(ĐSPL) - Gây thất thoát hơn 10 tỷ đồng, nguyên Chủ tịch huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) Nguyễn Văn Bổng cùng đồng bọn phải hầu tòa về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 29/1, TAND Hà Tĩnh mở phiên sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Văn Bổng - nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cũ, nay là thị xã Kỳ Anh, Phạm Huy Tường - nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Lê Xuân Nghinh - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Long, Lê Quang Hà - nguyên Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Long, Lê Anh Đức, Hồ Xuân Cường - thành viên hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện và Lê Công Nhiếu - nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyễn Văn Bổng - nguyên chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cùng đồng bọn bị xét xử về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. |
Kết quả điều tra xác định, quá trình triển khai việc bồi thường, giải phóng mặt bằng khu tái định cư phục vụ dự án Formosa, ông Bổng cùng một số thuộc cấp đã hợp thức hóa 70ha diện tích đất công không được bồi thường thành đất giao cho hộ dân sử dụng trước ngày 1/7/2004.
Theo nhà chức trách, việc làm của nhóm cán bộ trên đã khiến nhà nước phải bồi thường với giá 100% đất nông nghiệp, gây thiệt hại ngân sách hơn 10 tỷ đồng. Hiện, số tiền này không thể thu hồi.
Trả lời thẩm vấn đầu tiên, ông Bổng thừa nhận mình có "4 cái sai" dẫn tới hậu quả. Đầu tiên là làm không đúng chức năng, xác định nguồn gốc đất và chủ sử dụng đất. Thứ hai, trong hồ sơ bồi thường xã gửi lên, ông không thẩm định, cho rằng là đúng.
Ông không trực tiếp chủ trì mà tin tưởng giao cho cấp dưới, khi họ trình lên cũng không xem xét lại mà "ký luôn". Cái sai cuối cùng là bỏ qua khâu thẩm định số tiền do UBND tỉnh Hà Tĩnh và Sở Tài chính phê duyệt trong quá trình chi trả đền bù dẫn tới thất thoát.
Khi tòa hỏi có khắc phục được thiệt hại không, ông Bổng đáp rằng trong vụ việc này "không hề có một chút lợi lộc".
Tại tòa, nguyên trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Phạm Huy Tường khi được xét hỏi đã thừa nhận chịu trách nhiệm trong việc thu hồi đất khi giao cho các xã toàn quyền xử lý. Tuy nhiên, ông không cố ý hợp thức hóa mà do không nắm bắt được việc các xã đã xin chủ trương của chủ tịch huyện trước.
Dự kiến phiên xử sẽ kéo dài hết ngày 30/11.
Điều 165, luật hình sự năm 1999 quy định về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với nội dung cụ thể như sau: 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |