+Aa-
    Zalo

    Nguyên bí thư Hội An Nguyễn Sự và câu chuyện xây 8 phòng nghỉ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nguyên bí thư Hội An Nguyễn Sự nhớ lại những ngày xây 8 phòng nghỉ. Đây là bước đi đầu tiên định hướng Hội An sẽ phát triển mạnh về du lịch.

    Nguyên bí thư Hội An Nguyễn Sự nhớ lại những ngày xây 8 phòng nghỉ. Đây là bước đi đầu tiên định hướng Hội An sẽ phát triển mạnh về du lịch.

    Mâu thuẫn giữa đồng tiền và “gìn giữ linh hồn” phố Hội

    Đầu tháng 12 này là 19 năm kể từ ngày Đô thị cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, tôi có dịp gặp nguyên bí thư Hội An Nguyễn Sự. Dù đã xin về nghỉ hưu sớm, nhưng ông vẫn còn để tâm vào cái nơi mình từng gắn bó bằng cả cái đầu tỉnh táo và trái tim thuần hậu.

    Ông bảo: Hội An giờ quá mong manh vì nó quá đẹp, mang đầy ý nghĩa văn hóa. Mà văn hóa tưởng bền vững nhưng thật ra rất mong manh. Bền vững khi mình chăm chút vì lo lắng cho nó để nó không bị “vỡ”. Nếu chủ quan, thỏa mãn và tự hào để tự cao tự đại tự tôn thì nó sẽ vỡ ngay từ văn hóa nếp sống, cảnh quan và không có hồn phách”.

    Trong câu chuyện, nguyên bí thư Hội An luôn đề cao “linh hồn” của Hội An.

    Phòng trưng bày ảnh, trang phục quý về các dân tộc Việt Nam tại Hội An của nhiếp ảnh gia người PhápRéhahn 

    Nhất là, sau một thời gian dài khảo sát ý kiến và nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ từ người dân, thành phố Hội An chính thức công bố đề án “Hội An – nhân tình thuần hậu”.

    Đề án “Hội An – nhân tình thuần hậu” được kỳ vọng sẽ khơi gợi lại những bài học quý giá về đạo đức, lối sống của các thế hệ đi trước, từ đó thay đổi nhân sinh quan của thế hệ hôm nay theo hướng tích cực hơn.

    Nguyên bí thư Nguyễn Sự nói: “Nhân tình thuần hậu” là 1 cách để làm cho Hội An đẹp hơn khi có các thế hệ sau tiếp nối. Đây cũng là một cách làm.

    Lâu nay, Hội An đã vậy rồi, giờ ra thêm đề án này để “hâm nóng” lại, tạo ra nếp sống tốt đẹp. Nhưng đề án không chỉ là của dân Hội An mà bất cứ ai đến sinh sống, làm việc ở Hội An cũng là đối tượng của đề án này và nếu chỉ làm phạm vi phố cổ là không đủ. Ông cho rằng, anh em lãnh đạo Hội An đã có “cái tốt” khi xây dựng đề án này. Bởi con người Hội An tạo nên giá trị của Hội An.

    Sống trong một di sản của khu phố mà ông bà để lại từ thế kỷ 16-17-18. Cha ông họ từng giao lưu buôn bán nước ngoài. Giờ là lịch sự lặp lại một kiểu khác.

    Nguyên Bí thư Nguyễn Sự ví Hội An như món chè đậu ván vừa giản dị nhưng lại sang trọng.

    Ông Nguyễn Sự kể: “Chiều 1/12/1999, tôi nhận được thông tin đã thông qua Hội An là Di sản văn hóa Thế giới nhưng 4/12/1999 mới ra nghị quyết. Sáng 2/12 nghe tin, dân Hội An xuống đường bằng cả tấm lòng phấn kích, vui sướng tự hào, và trách nhiệm chứ không phải kiểu phong trào.  Kỷ niệm 19 năm là dịp mỗi con người Hội An nhìn lại mình. Kể cả người gắn bó lâu năm và người mới đến.

    Họ nhận ra mình đã làm những gì và chưa làm được gì. Cái gì tốt rồi chưa phù hợp. Hội An là di sản nhưng cần có bộ mặt mới sức sống mới chứ không thể “ăn” vào quá khứ mãi.  Người thay đổi, địa phương thay đổi là bình thường nhưng thay đổi theo hướng nào tích cực hay tiêu cực trong thời đại kim tiền giữa giá trị thật và ảo lẫn lộn.

     “Nhiều người nước ngoài rất thích Hội An. Họ cho rằng vì Hội An khác biệt, giữ được những ngôi nhà cổ, khu phố cổ, rồi những chiếc đèn lồng nữa. Con người thì thân thiện lắm nên họ thích.

