Nguyên nhân ban đầu vụ nổ ở Bình Dương khiến 4 người trong gia đình bị thương được xác định do nổ hầm cầu.
Theo tin tức ban đầu, vào khoảng 5h ngày 27/2, trong lúc đi vệ sinh trong phòng trọ ở khu phố 3, P.Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương), anh Lê Thanh Phong (38 tuổi, ngụ Vĩnh Long) bật lửa hút thuốc lá. Lúc này, khí ở trong hầm cầu bắt lửa phát nổ làm thủng mái tôn của phòng trọ, hất văng anh Phong ra ngoài.
Thời điểm này vợ con anh Phong đang ở trong phòng trọ cũng bị sức ép của vụ nổ văng khắp phòng khiến mọi người bị thương nặng.
Sau khi xảy ra sự việc, lực lượng chức năng đã có mặt đưa các nạn nhân đi cấp cứu và làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Bước đầu nguyên nhân vụ việc được xác định do nổ hầm cầu trong phòng trọ. Được biết đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp hầm cầu phát nổ.
Căn phòng trọ nơi xảy ra vụ nổ. Ảnh: Thanh Niên |
Chia sẻ với báo chí, Tiến sĩ Vật Lý Nguyễn Văn Khải đã lý giải việc bồn cầu phát nổ gây trọng thương và cách để ngăn chặn sự cố nguy hiểm này. Cụ thể, TS Nguyễn Văn Khai cho biết, nguyên nhân khiến bồn cầu phát nổ và do bồn cầu kém chất lượng, và do điều kiện vệ sinh kém và đường thông khí của bồn cầu bị chất thải bít kín khiến khí gas tích tụ trong bồn gây áp suất cao rồi phát nổ.
TS Nguyễn Văn Khải cho biết, phía dưới bồn cầu là bể phốt, bể phốt là nơi chưa chất thải của con người dạng đặc, và dưới tác dụng của các vi sinh vật, chất thải dạng đặc sẽ được phân hủy thành dạng nước rồi theo đường ống thoát ra ngoài. Bể phốt thường được cấu tạo gồm 2 hoặc 3 ngăn để xử lý chất thải, để đảm bảo chứa đủ 3 quy trình chứa, lắng , lọc. Ngăn đầu tiên là phân và nước xuống sau đó phân hủy, vì là chất hữu cơ phân hủy thành khí (metan, NH3, CO2..) và bã men. Bã lắng xuống dưới đáy, còn nước trong ở bên trên có một ống thông chảy sang ngăn thứ 2. Nước này vẫn còn mùi thối, chưa trong nên cẩn thận thường xây thêm ngăn thứ 3 nữa. Những phần còn lại lắng đọng ở ngăn thứ 2, nước bên trên trong được chảy sang ngăn thứ 3 ra ngoài cống hoặc cho ngấm ra đất.
Quá trình phân hủy sẽ sinh ra các chất khí, đặc biệt là khí metan. Thiết kế của bể phốt nhất thiết cần phải có ống thông hơi nối từ bể phốt ra ngoài để cân bằng áp suất trong bể phốt. Khi xây dựng mà không có ống thoát hơi này thì khí metan sẽ tích tụ trong bể phốt và đến một mức nào đó sẽ phát nổ ở những nơi yếu nhất. Mà bể phốt thường được đào dưới đất nên phần yếu nhất sẽ là bồn cầu nổi ở trên.
TS Nguyễn Văn Khải còn cho biết thêm, ở phố nhà ông có một nhà tự nhiên thấy nền nhà nóng ran như được nung lửa. Khi gọi thợ đến sửa mới biết là khí metan tích tụ quá nhiều do ống thông hơi bị tắc. Khi thông ống thì mọi việc trở lại bình thường. TS Khải khuyến cáo nên kiểm tra đến ống thông hơi của bể phốt khoảng 1 năm/1 lần, nếu thấy dấu hiệu tắc thì phải thông ngay, tránh các vụ tai nạn không đáng có do nổ bồn cầu xảy ra.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi thiết kế nhà vệ sinh cần phải tính toán trước như nhà có bao nhiêu người, ước lượng khối lượng sinh ra chất thải/tháng, tổng khí sinh ra trong quá trình phân hủy là bao nhiêu khối… Bể phốt phải tương ứng. Nếu khối lượng lớn mà bể phốt nhỏ thì rất nguy hiểm.
Trong quá trình lắp đặt cần chú ý ống đường vào bể phải cao hơn đường ra ít nhất 10cm để ngăn sự trở lại của nước thải quay lại đường ống lên thiết bị vệ sinh và ngăn ngừa sự hình thành chất rắn và tiện cho việc hút bể phốt thông tắc về sau. Các gia đình cũng cần chọn vật liệu tốt để xây và tránh không nên đàm nén xung quanh hố ga quá chặt gây ra áp lực cho bể phốt dễ gây rạn nứt bể. Việc xây dựng đúng quy trình sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường do nước thải này gây ra và cũng giảm được tắc cống ngầm của đường nước.
Hoàng Yên (T/h)