(ĐSPL) - “Người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Việc bỏ nhiều tiền hơn đồng nghĩa với việc họ có quyền lực hơn, quyền được đòi hỏi nhiều hơn khi mua sắm. Những sản phẩm tốt hơn, đa dạng hơn và mới mẻ hơn sẽ được ưu tiên”, bà Quỳnh phân tích.
Với sự vận động hiện tại của xã hội, có thể thấy xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam sẽ rất khác chỉ sau vài năm nữa.
Năm 2002, quy mô trung bình một hộ gia đình của Việt Nam là 4,4 người. Mô hình gia đình có từ 3 thế hệ trở lên chung sống với nhau còn phổ biến. Tuy nhiên, con số này đang giảm dần xuống.
Tới năm 2015, con số này chỉ còn 3,8. Một số thành phố lớn như T.p Hồ Chí Minh, con số này là 3,4. Những gia đình chỉ có 2 thế hệ, gồm cha mẹ và con cái dần thay thế hộ gia đình kiểu cũ. Gia đình chỉ có 2 thế hệ cũng là mô hình gia đình của xã hội hiện đại. Nó tỉ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa nhanh - 3,4\% mỗi năm của Việt Nam.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh, giám đốc công ty Nielsen Việt Nam, yếu tố này tác động khá mạnh đến tiêu dùng. Tới năm 2020, thói quen tiêu dùng của người Việt sẽ thay đổi rất khác so với hiện nay.
Những công ty sản xuất sẽ phải điều chỉnh lại để phù hợp với nhu cầu mới của khách hàng. |
“Khi quy mô một gia đình nhỏ lại, thói quen của người tiêu dùng cũng thay đổi. Họ không cần tới những bao bì, sản phẩm kích cỡ lớn như trước nữa. Các hộ gia đình cũng không tích trữ quá nhiều như trước. Thay vào đó, họ mua theo nhu cầu hiện tại mà thôi.”
Cùng với đó, thu nhập hàng tháng theo đầu người ngày càng tăng. Nếu so với năm 2010, chỉ số này đã tăng 44\% vào năm 2012. Thu nhập tăng, các hộ gia đình cũng chi tiêu mỗi tháng nhiều hơn 32\% (2010 so với 2012).
Nielsen Việt Nam dự báo tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng trưởng gần gấp 3, từ 13 triệu người lên 33 triệu người vào năm 2020. Đây sẽ là động lực chính làm thay đổi cách tiêu dùng của người Việt.
“Người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Việc bỏ nhiều tiền hơn đồng nghĩa với việc họ có quyền lực hơn, quyền được đòi hỏi nhiều hơn khi mua sắm. Những sản phẩm tốt hơn, đa dạng hơn và mới mẻ hơn sẽ được ưu tiên”, bà Quỳnh phân tích.
Tầng lớp trung lưu có tâm lý mua sắm rất khác. Thay vì mua sắm cho gia đình với nhua cầu tích trữ như trước, việc có thể chi tiêu thoải mái hơn khiến nhu cầu mua sắm riêng cho bản thân của tầng lớp này cũng gia tăng rất nhiều.
Họ là những người năng động, không ngừng di chuyển với quỹ thời gian ngày càng eo hẹp. Vì thế, họ sẽ ưu tiên những thứ tiện lợi, sẵn sàng, dùng được ngay
"Người Việt Nam kết nối với xu hướng trên thế giới rất là nhiều. Có smartphone ngày càng phổ biến. Thời gian trên Internet ngày càng dài. Người tiêu dùng biết xu hướng trên thế giới đang diễn ra và muốn trải nghiệm tương tự như vậy tại Việt Nam", bà Quỳnh nhận định.
Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường này cũng cho biết, 73\% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả để có chất lượng dịch vụ/sản phẩm cao hơn. |
Người Việt tiết kiệm nhất thế giới
Trước đó, theo báo cáo mới được công bố ngày 20/5, công ty nghiên cứu thị trường Nielsen nhận định, người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục là những người tiết kiệm nhất thế giới (78\%).
Cụ thể, báo cáo của Nielsen cho thấy, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể trong quý I năm 2015. Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có mức độ lạc quan xếp thứ 6 toàn cầu, với chỉ số 112 điểm (tăng 6 điểm so với quý trước đó); số điểm cao nhất kể từ quý II năm 2010.
Báo cáo cũng cho thấy, người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á tiếp tục có niềm tin cao nhất toàn cầu. Với chỉ số 123 điểm (tăng 3 điểm so với quý trước), người Indonesia là người tiêu dùng lạc quan xếp thứ 2 toàn cầu, sau Ấn Độ với 129 điểm. Philippines đứng thứ 3 với số điểm là 115 điểm (giảm 5 điểm), trong khi Thái Lan vẫn đứng ở vị trí thứ 5 với điểm số 114 (tăng 3 điểm).
[mecloud]s2p1VVGFYS[/mecloud]
Theo ông Vaughan Ryan – Tổng Giám đốc công ty Nielsen Việt Nam, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục tăng dù thị trường đang diễn biến chậm chạp. Những gì chúng ta đang thấy ở đây không phản ánh đúng thực trạng của thị trường, mà đúng hơn là phản ánh hy vọng và tâm trạng của người tiêu dùng Việt trong tương lai.
Việt Nam vẫn là một quốc gia rất trẻ và lạc quan, với 57\% dân số dưới 35 tuổi và số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tăng 60\% trong thập niên cuối cùng.
Về chi tiêu, báo cáo của Nielsen cũng chỉ ra rằng, ý định thay đổi chi tiêu để tiết kiệm chi phí gia đình của người tiêu dùng Việt vẫn ổn định ở mức cao kể từ qúy II năm 2014. 86\% người tiêu dùng Việt Nam đã điều chỉnh thói quen chi tiêu của họ trong vòng 12 tháng qua để tiết kiệm chi phí gia đình bởi vì có hơn 50\% người tiêu dùng nghĩ rằng đất nước đang trong thời kỳ suy thoái kinh tế tại thời điểm này.
Bên cạnh đó, hơn 60\% người tiêu dùng Việt Nam đã cắt giảm chi tiêu của họ vào việc mua quần áo mới (62\%) và đã cố gắng tiết kiệm chi phí điện và ga (61\%); 57\% đã cắt giảm các chi phí giải trí gia đình. Bên cạnh đó, hai trong số năm người tiêu dùng đã trì hoãn việc nâng cấp các thiết bị công nghệ (46\%) và việc thay thế các mặt hàng gia dụng lớn (44\%).
Nhìn chung, người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á tiếp tục là những người “khao khát” để dành tiền tiết kiệm nhất thế giới, với gần 61\% người Việt để dành tiền “nhàn rỗi” của mình vào tiết kiệm, tỷ lệ trung bình toàn cầu là 48\%.
Về mức độ tiết kiệm, Việt Nam giữ mức cao nhất trên toàn cầu (78\%), tiếp theo là Indonesia (74\%), Philippines (68\%), Singapore (66\%), Malaysia (65\%) và Thái Lan (64\%).
Mặc dù hầu hết người tiêu dùng Việt đang ưu tiên cho để dành tiền tiết kiệm, nhưng khảo sát này cũng cho thấy rằng, sau khi trang trải hết các chi phí sinh hoạt, gần một nửa số người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi cho các mục lớn như du lịch dịp lễ và nghỉ hè (44\%) và mua các sản phẩm công nghệ mới (40\%).
Ngọc Anh (Tổng hợp)