Khi tham gia lễ Vu Lan báo hiếu, người đến tham dự sẽ được ban tổ chức lễ hội cài bông hồng hiếu hạnh trên ngực áo. Nghi thức bông hồng cài áo không chỉ gợi lên lòng tôn kính cha mẹ mà còn là dịp thắp lên ngọn lửa ấm áp của lòng nhân từ để lan tỏa tình thương trong cuộc sống.
Nguồn gốc lễ Vu Lan báo hiếu
Xuất phát từ truyền thuyết Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan vào ngày rằm tháng 7 hàng năm là để tưởng nhớ công an cha mẹ đã có công nuôi dưỡng.
Người dân cầu an cho cha mẹ trong ngày Lễ Vu Lan. - Ảnh: Vnexpress |
Theo kinh Vu Lan, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, để tưởng nhớ và muốn biết mẹ bây giờ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp thế gian để tìm. Thấy mẹ mình vì gây nhiều tội ác mà phải sanh làm ngạ quỷ, bị cực hình ở cảnh giới địa ngục, thân thể bà tiêu tụy vì đói khát, ông đã đem cơm do tín thí cúng dường xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm đi không co các cô hồn khác đến tránh cướp, vì vậy khi đưa bát cơm lên đến miệng thì bị hóa thành lửa đỏ.
Đức Phật dạy rằng: Kiền Liên thần thông quảng đại nhưng một mình không thể cứu được mẹ do ác nghiệp của bà quá nặng, chỉ còn cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong thành công. Vào ngày Rằm tháng bảy, nhân lúc chư tăng mãn hạ (sau 3 tháng an cư kiết hạ) thì sửa một cái lễ đặt vào trong chiếc chậu để dâng cúng và thành khẩn cầu xin mới có thể cứu rỗi vong nhân khỏi địa ngục tăm tối.
Mục Kiền Liên thành tâm làm theo lời Phật dạy và không những cứu được mẹ mà còn giải thoát được tất cả vong hồn bị giam cầm ở âm cung. Từ đó ngoài ý nghĩa "mùa hiếu hạnh", tháng bảy Âm lịch còn gọi là tháng "xá tội vong nhân", tức là thời gian các vong hồn được thả tự do. Trong những ngày này, người dân thường lập đàn cầu siêu hoặc cúng thí (bố thí) thức ăn cho các cô hồn (tức là vong hồn không có người thân) để mong họ phù hộ cho mình.
Từ đó về sau theo lời Phật dạy, các phật tử muốn báo hiếu cha mẹ cũng cử hành lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành và cầu phá địa ngục cho những vong hồn. Mặt khác dân gian còn gọi tháng bảy là "tháng cô hồn" không đem lại may mắn, người ta thường tránh khởi sự làm ăn mua bán xây nhà trong thời gian này.
Vì sao xuất hiện nghi thức bông hồng cài áo?
Nghi thức Bông hồng cài áo theo Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam xuất phát từ áng văn viết về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được viết vào những năm 1960.
Bông hồng cài áo là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý. Ảnh: Pháp luật Việt Nam |
Trong một chuyến công tác tại đất nước Nhật Bản, Thiền sư lấy làm lạ khi thấy người Nhật thành kính cài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm "Bông Hồng Cài Áo" vào tháng 8 năm 1962.
Ý nghĩa nghi thức bông hồng cài áo lễ Vu Lan
Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Với ý nghĩa đó, nhiều người Việt Nam cứ đến ngày Vu Lan đều cài một bông hoa màu hồng lên áo, ấy là biểu tượng của việc còn Mẹ - Cha. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng.
Người có hoa hồng hẳn sẽ tự hào vô cùng vì trên đời này còn có Mẹ - Cha. Ai mang hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm. Vu Lan là dịp đặc biệt để giới trẻ sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn.
Những người đến chùa đều không quên dừng lại để cài lên ngực một bông hồng, để nhắc nhớ về công ơn của cha mẹ. Bông hồng màu đỏ cho những ai may mắn còn cha mẹ trên đời, bông hồng màu hồng cho những người còn mẹ mất cha và bông hồng trắng cho những người kém may mắn khi không còn cha và mẹ trên đời.
Bông hồng là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực hoa hồng cao quý là tình cảm đẹp nhất, kính trọng nhất đối với bậc sinh thành. Mang ý nghĩa sâu sắc đó, nhiều người Việt Nam khi đến ngày Vu Lan đều cài một bông hồng trên áo.
Quỳnh Chi (T/h)