“Nếu được chọn thì chẳng ai muốn dính vào ma túy bởi xã hội đã bài xích, vợ con cũng không thích. Song, do nhu cầu cuộc sống, cơm áo gạo tiền nên người ta mới sử dụng", một tài xế từng sử dụng ma túy khi lái xe trần tình.
Vì cơm áo gạo tiền nên tài xế sử dụng ma túy?
Trước đó, xác nhận trên báo chí, ông Bùi Văn Quản- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho hay, có tình trạng tài xế sử dụng ma túy khi lái xe.
Một chủ doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM lý giải, việc các tài xế container chạy đường dài Bắc- Nam tìm đến ma túy để lấy cảm giác và tỉnh táo khi phải lái xe liên tục.
Chia sẻ với Pv báo Tri thức Trực tuyến, tài xế Nguyễn Thanh Phong (38 tuổi), đang là học viên cai nghiện tại Trung tâm điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa thừa nhận, ma túy có sức hút rất lớn đối với cánh tài xế.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông ở Long An, 4 người tử vong. Ảnh: Người Đưa tin |
“Anh em tài xế mách nhau rằng ma túy đá giúp cho cơ thể tỉnh táo. Sau khi dùng thử, tôi mới biết được công dụng của ma túy. Từ đó, tôi điều tiết, sử dụng nó vào trong công việc lái xe”, anh Phong chia sẻ.
Theo anh Phong, việc lạm dụng ma túy vào việc lái xe đã phổ biến khoảng 10 năm nay. Nhất là những tài xế chạy xe đường dài và tài xế chạy đêm, chơi ma túy giúp họ 3-4 ngày không cần ngủ mà vẫn tỉnh táo. Riêng anh Phong, chỉ khi nào cơ thể mệt mỏi mà chủ bảo chạy gấp thì mới sử dụng ma túy.
“Nhiều anh em truyền đạt lại chỉ nên sử dụng lượng ma túy tương đương với số tiền 200.000 đồng. Kết thúc chuyến hàng, tài xế nên nghỉ ngơi 1 - 2 ngày để lấy lại sức. Tuy nhiên, chẳng tài xế nào thời gian xả hơi vì đặc thù công việc cuốn chiếu liên tục”, anh Phong nói.
“Nếu được chọn thì chẳng ai muốn dính vào ma túy bởi xã hội đã bài xích, vợ con cũng không thích. Song, do nhu cầu cuộc sống, cơm áo gạo tiền nên người ta mới sử dụng. Ví dụ một đêm chạy được 500.000 đồng, chơi ma túy vào tỉnh táo, chạy tới 2 triệu đồng thì ai không ham”, anh Phong trần tình.
Tài xế Nguyễn Duy Hưng (43 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) cũng đang cai nghiện tại trung tâm Thanh Đa chia sẻ, anh từng là lái xe tải hạng nặng chạy tuyến Bắc- Nam. Trong một lần chạy xe ra Bắc, anh bị rủ rê dùng thử và "dính" vào heroin.
Theo anh Hưng, có đến 80% tài xế chạy đường dài anh biết trước kia đều sử dụng ma túy. Trong số đó, có nhiều chủ xe biết việc tài xế của mình dùng chất cấm nhưng cũng lơ là, không lên tiếng phản ứng.
“Nhiều chủ xe không quan tâm việc tài xế của mình nghiện ngập. Họ chỉ cần tài xế lái thật nhanh, thật nhiều chuyến để có lợi nhuận. Có những tài xế lái xe đầu kéo container chạy chuyến Bắc - Nam mà không nghỉ ngơi, chạy hơn 2 ngày đã tới”, anh Hưng nói.
Chia sẻ thêm, anh Hưng cho biết, việc tài xế dùng ma túy cũng có một phần lỗi của những người chủ. Bởi, không phải cứ giao xe và trả tiền là chủ xe là hết trách nhiệm. Nhiều tài xế khi chở hàng muộn thì bị phạt, từ đó họ cũng liều lĩnh sử dụng chất cấm khi lái xe.
Doanh nghiệp cần tuân thủ tổ chức khám sức khỏe lái xe định kỳ
Tài xế điều khiển xe container gây tai nạn kinh hoàng ở Long An được cho là sử dụng ma túy. Ảnh: Dân Việt |
Liên quan đến vụ việc, theo báo Thanh Niên, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Đà Nẵng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Bình Vinh, cho hay đối với quy định pháp luật về nghề nghiệp, tài xế phải kiểm tra sức khỏe 6 tháng/lần. Tuy nhiên, giới tài xế đối phó bằng cách nộp mẫu nước tiểu của người khác nên chủ doanh nghiệp cần chú ý, quan tâm đến tài xế, có phương án chống tráo mẫu.
Ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ TP.Đà Nẵng, Tổng giám đốc Công ty CP Saigonship Đà Nẵng, khuyến cáo các doanh nghiệp cần tuân thủ tổ chức khám sức khỏe lái xe định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần.
Bản thân chủ doanh nghiệp cũng phải nghe ngóng. Đối với các lái xe có biểu hiện buồn ngủ, lảng tránh đồng nghiệp, bê bối tiền bạc thì cần xử lý kịp thời.
Theo ông Hiệp, để đối phó với nạn tài xế sử dụng ma túy, hiệp hội đã ký ghi nhớ hợp tác với Công an TP.HCM, để lực lượng công an tiếp cận doanh nghiệp vận tải hàng hóa, nhất là các lái xe đường dài, nhằm ngăn chặn lái xe tàng trữ, sử dụng ma túy.
“Bản chất của việc sử dụng chất kích thích là do tài xế hoạt động quá tải, dễ buồn ngủ. Do đó các nhà xe phải tính toán phân bổ 2 tài xế; các doanh nghiệp phải kiểm tra kỹ đầu vào hồ sơ. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của nhiều đơn vị liên quan”, ông Hiệp nói.
Tài xế container, xe khách sẽ được kiểm tra ma túy như thế nào? Chiều ngày 4/1, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định: “Bắt đầu từ quý I/2019, lực lượng chức năng, CSGT sẽ tăng cường tổ chức khám, kiểm tra ma túy trong nước tiểu và trong máu đối với tất cả tài xế. Điển hình nhất là những tài xế xe khách, xe container”. Ông Hùng cho biết, để thắt chặt được vấn nạn tài xế sử dụng ma tuý, Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu ngành giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải kiểm tra sức khỏe của các tài xế lái xe theo quy định. |
Hoàng Yên (T/h)