Quân đội Nga liên tục tiến gần hơn về thành phố Pokrovsk - trung tâm hậu cần quan trọng ở Donetsk, miền Đông Ukraine. Chính giới chỉ huy quân sự Ukraine cũng thừa nhận tình hình ở khu vực này hiện rất khó khăn.
Ukraine từng kỳ vọng chiến dịch đột kích xuyên biên giới nhằm vào tỉnh Kursk của Nga sẽ buộc đối phương phải rút một số trung đoàn và lữ đoàn giỏi nhất khỏi mặt trận miền đông và giảm bớt áp lực cho quân đội nước này ở các khu vực dễ bị tổn thương nhất như Pokrovsk. Tuy nhiên, Nga đến nay vẫn gần như giữ vững đà tiến công khó thể cản phá nhằm vào thành trì này.
Theo Đại tá Markus Reisner - một sĩ quan lục quân Áo kiêm nhà sử học quân sự, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Học viện Quân sự Theresien ở Vienna, Pokrovsk tạo thành xương sống của tuyến tiếp viện cho phòng tuyến của Ukraine từ Vuhledar đến phía bắc của tỉnh Donetsk.
Quân Nga tiến công như vũ bão ở khu vực này là nhờ sự thất thủ của Avdiivka thuộc vùng Donbass và nằm cách Pokrovsk khoảng 25km về phía Đông vào tháng 2/2024. Ban đầu Ukraine xác định Avdiivka là thị trấn pháo đài với nhiệm vụ bảo vệ các thành phố, thị xã, thị trấn, các tuyến đường bộ và đường sắt ở miền Đông Ukraine.
Tuy nhiện, từ tháng 2, Pokrovsk đã thay thế Avdiivka để đảm nhận vai trò này. Quân Nga hiện đã đột phá qua 2 phòng tuyến của Ukraine và đang thít chặt vòng vây quanh thành trì kiên cố cuối cùng này của Ukraine, đặt quân đội đối phương vào thế nguy cấp chưa từng thấy.
Nếu Nga kiểm soát thành công thị trấn chiến lược này, thế trận Ukraine đứng trước nguy cơ sụp đổ dây chuyền cực nguy hiểm. Đài DW dẫn thông tin từ chuyên gia quân sự Gustav Gressel tại Berlin của Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR) nhận định, lực lượng Nga có thể sẽ san phẳng trung tâm hậu cần Pokrovsk, kịch bản xấu nhất là Nga đánh giành được quyền kiểm soát toàn bộ tỉnh Donetsk.
Trong khi đó, theo Forbes, Ukraine đã khẩn trương triển khai Lữ đoàn Kara-Dag - một đơn vị tấn công chủ chốt để tăng cường phòng thủ xung quanh Pokrovsk. Lữ đoàn nàygồm khoảng 2.000 binh lính, đã được chuyển từ vị trí thường trực ở miền nam Ukraine sang mặt trận phía đông.
Được thành lập vào năm 2014 và tái cấu trúc nhiều lần, Lữ đoàn Kara-Dag đã chứng kiến cuộc chiến dữ dội vào năm 2022 và được trang bị vũ khí hạng nặng bao gồm cả xe tăng T-64. Do yêu cầu của cuộc chiến, lữ đoàn này là ví dụ điển hình cho sự chuyển đổi của lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine, từ lực lượng chủ yếu là bán quân sự sang lực lượng hoạt động giống như một lữ đoàn quân đội.
Theo Forbes và DW