Nguồn gốc của tục lì xì đầu năm mới
Mừng tuổi, lì xì là một tên gọi của tục lệ trong dịp Tết Nguyên đán ở các nước Á Đông và Việt Nam. Nguồn gốc của phong tục này cũng được thêu dệt ra khá nhiều câu chuyện.
Có chuyện kể rằng ngày xưa, ở Đông Hải có rất nhiều yêu quái thường xuyên gây hại bá tánh, song những ngày thường chúng luôn bị các thần tiên ở hạ giới canh giữ. Tuy nhiên, hàng năm các vị thần tiên đều phải về trời vào thời điểm giao thừa. Lúc này, yêu quái lộng hành quấy rối trẻ em đang ngủ, khiến trẻ thường giật mình khóc thét và bị sốt, nên bố mẹ thường không dám ngủ để thức canh con trẻ.
Một lần có 8 vị tiên đi ngang nhà kia thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ, cha mẹ chúng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Phép lạ này nhanh chóng lan truyền ra khắp nhân gian, nên khi Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, để trẻ chóng lớn và khỏe mạnh hơn, từ đó trở thành tục lì xì đầu năm như hiện nay.
Lại có câu chuyện kể rằng tiền lì xì được biến thể từ tục "đặt áp tế tiền" - là những đồng tiền được xâu bằng chỉ đỏ, buộc lại theo hình con rồng hoặc thanh kiếm để ở giường hoặc nôi với mục đích chống tà ma, bảo vệ giấc ngủ cho trẻ nhỏ. Theo thời gian, mọi người để tiền trong những bao giấy màu đỏ để trao cho nhau vào dịp năm mới với ý nghĩa chúc nhau sung túc, khỏe mạnh, an khang. Lì xì từ đó trở thành phong tục không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới.
Dù có bao nhiêu “dị bản”, phong tục trao lì xì đầu năm luôn gắn liền với mong ước sức khỏe dồi dào cho những người thân yêu.
Ý nghĩa phong tục lì xì ngày Tết
Lì xì đầu năm là một phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt với mong muốn những điều tốt đẹp may mắn sẽ đến từ những ngày đầu năm mới.
Lì xì không chỉ giới hạn trong mùng một Tết mà có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài đến tận những ngày mùng chín, mùng mười của Tết.
Theo phong tục của người Việt cứ vào sáng mùng Một Tết, tất cả mọi người trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để dùng cơm và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, sau đó cùng nhau đi đến từng gia đình để chúc Tết.
Trong ngày này bố mẹ, ông bà mừng tuổi cho con cháu, con cháu chúc thọ bố mẹ, ông bà, bạn bè, những người thân thiết mừng tuổi cho nhau.
Khi con cháu họ hàng cũng như con cháu bạn bè, nếu còn nhỏ tuổi, đến nhà đều được chủ nhà cho tiền mừng tuổi, nhiều ít tùy tình tuỳ cảnh. Ngược lại, khách cũng mừng tuổi cho con cháu còn nhỏ của chủ nhà.
Tiền mừng tuổi thường cho số lẻ, ngụ ý tiền đó sẽ dư mãi ra. Có thể mừng tuổi bằng tiền hoặc bằng quà, nhưng phải chú trọng đến mặt hình thức, vì ngày Tết ai cũng thích đẹp. Người già khăn áo chỉnh tề ngồi trang trọng trên giường, trên ghế để con cháu đến mừng thọ. Ngược lại, con cháu cũng nhận được ở người trên những lời khuyên ân cần trong cuộc sống.
Linh Chi(T/h)