Hơn 40.300 dân Indonesia phải sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm ở các tỉnh Banten và Lampung do cảnh báo nguy cơ sóng thần.
Nằm trên "Vành đai lửa" của Thái Bình Dương, Indonesia thường xuyên hứng chịu thảm họa động đất, sóng thần.
Ngày 28/12, giới chức Indonesia đã ban bố lệnh sơ tán quy mô lớn ở các khu dân cư dọc eo biển Sunda sau khi cảnh báo nguy cơ xảy ra một trận sóng thần thứ 2 do tác động từ đợt phun trào của núi lửa Anak Krakatau cuối tuần qua.
Cảnh đổ nát sau thảm họa sóng thần tại Pandeglang, tỉnh Banten, Indonesia ngày 24/12/2018. Ảnh: TTXVN |
Theo Cơ quan Quản lý Thảm họa quốc gia Indonesia, có khoảng hơn 40.300 người dân nước này phải sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm ở các tỉnh Banten và Lampung.
Theo các số liệu mới nhất, số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa sóng thần tàn phá khu vực xung quanh eo biển Sunda là 426 người, trong khi 7.200 người bị thương - tăng mạnh so với con số 1.400 người trước đó.
Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang khẩn trương tìm kiếm những nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát sau khi núi lửa Anak Krakatau phun trào ngày 22/12 vừa qua gây ra thảm họa sóng thần.
Giới chức địa chất Indonesia ngày 27/12 đã nâng mức cảnh báo tại Anak Krakatau lên mức cao thứ 2 trên thang đo 4 mức.
Đồng thời, đưa ra cảnh báo mới về khả năng xảy ra sóng thần do núi lửa hoạt động mạnh. Người dân cũng được khuyến cáo không đi vào khu vực cách miệng núi lửa 5 km. Vùng cấm này được mở rộng từ mức 2 km trước đây.
Núi lửa Anak Krakatau phun tro bụi khổng lồ. Ảnh: Reuters |
Cùng ngày, Indonesia đã điều hướng lại các chuyến bay xung quanh khu vực núi lửa Anak Krakatau, nằm giữa các đảo Java và Sumatra.
Không chỉ vậy, sáng 28/12, trận động đất có cường độ 6,1 đã làm rung chuyển tỉnh Papua Barat, miền Đông Indonesia. Rất may là trận động đất không gây bất cứ thiệt hại về người và vật chất.
Tuy vậy, nó vẫn khiến người dân Indonesia vô cùng hoảng sợ bởi nó chỉ xảy ra khoảng một tuần sau cơn sóng thần khiến hàng trăm người tử vong.
Vi An (T/h)