    Nhưng thời gian gần đây, Hội An đông đúc quá, hàng quán, bar được mở nhiều. Ông có thấy chính quyền sẽ phải cân nhắc và giằng xé lắm khi vừa phải đề ra mục tiêu phát triển GDP vừa phải gìn giữ sự thanh bình, sâu lắng – linh hồn của Hội An không? Không phải vì đồng tiền, vì GDP mà cấp phép kinh doanh tràn lan, mà phải đánh đổi mất những thứ khác?”

    “Mỗi cá nhân đều mong muốn làm giàu, có thật nhiều tiền, làm gì để giàu, điều đó không xấu. Mỗi địa phương đều muốn có tốc độ tăng trưởng nhanh. Người dân không chỉ ăn no mặc ấm mà cần ăn ngon mặc đẹp. Thu ngân sách được nhiều, mong muốn của người lãnh đạo không hề xấu. Lãnh đạo mà nghĩ rằng bình bình thì không được. Nếu chỉ nghĩ là nước chảy bèo trôi thì cũng là bi kịch cho nhân dân nơi đó. Nhưng tăng trưởng bằng mọi giá, mọi biện pháp và đánh đổi thì lại là bi kịch lớn nhất. Sự tăng trưởng của địa phương không phải là chăm chăm vào thu đồng bạc ngân sách, bán được bao nhiêu lô đất, đấu giá đô thị… Không chỉ chăm chăm vào phương tiện hiện đại, nhà có bê tông mọc lên. Điều lớn hơn là sự giàu có dựa trên nền tảng và nguồn lực nào, giải pháp nào cho sự giàu có và phát triển. Ví dụ địa phương khai thác tài nguyên, cây trên rừng, lấp ao hồ phân lô bán lẻ.

    Đôi lúc nhìn vào thì thấy phố phường khang trang, đường xá rộng rãi, nhà cửa tươm tất nhưng hệ quả phá rừng thì khô kiệt nguồn nước. Tài nguyên cát thì lở sông, lở biển. Lấp ruộng lấp ao hồ, thì ảnh hưởng đời sống dân.

    Phát triển đô thị cần dựa trên nền tảng công nghiệp, du lịch, dịch vụ chứ không phải là lấp đầy đất. Hiện nay, tình trạng phát triển là không theo quy luật nào mà theo ý kiến chủ quan của lãnh đạo. Phát triển mà giữ được tài nguyên thiên nhiên, lối sống của dân là điều đáng quý”.

    Câu chuyện xây 8 phòng nghỉ

    Nhớ lại những ngày đầu, định hướng phát triển du lịch ở Hội An, gặp biết bao gian nan. Nguyên bí thư Hội An kể: Ở Hội An, diện tích đất ít, đất nông nghiệp Hội An thấp nên nông nghiệp không phải thế mạnh. Dân Hội An gia công hàng thủ công mỹ nghệ mành trúc chiếu cói… cho Liên Xô và Đông Âu. Liên Xô sụp đổ thì dân Hội An thất nghiệp.

    Đến năm 1993, Hội An mới bắt đầu tập làm du lịch. Lúc ấy, Hội An chọn ngư nghiệp là mũi nhọn. Đây là năm mà Nghị quyết của thị xã bắt đầu nêu vấn đề phát triển du lịch. Du lịch trong tâm thức người lãnh đạo là khách sạn, nhà nghỉ không nghĩ gì hơn nữa, không hiểu du lịch. Lúc ra nghị quyết còn có ý kiến ra vào, nhiều người lo lắng, Hội An có làm du lịch đâu, mới mẻ, hiểu biết du lịch ít. Sợ khách không đi thì dân không có thu nhập.

    Lúc đó, Hội An bắt đầu bằng việc xây 8 phòng nghỉ thuộc 1 doanh nghiệp nhà nước. Thị xã Hội An bấy giờ cho vay 300 triệu đồng từ ngân sách.

    Nhiều người phản đối, có những Đại biểu Hội đồng nhân dân phát biểu: “Bệnh viện thiếu giường, trường thiếu ghế, mà đầu tư 300 triệu và cái không đâu vào đâu”.

    Thời điểm đó, các lãnh đạo đi từ chiến tranh ra, giờ có đồng chí đã mất, có người nghỉ hưu. Bí thư là chú Phan Lịch, chủ tịch HĐND Nguyễn Hưng và chủ tịch ủy ban là ông Phạm Văn Tín. Họ quyết liệt và đã nhận thức ra vấn đề cần chuyển dịch ngành kinh tế lúc bấy giờ. Thời điểm đó, khách đến Hội An không nhiều chỉ khoảng 50 -70 khách Tây/năm. Giờ khách du lịch lên tới 3,2 triệu khách du lịch/năm hiện nay.

    Năm 1995 bán vé thông quan  được 53 triệu, trong khi tiền in vé và tiền cho người bán vé là 57 triệu. Đến năm 2017, Hội An thu 300 tỷ tiền bán vé tham quan.

    Như vậy, du lịch phát triển giữ tỷ trọng quan trọng 75% tỉ trọng GDP của thành phố mà trước đó là con số 0. Quan trọng hơn, là du lịch Hội An phát triển trên nền tảng văn hóa và quay trở về làm cho văn hóa lung linh hơn. Du lịch ở Hội An mang tính cộng đồng, không dồn vào doanh nghiệp mà mỗi người dân đều được hưởng lợi.

    “Nghe nói khi ông làm Chủ tịch rồi Bí thư Hội An, nhà ông từng bị dọa đốt, vợ ông từng phải chịu những lời nói không hay, điều gì khiến ông có thể vững vàng đến thế?”

    Cựu bí thư Hội An Nguyễn Sự cho rằng: Trước khi Hội An được công nhận di tích thì cần phải có quy chế quản lý khu phố cổ Hội An. Nếu đợi thủ tục từ trên thì sẽ rất lâu nên chúng tôi chủ động thực hiện.

    Hội An: Ảnh Trần Đức Tài

    Khi quy chế ra thì có nhiều người phản đối lắm, dân còn dọa đốt nhà tôi. Có 1 quy chế là không đi ô tô, xe máy vào phố cổ như Bạch Đằng, Trần Phú, Lê Lợi… Dân thì có hàng vạn người, dân phản đối. Khu phố cổ chật chỉ cần xe 30 chỗ vào sẽ không có chỗ, xe cộ vào thì nhà cửa bị xuống cấp nhanh. Và nếu người dân đi bộ, họ sẽ dễ dàng mua, chọn hàng hơn. Việc cấm xe tạo nên môi trường bình yên, sau dân thấy lợi nên ủng hộ.

    Không ai giữ bằng dân giữ. Họ hiểu và họ sẽ tự giữ vì sẽ mang lại lợi ích cho chính dân, không phải cho cán bộ nào cùng biện pháp hành chính cả.

    Tôi chả có gì phải lung lay, tôi chỉ nghĩ làm cái gì tốt đẹp, làm cho xã hội ngay ngắn, trật tự, dân được hưởng lợi từ đó. Đã làm nhất định có áp lực, phản ứng thái quá, nhưng mình sẵn sàng trả giá.

    Nếu không thành công, nếu có bị kỷ luật thì tôi thấy bình thường chả có gì phải nặng nề. Nếu tính toán nhiều quá cho mình thì không làm được. Có  những lần, vợ đi chợ trên Hội An họ nói điều ong tiếng ve là tôi gây khó cho dân. Tôi đã bảo vợ: “Anh làm vì dân thôi, em cố gắng chịu đựng đi”.

    Tính cách Nguyễn Sự vẫn vậy, ông vừa mềm mỏng, chân tình nhưng cũng vừa quyết liệt. Thế nên, sau những năm tháng làm việc tại thành phố Hội An, ông vẫn giữ được tình yêu sâu đậm với Hội An, vẫn dành tâm tư cho nó.

    Hiện nay, Khu phố cổ Hội An vẫn được bảo tồn như nguyên trạng một quần thể kiến trúc cổ gồm với các công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ ... Những đường phố chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ với màu rêu phong cổ kính như một bức tranh sống động.

    Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị. Hiện nay, Hội An có 1.360 di tích danh lam thắng cảnh được phân thành: 1.068 nhà cổ, 19 chùa, 43 miếu thờ thần linh, 23 đình, 5 hội quán, 11 giếng nước, 1 cầu, 44 ngôi mộ cổ.

    Tại hội nghị lần thứ 23 của Ủy ban Di sản thế giới họp tại Marrakesh (Morocco), ngày 01 tháng 12 năm 1999 đã công nhận Khu Phố cổ Hội An là Di sản văn hóa thế giới các tiêu chí sau: 1. Là một sự biểu thị vật chất nổi bật của sự hòa trộn của các nền văn hóa vượt thời gian tại một thương cảng quốc tế; 2. Là một điển hình nổi bật về bảo tồn một thương cảng châu Á cổ truyền.

    Nguyễn Tâm

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguyen-bi-thu-hoi-an-nguyen-su-va-cau-chuyen-xay-8-phong-nghi-a254721.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan