+Aa-
    Zalo

    Nguyên nhân hàng trăm nhân viên bảo vệ rừng ở Kon Tum xin nghỉ việc?

    (ĐS&PL) - Theo thống kê từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, từ năm 2018 đến tháng 8/2023, có 222 người làm việc tại các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; 173 người làm việc tại các công ty TNHH MTV lâm nghiệp và 6 kiểm lâm xin nghỉ việc. Đơn vị bảo vệ rừng địa phương cũng đưa ra lý giải về vấn đề này.

    Theo báo Tiền phong, thông tin về vấn đề nhiều cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng nghỉ việc trong thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho rằng, công việc bảo vệ rừng thường nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với côn trùng và vi sinh vật gây bệnh. Thế nhưng công việc này chưa được quy định trong danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm phải chịu trách nhiệm về diện tích rừng địa bàn quản lý là 24/24 giờ nhưng chỉ được hưởng lương 8h/ngày.

    nguyen nhan hang tram nhan vien bao ve rung o kon tum xin nghi viec
    Hàng trăm nhân viên bảo vệ rừng nghỉ việc do chế độ chưa thỏa đáng. Ảnh: Tiền phong.

    Ông Lê Văn Thoan - Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp huyện Kon Plông đã có những chia sẻ với báo chí, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhiều nhân viên bảo vệ rừng tại công ty bỏ việc là do lương thấp nhưng chuyên môn nhiều, áp lực cao và trách nhiệm lớn.

    "Bên cạnh đó, nhân viên phải trực gác rừng nơi hẻo lánh, ít có thời gian gần nhà, chăm sóc gia đình…Nhiều trường hợp trong thời gian công tác, còn bị lâm tặc khủng bố qua gọi điện thoại, nhắn tin hù doạ nhiều ngày”, ông Thoan cho hay.

    Điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu đất ở, đất sản xuất tăng cao cũng tạo áp lực lên công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.

    Thông tin về vấn đề này, ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Chính phủ có chính sách đặc thù cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

    UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị chủ rừng lập phương án khoán rừng và đất lâm nghiệp để người lao động nhận khoán quản lý bảo vệ rừng nhằm phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập để gắn bó với rừng, yên tâm công tác, báo Thanh niên đưa tin.

    Tháng 6/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 2357/QĐ-BNN-KL công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2022.

    Theo đó, diện tích rừng toàn quốc bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán là 14.790.075 ha (rừng tự nhiên 10.134.082 ha, rừng trồng 4.655.993 ha). Diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 13.926.043 ha. Tỷ lệ che phủ toàn quốc là 42,02%.

    Theo Quyết định, tỉnh Kon Tum có tổng diện tích rừng là 624.660 (rừng tự nhiên 547.604 ha, rừng trồng 77.056 ha). Tỷ lệ che phủ là 63,05%.

    Theo Quyết định, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giao UBND các cấp, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Sử dụng số liệu hiện trạng rừng để cập nhật diễn biến rừng năm tiếp theo. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chủ rừng nghiêm túc thực hiện công tác theo dõi, cập nhật và báo cáo diễn biến rừng hàng năm.

    Đối với các địa phương có diện tích rừng tự nhiên giảm trong năm 2022, tổ chức rà soát, kiểm tra làm rõ nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phục hồi diện tích rừng bị giảm; xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định. Các địa phương chưa công bố hiện trạng rừng năm 2022 chịu trách nhiệm trước các cơ quan có thẩm quyền về việc không công bố hoặc chậm công bố hiện trạng rừng theo quy định.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguyen-nhan-hang-tram-nhan-vien-bao-ve-rung-o-kon-tum-xin-nghi-viec-a596794.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan