Dù là người vay 239 tỷ đồng và 8,7 triệu USD, nhưng sau đó bị cáo Luật đã làm giả giấy tờ, biến chủ nợ thành con nợ sau đó kiện chủ nợ ra tòa để đòi... tiền!
Bị cáo Huỳnh Tấn Luật (áo đen) bị tuyên phạt 20 năm tù giam. Ảnh: Người Đưa Tin |
Gài bẫy bạn thân của mẹ mình
TAND TP.HCM vừa đưa bị cáo Huỳnh Tấn Luật (SN 1973, nguyên cán bộ ngân hàng Thương mại CP Công Thương Việt Nam - Vietinbank) ra xét xử về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tính đến thời điểm bị bắt, Luật còn nợ của 13 nạn nhân một số tiền rất lớn và không có khả năng chi trả. Điều đáng nói, Luật còn lập kế hoạch “gài bẫy” một chủ nợ vốn là bạn thân của mẹ mình, sao in, làm giả các giấy tờ thể hiện đã trả hết số tiền nợ và tráo trở biến chủ nợ này thành con nợ của mình.
Theo điều tra, bà V.T.K. (nạn nhân của vụ án) quen biết và trở nên thân thiết với bà Nguyễn Thị Sương Mai (ngụ phường 5, quận 11, TP.HCM) là mẹ ruột của bị cáo Huỳnh Tấn Luật từ năm 2010.
Qua trò chuyện, bà Mai giới thiệu với bà K. rằng con trai là Huỳnh Tấn Luật đang làm Phó phòng tại phòng giao dịch Trần Hưng Đạo (trực thuộc Vietinbank chi nhánh TP.HCM).
Sau thời gian qua lại thân thiết, bà Mai nhờ bà K. giúp bằng cách cho con trai mượn tiền để đáo hạn ngân hàng. Thấy gia cảnh của Luật khó khăn, bà K. đồng ý cho Luật mượn tiền.
Từ tháng 8/2010, bà K. bắt đầu đưa tiền cho Luật mượn để đáo hạn ngân hàng. Vì lần nào cho vay cũng được vợ chồng Luật hoàn trả gốc, lãi rất sòng phẳng và đúng hạn nên bà K. vô cùng tin tưởng.
Từ khoảng cuối năm 2010, các khoản vay chỉ được Luật thanh toán đầy đủ tiền lãi, nhưng không thanh toán được tiền gốc. Bà Mai biết bà K. có nhiều khoản tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng nên nhờ bà K. gửi tiền vào các phòng giao dịch Vietinbank do Luật phụ trách để giúp bị cáo tăng doanh số huy động vốn.
Nể lời bạn, bà K. đồng ý và bắt đầu gửi tiền từ tháng 7/2010. Năm 2011, Luật nói với bà K. rằng, nếu bà K. gửi tiền ở Vietinbank sẽ cho bà thêm phần tiền lời thỏa thuận thêm ngoài tiền lời ngân hàng niêm yết. Đồng thời, Luật đề nghị được giữ tất cả bản gốc sổ tiết kiệm để tiện việc nhận tiền lời chênh lệch thỏa thuận từ ngân hàng.
Năm 2012, sau khi chiếm được niềm tin của bà K., Luật vay hơn 239 tỷ đồng và gần 8,7 triệu USD của bà này để cho người khác vay đáo hạn ngân hàng, mua bán tài sản nhà đất, trả lãi vay và trả nợ cho nhiều người khác, chi tiêu cho cá nhân và gia đình.
Hai năm sau, bà K. liên tục đòi nợ nhưng Luật không có khả năng trả. Sau nhiều lần khất nợ, Luật nghĩ cách chiếm đoạt số tiền đã vay. Nghĩ là làm, Luật sử dụng máy vi tính và máy in lập khống vào 9 tờ giấy khổ A4 rồi đưa bà K. ký.
Thấy nhiều hồ sơ phức tạp nên bà K. cũng không đọc kỹ mà chỉ ký theo yêu cầu của Luật vì tin tưởng Luật làm đúng theo nghiệp vụ ngân hàng yêu cầu.
Lợi dụng sự “ngây thơ” của bạn mẹ, Luật soạn thảo, in ghép thêm nội dung trả nợ hết cho bà K. vào 9 tờ giấy. Đồng thời, Luật làm giả biên nhận bà K... vay Luật 82 tỷ đồng, gần 3.900 lượng vàng SJC.
Ngày 22/8/2014, Luật nhắn tin yêu cầu bà K. phải trả nợ cho mình. Nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình, Luật còn ngang nhiên khởi kiện bà K. ra trước TAND quận Tân Phú để đòi tiền.
Bức xúc trước sự dối trá của Luật, bà K. tố cáo hành vi của Luật với cơ quan công an. Ngày 20/06/2015, cơ quan CSĐT của bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Luật về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trong quá trình điều tra, Luật thừa nhận việc bà K. không nợ tiền của Luật và xác nhận việc Luật khởi kiện đòi nợ đối với bà K. là không đúng sự thật, đồng thời thừa nhận bản thân Luật đang nợ bà K. số tiền lớn.
