Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, người trốn cách ly, tung tin sai sự thật hay găm hàng để thu lợi bất chính đều sẽ bị xử lý hình sự.
Người trốn cách ly sẽ bị xử lý hình sự. Ảnh: TTXVN |
Báo Người Lao Động đưa tin, hôm nay (30/3), Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã gửi công văn tới toà án các cấp hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo nội dung trong công văn của TAND tối cao, người đã được thông báo mắc bệnh; nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có Covid-19 đã được thông báo cách ly nhưng trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định cách ly; từ chối, trốn tránh cách ly hoặc không khai báo y tế, khai báo gian dối làm lây bệnh cho người khác, sẽ bị xử lý về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
Người chưa bị xác định mắc Covid-19 nhưng sống trong khu vực cách ly, khu phong tỏa nhưng thực hiện một trong các hành vi trên mà gây thiệt hại từ 100 triệu trở lên, sẽ bị xử lý về tội Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người.
Ngoài ra, chủ hoặc người quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ để cơ sở hoạt động khi đã có quyết định tạm dừng để phòng chống dịch bệnh mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, sẽ bị xử lý về tội Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người.
Báo Tuổi Trẻ cho biết, Hội đồng thẩm phán còn hướng dẫn xử lý hình sự nhiều hành vi khác liên quan đến đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại điều 288.
Người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 155.
Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174.
Người có hành vi đã, đang hoặc nhằm đưa trái phép thuốc, vật tư y tế dùng vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra khỏi biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội buôn lậu theo quy định tại điều 188.
Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại điều 196.
Người có hành vi dùng vũ lực, de dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 330.
Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại điều 360.
Hướng dẫn về áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp như sau: Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng như làm lây lan dịch bệnh cho từ 2 người trở lên, làm chết người...). Áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo theo đúng quy định của pháp luật đối với trường hợp phạm tội chưa gây ra hậu quả hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng (như chưa làm lây lan dịch bệnh). Ngoài việc áp dụng hình phạt chính, Tòa án xem xét áp dụng hình phạt bổ sung và biện pháp tư pháp theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Hoa Vũ (T/h)