy nhiên, sau khi dịch bùng phát lên đến đỉnh điểm và việc phong tỏa toàn thành phố được dỡ bỏ, kết quả xét nghiệm hàng loạt trên 889.000 người cho thấy chỉ có 457 người không có triệu chứng.

    Các nhà nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh đã xem xét 95 nghiên cứu liên quan đến hơn 29,7 triệu người được xét nghiệm trên khắp thế giới từ tháng 1/2020 đến tháng 2/2021. Tỷ lệ các trường hợp không có triệu chứng được công bố trên JAMA Network Open vào tháng 12/2021.

    Theo đó, 4,52% các trường hợp trong số người dân và nhân viên viện dưỡng lão không có triệu chứng. Trong số những du khách có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi đi các chuyến bay và du lịch trên biển, 2,02% trong số họ không có triệu chứng. Tỷ lệ với nhân viên y tế và bệnh nhân nhập viện là 0,75%.

    Điều này đã thay đổi trong thời kỳ biến thể Omicron đang hoành hành, nơi tỷ lệ người có kết quả xét nghiệm dương tính không có triệu chứng cao hơn nhiều. Một nghiên cứu ở Nam Phi vào tháng 1 vừa qua cho thấy, tỷ lệ người mang mầm bệnh không có triệu chứng tăng lên 16% khi Omicron xuất hiện, cao hơn so với với 2,6% trong đợt bùng phát hai biến thể Beta và Delta.

    Trong làn sóng Omicron hiện nay ở Trung Quốc, khoảng 70% các trường hợp được báo cáo vào tháng 3 không có triệu chứng. Ngoài ra, các quan chức y tế nước này đã nói rằng 95% trường hợp bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng hoặc rất nhẹ.

    nguyen nhan thuong hai ghi nhan nhieu ca mac covid 19 khong trieu chung2 copy
    Trung Quốc không liệt kê các trường hợp nhiễm COVID-19 không triệu chứng vào số liệu thống kê chính thức. Ảnh: EPA-EFE.

    Tại sao có nhiều bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng ở Thượng Hải?

    Thượng Hải không phải là nơi duy nhất ở Trung Quốc phải đối mặt với biến thể Omicron vào lúc này, tuy nhiên thành phố ghi nhận hơn 90% ca nhiễm là trường hợp không triệu chứng.

    Fu Chen, giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Thượng Hải, cho biết có một số yếu tố tác động, bao gồm đặc điểm của virus, khả năng miễn dịch của con người, tỷ lệ tiêm chủng và thực tế là các ca bệnh đang được phát hiện sớm nhờ xét nghiệm hàng loạt.

    Sự bùng phát ở Thượng Hải đang được thúc đẩy bởi biến thể phụ BA.2 của Omicron lây lan nhanh chóng và những người từ 60 tuổi trở xuống có sức khỏe tốt chiếm 84,5% các trường hợp. “Vì vậy, tỷ lệ nhiễm trùng không có triệu chứng cao hơn", ông Fu Chen nói. 

    Ngoài ra, hơn 22 triệu trong số 25 triệu cư dân của thành phố được tiêm chủng đầy đủ và một nửa đã được tiêm các mũi tăng cường. Hầu hết những người có kết quả xét nghiệm dương tính đều đã được tiêm vaccine đầy đủ.

    Ông Fu cho biết xét nghiệm toàn thành phố cũng giúp phát hiện sớm các ca nhiễm đang trong thời gian ủ bệnh trước khi các triệu chứng xuất hiện. 

    Trung Quốc có khả năng thay đổi cách tiếp cận?

    Trong khi biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn và không có triệu chứng và các quốc gia khác đang dần mở cửa trở lại đồng thời hướng tới việc sống chung với virus, Trung Quốc dường như đang quyết liệt hơn với chiến lược Zero-COVID.

    Wu Zunyou, trưởng nhóm dịch tễ học tại CDC Trung Quốc, cho biết sự lây lan nhanh chóng của Omicron vẫn có thể dẫn đến một số lượng lớn các ca bệnh và trường hợp tử vong. Ông chỉ ra dữ liệu từ các quốc gia khác cho thấy số người chết vì Omicron cao hơn so với Delta.

    “Điều này chỉ ra rằng biến chủng Omicron vẫn là một mối nguy rất nghiêm trọng đối với bất kỳ quốc gia nào và cần phải nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh trong một thời gian ngắn", ông Wu nói và cho biết thêm rằng chiến lược của Trung Quốc vẫn là hiệu quả nhất cách phòng chống và kiểm soát COVID-19. 

    Bích Thảo(Theo SCMP) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguyen-nhan-thuong-hai-ghi-nhan-nhieu-ca-mac-covid-19-khong-trieu-chung-a533539.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan