+Aa-
    Zalo

    Nguy cơ "phá sản" VNEN:Ai chịu trách nhiệm việc "thí nghiệm” tương lai đất nước?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mô hình GD mới (VNEN) gây chú ý khi một số tỉnh sau nhiều năm triển khai xin dừng nhân rộng.Ở Nghệ An, phụ huynh kéo đến trường phản đối việc con họ phải học mô hình này.

    (ĐSPL) - Mô hình giáo dục mới (VNEN) tiếp tục gây chú ý, khi một số tỉnh sau nhiều năm triển khai xin dừng nhân rộng. Đặc biệt, tại Nghệ An, phụ huynh kéo đến trường phản đối việc con họ, những tương lai của đất nước phải theo học mô hình này.

    VNEN từng được ngành giáo dục kỳ vọng làm thay đổi cả thầy và trò đang đứng trước nguy cơ “phá sản”. Điều gì khiến nó bị phản đối và liệu đề án kết thúc, bộ GD&ĐT có hết trách nhiệm?

    “Giọt nước tràn ly”

    Lần thứ hai trong vòng một tuần qua, phu huynh đến trường tiểu học Nguyễn Trãi (P.Quán Bàu, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) phản đối chương trình học VNEN. Theo các bậc phụ huynh, VNEN không phù hợp với con em họ. Hầu hết phụ huynh đều bày tỏ lo lắng và kiến nghị nhà trường dừng chương trình mô hình trường học mới với các lý do như thế ngồi học không phù hợp, ảnh hưởng cột sống, vai và thị lực. Học sinh tiếp thu chương trình học mới chậm, kết quả yếu.

    Tại Hà Tĩnh, không phải đến trường phản đối, song nhiều phụ huynh đã vui mừng khi biết tỉnh nhà không nhân rộng mô hình này trong năm học mới. Quả thật, sự mạnh dạn của học sinh ở lớp theo mô hình VNEN không thể phủ nhận, nhưng đó là đối với các trưởng nhóm, các thành viên trong hội đồng tự quản lớp. Những học sinh còn lại được gì thì chỉ phụ huynh mới rõ nhất. PV còn nhơ một lần được phòng Giáo dục & Đào tạo quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội sắp xếp tham gia một tiết học toán theo mô hình VNEN của học sinh THCS trên địa bàn. Điều đọng lại với PV khi tham gia lớp học là sự e ngại của giáo viên và sự say sưa kể về việc làm lãnh đạo của một số em có “chức sắc” trong lớp.

    Đặc biệt, chúng tôi tha thiết được nghe bất cập, khó khăn với học sinh của trường này khi tổ chức lớp học theo VNEN. Vị hiệu trưởng ngay lập tức “phủ đầu” chúng tôi bằng khẳng định chắc nịch: “Đây là chủ trương và chỉ “bàn tiến, không bàn lùi”! Tiếc rằng, mô hình này không phát huy được yếu tố tích cực như vị này khẳng định.

    Mô hình lớp học VNEN.

    Một chuyên gia giáo dục cho rằng, nguồn gốc của VNEN đến từ Colombia. “Do có những vùng hẻo lánh, sỹ số học sinh không đủ cho một lớp, học sinh bao gồm nhiều trình độ cùng học trong một phòng, hay nói cách khác là lớp ghép, nên họ áp dụng cách chia nhóm vì giáo viên không thể cùng một lúc giảng giải cho nhiều nhóm trình độ. Mô hình này mang tính tình huống chứ không ưu việt. Ở Việt Nam, các cháu được học theo từng lớp, đa số đúng độ tuổi và có giáo viên chủ nhiệm cho từng lớp, vậy hà cớ gì mà lại đem cái mô hình giáo dục bất đắc dĩ này áp dụng tại Việt Nam”, vị này đặt câu hỏi.

    Đề án kết thúc, ngành giáo dục hết trách nhiệm?

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Lý do của việc thất bại mô hình VNEN là áp dụng có thể tốt với nước khác, nhưng với hoàn cảnh Việt Nam không thích hợp, dẫn đến việc làm theo kiểu thành tích, đối phó”.

    Theo ông Nhĩ, nhận xét học sinh không qua chấm điểm thì phải sát học sinh mới làm được, nhưng với lớp 40-50 học sinh, giáo viên làm sao sát hết nhận xét được? Từ chỗ không sát, không nhận xét chính xác, giáo viên đối phó bằng cách nhận xét nào cũng giống nhận xét nào. Vậy nhận xét làm gì? Tiếp nữa là làm các con dấu đóng qua, đóng lại không thực chất dẫn đến có hại hơn có lợi. Nước họ, lớp rộng hàng trăm m2, học sinh có thể di chuyển rồi quay lại nhóm còn chúng ta, bàn trên quay lại bàn dưới không ra được nhóm. Lớp học đông, học sinh không được giáo viên sâu sát hướng dẫn tự học, nên học không hiệu quả, phụ huynh phản đối, lý do rất rõ như vậy”.

    Theo tìm hiểu của PV, dự án VNEN kết thúc vào tháng 5/2016. Sau 4 năm thực hiện, mô hình VNEN được bộ GD&ĐT rầm rộ triển khai mang lại được gì hay lại là “rút kinh nghiệm” sau hàng loạt ý kiến phản đối. Đặc biệt, 4 năm, hàng nghìn học sinh tiểu học, THCS được đưa ra làm “chuột bạch”, ai sẽ cho các em lời lý giải thỏa đáng hay dự án kết thúc, bộ GD&ĐT cũng hết trách nhiệm?

    Chia sẻ về việc nếu mô hình VNEN “phá sản”, ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi học sinh bị đưa ra làm “chuột bạch”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ thẳng thắn: “Trách nhiệm chắc chắn thuộc về ngành giáo dục. Đề án nghiên cứu thực hiện mà không có sự cân nhắc, áp dụng mà không thành công thì phải chịu trách nhiệm. Đó là điều hiển nhiên. Hàng nghìn trường tiểu học, THCS trên cả nước thực hiện, kinh phí cho tập huấn, thiết bị giáo dục... tiêu tốn số tiền không hề nhỏ”.

    Vị nguyên Thứ trưởng cũng liên tưởng về câu chuyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi” để nói về mô hình VNEN. “Vấn đề là chúng ta phải nhìn tổng thể. Mô hình đó có thể hay với nước họ, nhưng lại dở với nước mình. Mô hình VNEN không phù hợp với điều kiện của VN nên phụ huynh phản đối là đúng thôi. Và điều này đã được nhiều chuyên gia giáo dục dự báo ngay từ lúc triển khai, tiếc là bộ GD&ĐT đã bỏ qua các góp ý này”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.

    TS Lê Viết Khuyến, nguyên là Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT) chia sẻ: “ Có một kinh nghiệm từ giáo dục đại học tôi thấy THPT nên học hỏi. Hiện nay, nếu mà đóng cửa không học tập kinh nghiệm của quốc tế, của nước ngoài mà đóng cửa tự biên tự diễn trong xu hướng hội nhập quốc tế là điều không ổn. Nhưng tiếp thu những kinh nghiệm nước ngoài thì mỗi nước có điều kiện khác nhau. Có một nguyên tắc là phải cố gắng thận trọng, xem xét xem mô hình ở nước họ thành công nhưng ở Việt Nam có giống? Có khi rất nhiều cái hay ghép vào với nhau, lại dẫn đến “tẩu hỏa nhập ma” nên phải đảm bảo tính hệ thống của chương trình. Một điều nữa mà tôi rất băn khoăn là trên thế giới có rất nhiều nước nền giáo dục phát triển, ngành giáo dục không học hỏi mà lại học hỏi một mô hình của một nước không phải ưu việt về giáo dục”.

    PV báo ĐS&PL đã liên lạc với ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng vụ Giáo dục tiểu học, bộ GD-ĐT để trao đổi xung quanh việc phụ huynh nhiều nơi kéo đến trường phản đối con họ học lớp theo mô hình VNEN. Đặc biệt là trách nhiệm của ngành giáo dục đến đâu nếu mô hình VNEN “phá sản”. Tuy nhiên, chúng tôi chưa nhận được hồi đáp của ông Định.

    Đánh giá học sinh A, B, C: “Bình mới rượu cũ”!

    Bộ GD&ĐT vừa giới thiệu dự thảo Thông tư 30 (bỏ chấm điểm học sinh tiểu học) sửa đổi nhằm lấy ý kiến dư luận trước khi ban hành chính thức vào đầu năm học 2016-2017. Có 3 đề xuất thay đổi quan trọng. Trong đó, thay đánh giá Đạt hay Không đạt bằng 3 mức A, B, C; bỏ Sổ theo dõi chất lượng giáo dục để giảm tải cho giáo viên... Thông tư 30 trước đây đánh giá kết quả học tập chỉ có hoàn thành hoặc chưa hoàn thành, Đạt hay Chưa đạt, chưa trả lời được câu hỏi đạt thế nào. Dự thảo sửa đổi theo hướng giữa và cuối mỗi học kỳ, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên, chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học để đánh giá học sinh theo 3 mức A, B, C.

    ĐỖ THƠM

    [mecloud]ZlfVzrFkoM[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguy-co-pha-san-vnenai-chiu-trach-nhiem-viec-thi-nghiem-tuong-lai-dat-nuoc-a146364.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan