Phóng sự điều tra luôn được ví như chìa khóa “vạch trần” những “màn kịch đen” trong cuộc sống; những phóng viên thực sự yêu nghề, dũng cảm, can trường mới có thể sẵn sàng khơi tìm sự thật và ghi được dấu ấn trong lòng độc giả. Nếu đã theo dõi phóng sự điều tra trên VTV24 những năm gần đây, chắc chắn khán giả không còn xa lạ với cái tên Nguyễn Sơn.
Dấn thân qua bức màn tinh vi “bạc màu”
Là một phóng viên điều tra, cái tên Nguyễn Trường Sơn, BTV phòng Văn hóa - Xã hội, trung tâm Tin tức VTV24, đài truyền hình Việt Nam có lẽ đã dần trở nên quen thuộc với chương trình Chuyển động 24h, mang đến những loạt phóng sự phơi bày nhiều sự thật đáng giật mình cho khán giả. Những sự thật bẽ bàng vốn là biểu hiện “bạc màu” của nhân cách, có thể nằm ẩn náu an toàn phía sau những bức màn tinh vi, đòi hỏi phóng viên phải dấn thân, thâm nhập.
Đã 4 năm kể từ những ngày đầu bước chân vào thực hiện phóng sự điều tra tại trung tâm Tin tức VTV24, phóng viên Nguyễn Trường Sơn vẫn luôn bền chặt một tình yêu với công việc này và tự hào vì là một “bánh răng nhỏ” trong một “cỗ máy không ngừng chuyển động”.
Đề tài điều tra đầu tiên mà Nguyễn Sơn thực hiện là nạn khai thác than thổ phỉ ở Quảng Ninh, sau khi đảm nhận vị trí mới tại trung tâm Tin tức VTV24 hơn một tháng.
Anh và đồng nghiệp đã thâm nhập mất hai tuần, sau khi tình cờ nhận được tin báo từ người dân, rằng trong vùng có rất nhiều tài nguyên than bị các đối tượng thổ phỉ vào lấn chiếm, tranh giành. Trước hết, anh cùng đồng nghiệp vào cuộc xác minh, điều tra, vào các buổi tối, xuất hiện rất nhiều xe than thổ phỉ tung hoành thậm chí sang các địa bàn lân cận. Giai đoạn này cũng mất cả tuần nằm phục trên nóc nhà nghỉ gần đó để quan sát và ghi hình những chiếc xe than chạy vào ban đêm, lần theo dấu vết xem xe chạy từ đâu đến, dò được đến hang của thổ phỉ. Khi bắt đầu đến tiếp cận khu vực, ở đó không có người lạ, đa phần là dân địa phương, nên khá nguy hiểm.
“Chúng tôi đi đâu cũng có người kè kè đi theo, chúng tôi ngồi ăn cũng cảm nhận ánh mắt sắc lẹm đang giám sát ngay sát sườn, rồi trong quá trình theo dõi, chúng tôi ngồi trên xe, nhìn vào kính chiếu hậu luôn thấy người đi theo. Những lúc lần theo hầm mỏ, chỉ có một đường duy nhất, không lối thoát, chẳng may bị bắt gặp thì coi như “tiêu”.
Khi làm việc với chính quyền địa phương thì chúng tôi nhận được câu trả lời là đã dẹp yên thổ phỉ. Cuối cùng, chúng tôi cung cấp những hình ảnh tư liệu đã quay được và Chủ tịch xã cùng đến khu vực hầm mỏ bỏ lại, phát hiện dây mìn và nhiều hiện vật khác, mới thừa nhận có tình trạng trên”, anh nhớ lại.
“Hồi đó, mới vào VTV24 một thời gian ngắn, lại là phóng sự điều tra đầu tiên nên không tránh khỏi lo lắng; chỉ có tôi với một cậu quay phim và một anh lái xe cùng thâm nhập vào “cấm địa” của thổ phỉ.
Trong lúc ngồi ăn, cậu quay phim run run đá chân tôi, thỏ thẻ: “Anh ơi, em thấy họ để súng trên bàn”, tôi liếc qua, không rõ có phải súng thật không nhưng đó là một vật đen đen được rút ra, đập mạnh lên mặt bàn như cố tình khẳng định sự hung dữ của họ. Tôi trấn an cậu ấy và thuyết phục đã vào đến đây thì cố đánh liều, ăn hết bữa cơm”.
Anh Sơn nhớ mãi vụ điều tra đầu tiên này, bởi nhóm anh bất ngờ gặp hàng đoàn xe ô tô chở than tập kết tại một chân đèo, chờ đến đêm, khi lực lượng chức năng đã vắng mới hoạt động. “Đó là lần chúng tôi bị rơi vào thế bất ngờ, nếu không đã tháo biển cất đi, vì nhóm đi xe biển xanh, mà để quay được những hình ảnh cần thiết thì phải chạy qua chạy lại nhiều lần, khiến chúng cũng sinh nghi”, anh kể.
Sau phóng sự đầu tiên, anh Sơn nhận thấy cũng không quá nguy hiểm như khi trước vẫn tưởng tượng, nên từ đó, anh quyết định gắn bó với thể loại này.
Chính anh cũng khẳng định, để so sánh với thời điểm hiện tại, đó là những chuyện hết sức bình thường không có gì đáng lo lắng, song, vì là vụ đầu tiên nên để lại nhiều ấn tượng. Sau này, anh còn điều tra nhiều vụ việc nguy hiểm hơn rất nhiều.
Có lần, trong hành trình điều tra phóng sự buôn lậu trâu bò qua biên giới, anh Sơn được phen thót tim, tưởng như cận kề với ranh giới sống - chết. Đúng nửa đêm, khi đang rình rập sát biên, phải ẩn mình thật kỹ, giấu hết máy móc, “săn” cảnh dân buôn lậu nườm nượp. Bất ngờ, không hiểu sao, khi đang rình thì thấy bên kia biên giới có báo động, đèn pha lia rọi khắp ngõ ngách, huy động lực lượng rầm rộ, cả chó nghiệp vụ, om sòm trong khoảng một tiếng.
Đến tận bây giờ, anh Sơn vẫn hay nhắc lại với cậu quay phim: “Cảm giác đêm đó giống như phóng viên chiến trường đang tác nghiệp trong thời chiến”.
Một lần nhập vai khá gian nan khác của phóng viên Nguyễn Sơn chính là trong phóng sự điều tra về nạn khai thác vàng trái phép ngay giữa khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Bắc Kạn vào độ tháng 8/2018.
Lần đó, anh cùng vài người đồng nghiệp nhờ một người bản địa dẫn đường, đi bộ hơn 10km vào thăm thẳm rừng già, mất rất nhiều thời gian vì phải cầm gậy dò từng bước một. Khu vực đào vàng có những hố thẳng được đào rất sâu xuống dưới đến vài trăm mét, lâu ngày không đào, cỏ mọc lên, sơ sẩy chân là ngã xuống hố. Chỉ có nước chết! Không ai cứu được, ở đó không có sóng điện thoại, rơi xuống cái xác định chết mất xác luôn, đội cứu hộ có đến nơi cũng không biết hố nào mà tìm xác của mình nữa.
Phóng viên Nguyễn Sơn bị "cuốn hút" bởi những phóng sự điều tra, bởi anh "say" ý nghĩa của nghề. (Ảnh: NVCC). |
Trong vai người đi gùi hàng thuê, anh Sơn cẩn thận ngụy trang những thiết bị điện tử thật kỹ vì nếu vào vai rồi, mà còn sử dụng những thiết bị đó, chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”.
“Trong đó sống kiểu xã hội đen, không lều lán gì, chỉ sống trong hang, để phòng trường hợp công an vào càn quét thì dễ dàng ẩn nấp; lại tàng trữ nhiều vũ khí: mìn, thuốc nổ, súng… đầy đủ chủng loại. Chỉ cần lộ ra một tí thôi là cũng đối mặt với nguy hiểm”, anh tiết lộ.
Nhóm điều tra của anh đã đi mất hai ngày đường rừng, nhiều đoạn không có đường, phải “vạch rừng” mà đi. Cả nhóm mang nước theo không đủ, mặc dù hết sức tiết kiệm, vì trong đó không có suối, nên khan hiếm vô cùng.
Xuyên rừng, lòng suối ngập vỏ thuốc trừ sâu do bà con làm nương để lại, khát lắm nhưng không ai dám uống nước. Quả rừng cũng không dám ăn vì sợ có độc, phải chứng kiến người bản địa ăn trước mới dám ăn.
“Chúng tôi ở lại một ngày cùng các phu vàng, họ còn nấu mì tôm cho mình ăn, nhắm mắt nhắm mũi mà ăn. Nước trong đó rất bẩn, tưởng tượng, nước bẩn đến mức, họ phải đi bắt cá nhỏ về thả vào lu nước cho ăn hết bọ gậy, bớt bẩn để sử dụng. Vì đó là khu làm vàng, họ phải khuấy nước lên để sàng đãi vàng nên nước cực kỳ bẩn, cực kỳ độc nữa vì trong quá trình sử dụng cả xyanua, thủy ngân để tách quặng vàng ra khỏi đất.
Chúng tôi vẫn phải ăn ngon lành để tránh nghi ngờ. Mặc dù mang lương khô theo, nhưng khi họ mời là không thể từ chối, họ sẽ sinh nghi, bởi những người từng trải và đã từng nếm cuộc sống như thế này thì không thể từ chối được”.
Chuyến đi rừng thâm nhập bưởng vàng trái phép trong khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. (Ảnh: NVCC). |
Đáp lại những giọt mồ hôi và cơn đói khát giữa đại ngàn là những hình ảnh “đắt” nhất, những đối tượng đó nghĩ không có ai dám vào tận trong khu vực này nên hoạt động diễn ra ngang nhiên. Những phóng sự hay sẽ mất rất nhiều công sức thâm nhập, nên hầu như không mấy ai kỳ công thực hiện được.
Bữa đó, anh Sơn không chỉ nhập vai một người gùi hàng thuê mà còn viện cớ vào tìm một người em trai đi đào vàng, vợ sắp sinh em bé thì tìm về. Nhờ người bản địa thông thuộc các bưởng vàng trong đó (khu vực khai thác vàng - PV), biết tên một số bưởng trưởng nên khi bịa chuyện giống như có password, hoàn toàn không bị nghi ngờ gì. Thậm chí khi nhóm phóng viên trở về và phát sóng vẫn hoàn toàn yên tâm. Nhưng không phải lần nào cũng may mắn như vậy, có những đối tượng sau khi bị “động chạm” đã tìm đủ cách đe dọa.
“Bắt nhiều người đi tù, nghĩ lại tôi cũng buồn…”
Đó là những chia sẻ thật lòng đến từ người phóng viên đã gắn bó với phóng sự điều tra gần nửa thập kỷ, “khui” ra không biết bao nhiêu bức màn dối trá, lọc lừa.
Anh vui miệng kể về những lần hiệu quả thành công mà phóng sự mang lại ngoài mong đợi: “Tôi từng bắt nhiều người đi tù lắm, vài chục người từ khi làm báo đến nay, nhiều khi nghĩ lại cũng buồn, người ta vì mình mà vướng vào vòng lao lý. Tuy nhiên, đó là trách nhiệm của nghề, và cũng vì họ đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều người.
Nhiều khi, việc họ không giám sát chặt chẽ, vô tình tạo kẽ hở cho sự suy thoái đạo đức, phóng viên phải phản ánh để vạch trần.
Ví dụ, nạn trấn lột trên cầu Thăng Long, vốn chỉ là những người bán nước chạy xe ôm bình thường nhưng vì lòng tham, họ đã giở mánh khóe để trấn lột những người đi xe máy nhầm làn. Nhiều người bị truy nã còn không biết, bởi lúc chúng tôi quay lén họ không hề biết. Hôm đó, có một anh đang ngồi ăn cơm với vợ, xem Chuyển động 24h mới phát hiện ra mình đang bị truy nã, vội bảo vợ đưa đi đầu thú.
Cách đây 2-3 năm, khi phát hiện một cơ sở sản xuất xúc xích bẩn ở Chương Mỹ, cung cấp trong nội thành, chúng tôi theo dõi một tháng, tuy nhiên, vì làm kín trong nhà, nên không có một ngóc ngách nào ghi hình được.
Sau một thời gian theo dõi xe đi giao xúc xích ở hàng chục cửa hàng trong nội thành rồi đến một địa điểm gần chợ Ngã Tư Sở để mua nguyên liệu thịt thối, chúng tôi phối hợp với lực lượng chức năng để chặn xe kiểm tra, tôi đã suýt bị kẹp giữa bánh xe tải trong lúc vượt lên báo cho cảnh sát giao thông về sự thay đổi của chủ cơ sở sản xuất xúc xích. Khi cùng UBND huyện Chương Mỹ đến làm việc, tại gia đình này, ngoài thịt thối còn rất nhiều hóa chất để hô biến thịt thành xúc xích thơm ngon.
Trước đó, rất nhiều trường hợp, các gia đình sai phạm thường chống đối, nhưng với gia đình này, họ nhận mình nhận thức kém nên không hiểu biết, hợp tác để tiêu hủy số hàng và nộp phạt, thậm chí còn cảm ơn tôi vì đã xin cho lúc bị cảnh sát giao thông kiểm tra.
Tôi cũng nhận thấy gia đình khá khó khăn nên cũng thương. Sau đó, gia đình đó được chính quyền địa phương hướng dẫn cách sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đến giờ vẫn giữ nghề. Thậm chí, khi chúng tôi quay trở lại, gia đình còn mang trái cây ra mời.
Đôi khi, nhận thức xã hội kém, họ phạm tội mà không biết, nhưng khi biết sai, họ rất hợp tác và sẵn sàng sửa sai”.
Bên cạnh phóng sự điều tra, khán giả còn thấy sự xuất hiện thường xuyên của phóng viên Nguyễn Sơn trên các "mặt trận" tin tức thời sự. (Ảnh: NVCC). |
Cái duyên đưa đẩy anh đến với nghề báo cũng thật tình cờ. Xuất phát từ đam mê mô hình máy bay, ô tô, chàng sinh viên năm hai sư phạm mỹ thuật, trường đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Trường Sơn trở thành “gương mặt thân quen” trên những chương trình khoa học trên VTV2 từ năm 2006. Một hôm, khi anh đang điều khiển mô hình thủy phi cơ ở công viên Nghĩa Đô, một phóng viên của chương trình khoa học vui bắt gặp, ngỏ ý làm một phóng sự về thú chơi mô hình này.
Năm 2008, tốt nghiệp đại học Sư phạm Hà Nội, anh thi tuyển vào làm việc tại VTV6, đài truyền hình Việt Nam.
Sau một thời gian gắn bó với các đề tài tạp chí về văn hóa, khoa học, anh nhận thấy đến một thời điểm nào đó, đề tài đã không còn hay nữa. Trong khi, các vấn đề thời sự xảy ra phong phú trong một ngày khiến anh muốn thử sức. Cuối năm 2015, anh gia nhập đội ngũ VTV24.
Đến với nghề báo, đặc biệt khi bị phóng sự điều tra cuốn hút, anh Sơn thấy mình trưởng thành hơn. Quan trọng hơn cả, anh cảm thấy mình thay đổi được nhiều góc cạnh trong đời sống, đó có lẽ là điều ý nghĩa nhất của “sứ mệnh” làm báo.
Anh chia sẻ: "Đam mê mô hình máy bay, ô tô, tàu thủy... chính là "cánh cửa" dẫn anh vào nghề báo. (Ảnh: NVCC). |
Theo anh, một người làm báo quan trọng nhất cần có sự cẩn trọng, tỉ mỉ và nghiêm túc trong công việc: “Khi có một thông tin nào đó, chúng tôi phải xác minh thật kỹ, bởi vì đôi khi mọi thứ mình nhận được chỉ là thông tin một chiều, còn thực tế sự việc lại hoàn toàn khác, không giống như những gì mình nhìn được ở bên ngoài.
Nhất là khi chúng ta bị một thông tin áp đặt rất dễ bị “dắt mũi”. Từ một nguồn tin, phải xác minh qua ba bốn nguồn tin khác để kiểm chứng, thậm chí phải trải nghiệm xem có đúng thực tế như vậy mới bắt tay đặt ngòi bút.
Bên cạnh đó, phải cẩn trọng thu thập chứng cứ tài liệu để nắm chắc mọi thông tin, đảm bảo an toàn cho chính bản thân và cơ quan. Một khi đã làm, không được để đối tượng có cơ hội phản đòn.
Đồng thời, cũng phải tính đến những yếu tố nhân văn, nhiều hoàn cảnh éo le, nên cần cân nhắc làm sao cho các phóng sự vừa có tính răn đe, vừa có tính cảnh báo vừa không quá thay đổi cuộc sống hay “triệt đường sống” của người ta”.
Phóng viên Nguyễn Sơn nhắn nhủ với những đồng nghiệp của mình: “Một trong những lưu ý bất thành văn trong điều tra, chính là phải rèn luyện tư duy linh hoạt và tìm hiểu về nhân vật điều tra thật kỹ lưỡng để có thể nhập vai. Nhiều lúc bị “hớ”, có lần đi điều tra cơ sở hô biến thịt lợn chết thành thịt đà điểu bán cho các quán nhậu. Chủ cơ sở tự nhiên quay sang hỏi tôi: “Anh ơi hôm nay ngày bao nhiêu âm nhỉ?”. Tôi thực sự không nhớ, nên nhanh trí đá chân sang cậu quay phim, may là vợ cậu ấy cũng là dân buôn bán nên để ý lịch âm, pha đó suýt lộ, chúng tôi nhanh chóng lấy hàng rồi đi lẹ. Điều đó chứng tỏ, trong điều tra luôn luôn có thể xảy ra biến cố, nếu không để ý dù chỉ là một chi tiết rất nhỏ cũng có thể khiến ta bị bại lộ.
Báo chí điều tra không giống những thể loại khác, cứ nhận được thông tin, chạy đến hiện trường và ghi nhận một cách đường đường chính chính, cần có sự đam mê và kiên trì, đặc biệt với những phóng viên muốn dấn thân vào lĩnh vực báo chí điều tra; con mắt quan sát tinh tường, nhận định, sàng lọc vấn đề, cái gì là cần thiết, cái gì có thể bỏ qua, không cần bỏ quá nhiều tâm sức; nhưng cũng phải cẩn trọng để không làm ảnh hưởng uy tín cơ quan hay tính mạng bản thân”.