Cần thu nhập tối thiểu 30-45 triệu đồng hàng tháng
Theo VTV, nghiên cứu mới đây từ Savills cho biết, độ tuổi từ 25 đến 35 được xem là độ tuổi có khả năng thu nhập tốt để mua nhà. Đối với nhóm tuổi này, việc sở hữu một căn nhà đòi hỏi thu nhập và số dư nhất định để có thể đặt trước được một khoản tiền. Tại TP.HCM, các căn hộ nhỏ có diện tích từ 50-70m2 ở các khu vực ngoại ô là lựa chọn ưu tiên của nhóm khách hàng này.
"Nếu không nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ gia đình, mức thu nhập tối thiểu cần có để mua nhà là từ 30-45 triệu đồng hàng tháng. Đây được coi là mức có thể tích lũy được một khoản tiền trả trước và trả thêm lãi ngân hàng", bà Giang Huỳnh, đại diện từ Savills cho biết.
Theo bà Giang Huỳnh, mặc dù đây là thị trường tiềm năng, nguồn cung phân khúc này hiện không nhiều. Thị phần căn hộ từ 2-3 tỷ đồng tại TP.HCM rất ít, chiếm dưới 20% thị phần nguồn cung hiện tại và chủ yếu tập trung ở khu vực ngoại ô. Điều này dẫn đến lựa chọn hạn chế cho người mua. Mức giá cũng ở mức cao, không phải ở mức dễ dàng cân nhắc.
Bà Giang Huỳnh đánh giá sự mất cân đối giữa nguồn cung và nguồn cầu khiến việc mua một sản phẩm nhà ở phù hợp về mặt vị trí, diện tích và giá cả trở nên khó khăn.
"Với tình hình hiện tại, người trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm lựa chọn phù hợp về nhà ở. Đồng thời, chi phí sống tại TP.HCM ngày càng tăng cao trong khi thu nhập không tăng theo. Điều này làm cho việc tích trữ thu nhập để có khả năng trả mức giá cao trở nên khó khăn hơn", đại diện Savills nói.
Nhìn ở bức tranh rộng hơn, bà Giang Huỳnh cho rằng nguyên nhân chính là sự không cân đối giữa nguồn cung và nguồn cầu, cùng với việc chi phí sống tăng cao so với mức thu nhập. Savills cho rằng để giải quyết vấn đề này, cần có sự can thiệp của các nhà phát triển bất động sản, Chính phủ và các bên liên quan khác trong việc tăng cường nguồn cung nhà ở với mức giá phù hợp, đồng thời giải quyết vấn đề về địa điểm và diện tích.
Mấu chốt do thiếu hụt nguồn cung
Báo Thanh niên thông tin, theo các chuyên gia, vấn đề ách tắc lớn nhất đối với thị trường nhà ở hiện tại là pháp lý, khiến chủ đầu tư không thể triển khai dự án mới, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung. Ngoài ra, việc một dự án phải mất 3-5 năm mới có thể khởi công cũng khiến giá bất động sản bị đội lên rất nhiều.
Ghi nhận của Savills TP.HCM cho thấy, đối với phân khúc nhà ở hạng C nhắm đến đối tượng thu nhập trung bình và người trẻ, việc bán hàng vẫn diễn ra nhưng không đồng đều. Tỷ lệ hấp thụ cao chủ yếu ở các dự án có giá bán phải chăng và nằm xa trung tâm. Điều đó cho thấy nguồn cầu trong phân khúc này vẫn mạnh mẽ và tiềm năng. Đa số khách hàng trong các dự án này là người mua nhà lần đầu.
Chuyên gia bất động sản Nguyễn Hoàng nhận định: Các sản phẩm đầu tư, cho thuê hầu hết thuộc phân khúc trung đến cao cấp, không đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân, trong đó có người trẻ.
Ngoài ra, hiện tại thị trường đang trầm lắng và thiếu thanh khoản. Thông thường, nếu có một khoản dự trữ, người dân sẽ có lựa chọn đầu tư vào bất động sản, chứng khoán hoặc một kênh đầu tư khác. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, hầu hết các kênh đều gặp khó khăn và hạn chế về thanh khoản nên tiền vẫn đang "chảy" vào ngân hàng.
"Tình hình bán hàng và hấp thụ trên thị trường chung đều rất thấp. Người mua nhà đang chờ đợi sự hồi phục của thanh khoản để mọi thứ có thể vận hành trở lại", chuyên gia Nguyễn Hoàng nhận định và nói thêm rằng, điều quan trọng nhất lúc này là đưa thị trường về trạng thái cân bằng giữa cung và cầu. Dự báo từ năm 2024 trở đi, khi một số dự án về phân khúc nhà ở vừa túi tiền bắt đầu được tung ra thị trường, kỳ vọng thanh khoản sẽ tăng trở lại. Khi điểm nghẽn đó được giải quyết, thị trường bất động sản sẽ từ từ hồi phục và trở lại hoạt động.
Vân Anh (T/h)