+Aa-
    Zalo

    Nguyên nhân khiến TP.HCM chìm trong sương mù cả ngày, nhiều tòa nhà cao tầng bị che phủ

    (ĐS&PL) - TP.HCM xuất hiện sương mù khắp nơi, nhiều con đường và tòa nhà cao tầng bị che phủ, "nuốt chửng" trong lớp mù khá dày.

    Những ngày qua, TP.HCM liên tục chìm trong lớp sương mù dày đặc, ảnh hưởng đến tầm nhìn và giao thông. 

    Theo báo Thanh Niên, sáng 3/12, thời tiết TP.HCM nắng yếu, trời nhiều mây, xuất hiện sương mù nhiều nơi. Trên nhiều con đường, người dân TP.HCM đi làm và đón ngày mới trong không khí mát mẻ, thoải mái. Dễ nhận thấy sương mù nhất tại các tòa nhà cao tầng như Landmark 81, Bitexco hoặc các chung cư nằm dọc sông Sài Gòn… nhiều bị lớp sương bao phủ.

    Còn tại đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), Võ Nguyên Giáp (TP.Thủ Đức)… có thể nhận thấy rõ sương mù từ phía xa, tạo thành khung cảnh mờ ảo mà đến thời điểm cuối năm TP.HCM mới có một lần.

    Sương mù bao trùm TP.HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ

    Sương mù bao trùm TP.HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ

    Giải thích về nguyên nhân sương mù tại TP.HCM, theo báo Dân Trí, ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết, những ngày qua, áp cao lạnh lục địa có cường độ mạnh (đây là hệ thống gây ra thời tiết rét ở các tỉnh phía Bắc), sau đó di chuyển ra phía Đông suy yếu dần.

    Rãnh áp thấp xích đạo trục 5-7 độ vĩ Bắc có xu hướng di chuyển lên phía Bắc, kết hợp với hội tụ gió trên cao ngay trên khu vực Nam Bộ. Gió Đông Bắc hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Trung Bộ và Nam Bộ.

    Những hệ thống thời tiết trên tác động làm cho TP.HCM và một số tỉnh Nam Bộ nhiệt độ không khí vào ban đêm, sáng sớm giảm. Sáng sớm, các khu vực này có lớp mù bao phủ, làm giảm tầm nhìn ngang, thậm chí ngày hôm qua (2/12), mù diễn ra tương đối dày, kéo dài từ sáng sớm tới chiều.

    Ông Quyết cho hay,  nguyên nhân chính của hiện tượng này là do không khí lạnh ở phía Bắc khuếch tán sâu xuống phía Nam, làm nhiệt độ không khí giảm, trên vùng biển phía Nam hình thành rãnh áp thấp có những vùng hội tụ ẩm, tạo nên độ ẩm trong không khí khá cao, đầu giờ sáng hầu hết các tỉnh thành có độ ẩm từ trên 80%.

    "Đây là hiện tượng khí tượng bình thường, chỉ cần có điều kiện thuận lợi như độ ẩm không khí cao, nhiệt độ không khí thấp, gió nhẹ là dễ hình thành mù hoặc sương mù", ông Quyết cho hay.

    Sương mù khiến hạn chế tầm nhìn. Ảnh: Thanh Niên

    Sương mù khiến hạn chế tầm nhìn. Ảnh: Thanh Niên

    "Thời tiết này không xếp vào loại hình thời tiết nguy hiểm, tuy nhiên mù dày đặc sẽ làm giảm tầm nhìn ngang, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông. Mù sẽ còn diễn ra thêm vài ngày tới, sau đó các buổi sáng trời trở nên bình thường. Từ nay tới cuối năm, vẫn còn xuất hiện một số ngày có hiện tượng mù tương tự, mỗi khi không khí lạnh mạnh", ông Quyết cho biết thêm.

    Cũng theo chuyên gia này, mù sẽ còn diễn ra ở TP.HCM, Nam bộ vài ngày tới, sau đó các buổi sáng trời trở nên bình thường. Nhưng từ nay tới cuối năm, trong tháng 1 và 2 vẫn còn xuất hiện một số ngày có hiện tượng mù tương tự, mỗi khi không khí lạnh mạnh.

    Tuy nhiên, nơi có mặt đệm thông thoáng thì hiện tượng mù tan nhanh hơn, đối với TP.HCM, do nhiều công trình cao tầng, làm giảm khả năng lưu thông gió, do đó hàng ngày mù tan chậm hơn. Ngoài ra, có thể trong thành phố do các hoạt động giao thông và các hoạt động khác gây nhiều bụi hơn các nơi khác, cũng làm cho điều kiện hình thành mù dễ dàng hơn, thông tin trên báo Thanh Niên.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nguyen-nhan-khien-tp-hcm-chim-trong-suong-mu-ca-ngay-nhieu-toa-nha-cao-tang-bi-che-phu-a486498.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan