Cơ quan chức năng đang tìm giải pháp để đăng ký khai sinh cho anh Lê Quốc Dũng - người dân 30 tuổi đang sống giữa Thủ đô Hà Nội - nhưng không hề có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào.
Anh Lê Quốc Dũng cảm thấy mình như một người sống ngoài lề xã hội vì chưa có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. |
Chuyện hi hữu về người đàn ông 30 năm “sống bên lề xã hội”
Chiều tối 17/1, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (bộ Tư pháp) - khẳng định, trong tuần cơ quan này sẽ làm việc trực tiếp với sở Tư pháp Hà Nội, phòng Tư pháp thuộc UBND quận Long Biên và Công an quận Long Biên để có giải pháp đăng ký khai sinh cho anh Lê Quốc Dũng (hiện ở phường Bồ Đề, Long Biên).
Anh Dũng là người đã sống 30 năm ở Hà Nội nhưng chưa từng được khai sinh nên không có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào. "Tôi là trẻ bị bỏ rơi trên phố Cửa Bắc (phường Trúc Bạch, Ba Đình) vào ngày 17/11/1991 khi vừa được 1 ngày tuổi. Sau đó, tôi được gia đình bà K.T.M. đưa về nuôi dưỡng nhưng ở thời điểm đó, tôi không được làm giấy khai sinh", anh Dũng kể lại.
Trong suốt mấy chục năm sống ở nhà bà M., bản thân anh Dũng chỉ được đi học dự thính hết lớp 5. Sau khi bà M. mất, năm 2014, anh rời đi và không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Hơn 6 năm qua, anh Dũng đã cố gắng tìm mọi cách để xin được cấp giấy khai sinh, chứng minh nhân dân nhưng không giải quyết được.
Cụ thể, theo hướng dẫn của sở Tư pháp Hà Nội, anh Dũng tìm đến UBND phường Bồ Đề (nơi đang sinh sống) để đăng ký khai sinh. Tại đây, UBND phường yêu cầu anh Dũng khẳng định một số thông tin và yêu cầu xác minh thêm các nội dung khác ở phường Trúc Bạch, phường Phúc Xá (Ba Đình) - nơi anh từng cư trú.
Mặc dù đã được chính quyền sở tại ở hai phường nêu trên xác nhận việc anh Dũng thường trú tại địa phương trong khoảng thời gian từ năm 1991 - 2009 nhưng UBND phường Bồ Đề vẫn không thể tiến hành đăng ký khai sinh cho người đàn ông này. Nguyên nhân vì sau khi thẩm tra, thẩm định, xác minh và đối chiếu các quy định, UBND phường Bồ Đề không xác định được nguồn gốc sinh ra và lớn lên; không có bản ảnh để xác định bản thân anh Dũng (?!)
"Ở hoàn cảnh như thế này, tôi cảm thấy rất buồn. Không biết tương lai mình sẽ thế nào? Công việc hiện tại cũng bấp bênh với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Nhiều lúc tôi thấy cuộc sống của mình rất cùng quẫn. Không có giấy tờ về nhân thân khiến cuộc sống của tôi rất bấp bênh, cảm giác bản thân như một người "vô hình" sống ngoài lề xã hội", anh Dũng nói.
Khai sinh cho người không có giấy tờ thế nào?
Trao đổi với PV tạp chí Đời sống & Pháp luật, luật sư Phạm Quang Xá - Giám đốc công ty Luật XTVN (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) - cho biết, theo quy định tại Điều 13 luật Trẻ em 2016, trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Điều 30 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định, mỗi cá nhân từ khi sinh ra đều có quyền được khai sinh, kể cả trẻ em chỉ sống được dưới 24 giờ rồi chết mà cha mẹ có yêu cầu. Do đó, tất cả trẻ em dù có cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi... hay bị bỏ rơi (như trường hợp của anh Dũng trong câu chuyện này) đều có quyền được khai sinh theo quy định của pháp luật.
Về thủ tục đăng ký khai sinh, Điều 16 luật Hộ tịch 2014 quy định: Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập...
Luật cũng hướng dẫn cụ thể trình tự đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Theo đó, ngay sau khi phát hiện trẻ bị bỏ rơi, người phát hiện phải ngay lập tức bảo vệ và thông báo cho UBND hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Sau đó, người đang tạm thời nuôi dưỡng, chăm sóc sẽ có trách nhiệm đi khai sinh cho trẻ nếu không có thông tin về cha mẹ đẻ trong thời gian 7 ngày liên tục ra thông báo.
Chi tiết khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi được nêu rõ tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì: Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; Căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam; phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong giấy khai sinh và sổ hộ tịch để trống.
Theo luật sư Xá, đối chiếu với những quy định trên thì anh Lê Quốc Dũng đã không được người phát hiện bị bỏ rơi từ năm 1991 đăng ký khai sinh cho, do đó cũng không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào khác như chứng minh nhân dân, hộ khẩu. Đến giờ, anh này không có một số giấy tờ tối thiểu như giấy chứng sinh hoặc người làm chứng về việc được sinh ra, do đó là một trường hợp hi hữu, không thể giải quyết được theo quy định hiện hành.
“Tuy nhiên, khai sinh là quyền lợi tối thiểu của con người do đó pháp luật cần có sự điều chỉnh để thỏa mãn quyền lợi này trong mọi trường hợp. Việc bộ Tư pháp đang phối hợp với chính quyền địa phương để tìm giải pháp làm khai sinh cho anh Dũng là việc cần thiết”, luật sư Xá nêu quan điểm.
H. YẾN (T/h)
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (11)