Sau thương vụ mua lại WhatsApp, mâu thuẫn về quan điểm kiếm tiền khiến CEO Facebook Mark Zuckerberg từng từ mặt đồng sáng lập của WhatsApp Brian Acton.
"Facebook có những chính sách mà tôi không nhất thiết phải tuân theo", Brian Acton, đồng sáng lập WhatsApp nói với Forbes. Ảnh: Reuters |
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Forbes, Brian Acton và đồng sáng lập Jan Kuom, người đã từ chức hồi tháng 4/2018, từng miễn cưỡng nghĩ ra một cách kiếm tiền bằng cách đo số tin nhắn của người dùng WhatsApp. Tuy nhiên, COO của Facebook Sandberg lại muốn kiếm nhiều tiền hơn vậy.
Theo đó, Acton muốn tạo ra một công cụ tính phí tin nhắn của người dùng. "Họ sẽ phải trả 0,001 USD nếu sử dụng quá số lượng tin nhắn miễn phí. Bạn chỉ cần tạo ra cách thu phí này một lần duy nhất và nó sẽ hoạt động trên mọi quốc gia. Bạn không cần phải nỗ lực cho các cách kiếm tiền tinh vi như Facebook. Công ty như vậy sẽ hoạt động rất đơn giản", Acton giải thích với Forbes.
Ngay lập tức, COO của Facebook Sandberg ngắt ngang ý tưởng đó. Cô không nghĩ như vậy. "Như vậy nó sẽ không tạo ra quy mô lớn", Sandberg nói.
Và Acton nhớ lại một cuộc họp với Zuckerberg và các luật sư của Facebook để bàn về phương án kiếm tiền từ WhatsApp. Cả hai nhà đồng sáng lập của ứng dụng nhắn tin này đều không thích chèn quảng cáo vào ứng dụng, nhưng đây lại là cách kiếm tiền chính của Facebook.
Sau nhiều bất đồng, Acton đã tính đến chuyện rời Facebook, đàm phán về điều khoản hợp đồng để lấy đủ số tiền của ông. Theo Business Insider, hợp đồng mua lại Whatsapp với giá 16 tỷ USD bao gồm 4 tỷ USD tiền mặt và 12 tỷ USD giá trị cổ phiếu mà các nhà đồng sáng lập có thể nhận sau 4 năm.
Nếu Facebook chèn quảng cáo vào WhatsApp trái với nguyện vọng của các nhà đồng sáng lập, họ có thể nhận tiền trước thời hạn đó. Tuy nhiên luật sư của Facebook cho rằng việc công ty này tìm cách kiếm tiền từ WhatsApp không vi phạm các điều khoản hợp đồng.
Trong lúc cuộc họp căng thẳng nhất, Zuckerberg đã nói với Acton: “Đây sẽ là lần cuối cùng anh nói chuyện với tôi”. Chia sẻ với Forbes, Acton nói thật ông chưa từng chơi thân với Mark, và “không có nhiều điều để kể về anh ta”.
Bị can thiệp quá sâu vào Instagram, hai đồng sáng lập ứng dụng Instagram tuyên bố từ chức. Ảnh: NYT |
Sau nhiều bất đồng, năm 2017, Acton đã rời vị trí tại Facebook, sau đó một năm, Jan Koum cũng quyết định ra đi. Rời Facebook, Brian Acton đã không được nhận toàn bộ số tiền theo thỏa thuận ban đầu. Ông nhớ lại khi rời khỏi công ty, ông đã kiểm tra giá cổ phiếu Facebook, và quyết định này đã khiến ông thiệt hại tới 850 triệu USD.
“Việc xây dựng những điều mới mẻ đòi hỏi chúng ta phải lùi bước, điều này là để tự truyền cảm hứng cho bản thân mỗi chúng ta và tạo ra những gì mà thế giới cần. Đó là những gì chúng tôi định thực hiện”, Kevin Systrom cho hay.
Chia sẻ trên trang blog cá nhân, Kevin Systrom cho biết bản thân ông và người bạn đồng hành đang lên kế hoạch thử thách sức sáng tạo của bản thân một lần nữa.
Được biết, mới đây, Kevin Systrom và Mike Krieger, những người đồng sáng lập Instagram vừa quyết định rời khỏi vị trí quản lý của mạng xã hội chia sẻ ảnh này. Theo Bloomberg, sự ra đi của 2 nhà sáng lập trên bắt nguồn từ việc can thiệp quá nhiều của ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg. Điều này là bởi Facebook đang ngày càng trở nên phụ thuộc vào Instagram.
Facebook từng bỏ ra 1 tỷ USD để mua về Instagram. Hiện tại, giá trị mạng xã hội này đã tăng lên gấp nhiều lần và vượt qua cả sự kỳ vọng của giới chủ Facebook. Sức tăng trưởng mạnh mẽ của Instagram có đóng góp quan trọng từ tầm nhìn phát triển sản phẩm của bộ đôi Kevin Systrom và Mike Krieger. Bên cạnh đó còn phải kể tới đóng góp từ nguồn tài nguôn dữ liệu khổng lồ của Facebook.
Trong bức thư chia tay của mình, Kevin Systrom cho biết ông cảm thấy biết ơn khi có 8 năm phát triển Instagram và 6 năm làm điều đó cũng với đội ngũ phát triển Facebook.
Vũ Đậu (T/h)