Theo kết quả điều tra, chữ ký trên 9 tờ giấy Luật dùng đòi nợ bà K. là chữ ký giả. Ngoài ra, Luật cũng thừa nhận vay mượn, lừa của 12 cá nhân khác một số tiền lớn. Như vậy, giai đoạn 2006-2014, Huỳnh Tấn Luật vay 13 người hơn 401 tỷ đồng và gần 8,7 triệu USD.
Luật dùng số tiền chiếm đoạt được (trong đó chủ yếu là tiền của bà K.) mua 21 tài sản là nhà, đất, xe hơi rồi gấp rút sang nhượng cho người khác.
Trả 1 tỷ, khai trả hơn 200 tỷ?!
Tại tòa, bị cáo khai đã dùng tiền chiếm đoạt được từ 13 nạn nhân để mua bất động sản và nhiều ôtô đắt tiền. Tuy nhiên, Luật khai không nhớ đã dùng tiền vay của bà K. để mua những bất động sản nào.
“Trong vòng 2 năm, bị cáo đã trả cho bà K. tổng cộng 200 tỷ đồng tiền lãi, cao hơn lãi suất quy định của ngân hàng Nhà nước 150%. Do đó, bị cáo đề nghị HĐXX cấn trừ số tiền đã trả lãi cho bà K. vào số tiền đã chiếm đoạt”, Luật khẳng định tại tòa.
Luật sư bào chữa cho Luật cũng cho rằng, bà K. có dấu hiệu cho vay nặng lãi và cần làm rõ có hay không dấu hiệu của tội danh này. Tuy nhiên, lời khai này không được đại diện VKS và cả HĐXX chấp nhận, bởi trên giấy tờ thực tế, Luật mới chỉ trả được cho bà K. một phần rất nhỏ trong số tiền Luật đã chiếm đoạt.
Ngoài ra, bị cáo Luật cho rằng gia đình có hoàn cảnh khó khăn, xin HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà K. cho rằng, không có căn cứ cho rằng bà K. cho vay vượt 150% mức lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước. Việc bà K. cho bị cao vay tiền xuất phát từ mối quan hệ thân thiết giữa mẹ bị cáo và bà K., chứ bà K. không phải người tiếp cận, mồi chài cho Luật vay tiền. Quan điểm này được đại diện VKS đồng tình.
Luật sư của bà K. cũng cho rằng, bị cáo Luật lợi dụng chức vụ, quyền hạn tại chi nhánh ngân hàng của mình để rút các khoản tiền của bà K. gửi trong các sổ tiết kiệm, sau đó đề nghị bà K. chuyển thành giấy nợ cá nhân, có dấu hiệu phạm vào tội Tham ô tài sản và liên quan rất lớn đến trách nhiệm của ngân hàng.
Do đó, luật sư đề nghị HĐXX kiến nghị cơ quan CSĐT bộ Công an làm rõ dấu hiệu của hành vi này và truy trách nhiệm dân sự liên đới đối với ngân hàng nêu trên.
Đồng thời, luật sư của bà K. cũng kiến nghị HĐXX đề nghị điều tra làm rõ hành vi có dấu hiệu đồng phạm của Nguyễn Thị Thu Sương (vợ Luật), Huỳnh Thị Thúy Kiều (em ruột Luật) và một số cá nhân là người thân trong gia đình của bị cáo Luật để xem xét trách nhiệm hình sự.
Tại tòa, đại diện Vietinbank cho rằng những lập luận của luật sư bảo vệ bị hại là không có căn cứ, không xác định được việc Luật rút tiền ra khỏi tài khoản tiền gửi thành khoản vay cá nhân. Do đó, đại diện ngân hàng không thừa nhận trách nhiệm dân sự (nếu có) trong vụ án này. Trong phần phát biểu quan điểm giải quyết vụ án tại tòa, đại diện VKSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Luật từ 17 đến 19 năm tù.
Được nói lời sau cùng, bị cáo Luật quay về phía gia đình bị hại nói lời xin lỗi với bà K. và cảm ơn luật sư bào chữa cho mình. Sau giờ nghị án, HĐXX nhận định, căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, có đủ căn cứ xác định bị cáo Luật phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thuộc trường hợp đặc biệt nguy hiểm với số tiền chiếm đoạt trên 500 triệu đồng.
Bị cáo là người có đầy đủ nhận thức và năng lực nhưng vì động cơ vụ lợi đã bất chấp pháp luật thực hiện hành vi phạm tội nên cần tuyên mức án nghiêm khắc. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, trong quá trình điều tra, xét xử, bị cáo thành khẩn khai báo. Ngoài gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị cáo đã tự nguyện khắc phục hậu quả nên xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Cuối cùng, tòa tuyên phạt bị cáo Luật 20 năm tù, buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại. Phạt bổ sung bị cáo số tiền 50 triệu đồng sung công quỹ Nhà nước.
Về 21 tài sản Luật nhờ người thân đứng trên mua bằng nguồn tiền vay của các bị hại trong đó chủ yếu của bà K., tòa tiếp tục duy trì kê biên để đảm bảo thi hành án... Bà K. có thể khởi kiện dân sự nếu có tranh chấp về tài sản.
C.T
Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 106