Chiều 18/5, VKSND huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối Phạm Văn Són - Tổng giám đốc công ty CP Tổng Kỳ Hòa (phường 1, thị xã Vĩnh Châu) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Nạn nhân là anh Lý Sà R. (38 tuổi, ngụ xã Thạnh Thới An).
Đáng nói, sau khi gây tai nạn khiến anh R. tử vong vào ngày 14/5, bị can Són bỏ mặc nạn nhân, chạy xe BKS 83L-1837 khỏi hiện trường. Són còn để tài xế của mình "thế thân", khai với cơ quan công an rằng anh ta lái xe ô tô nói trên gây tai nạn.
Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ và chứng cứ khó chối cãi, đến chiều 15/5, vị Tổng giám đốc đã phải thừa nhận ông là người lái xe gây tai nạn nhưng cho tài xế nhận tội thay mình.
Hành vi lái xe gây tai nạn của ông Phạm Văn Són đã bị cơ quan chức năng khởi tố, điều tra. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi: Vậy hành vi nhận tội thay của người tài xế có bị xử lý?
Chiếc ô tô ông Són cầm lái gây tai nạn chết người. (Ảnh: Vietnamnet) |
Trao đổi với PV ĐS&PL, luật sư Nguyễn Thị Tuyến - Giám đốc công ty Luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: "Hành vi nhận tội thay cho người khác trong vụ án về vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì tùy từng trường hợp có thể xem xét xử lý về hành vi báo thông tin giả đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chỉ bị xử phạt hành chính".
Luật sư Tuyến phân tích, theo quy định Bộ luật Hình sự 2015 với hành vi nhận tội thay cho người khác thì tùy từng trường hợp người nhận tội thay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Không tố giác tội phạm hoặc che giấu tội phạm.
Theo đó, che giấu tội được hiểu là việc người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội.
Đối với hành vi không tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 19, Bộ luật Hình sự có quy định rõ người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác.
Tuy nhiên, hiện nay có một số vụ việc có liên quan đến tai nạn giao thông thuộc tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015 người vi phạm đã nhờ, thuê hoặc vì lý do tình cảm, hay vấn đề đạo đức, hoặc hoàn cảnh gia đình mà nhờ người khác nhận tội thay mình để trốn tránh việc bị phát hiện, xử lý của cơ quan có thẩm quyền. Việc nhận tội thay cho người khác đã cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội của các cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay việc xử lý đối với hành vi người nhận tội thay với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ còn chưa được quy định cụ thể cũng như chế tài xử lý hình sự.
Luật sư Nguyễn Thị Tuyến. |
Theo quy định tại Điều 389 và Điều 390 Bộ luật hình sự có quy định chi tiết về các tội mà người nào có hành vi che giấu hoặc không tố giác sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự không thuộc nhóm tội mà người có hành vi che giấu hay không tố giác bị xử lý.
"Do đó, một số vụ việc người nhận tội thay cho người khác trong vụ án về vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì tùy từng trường hợp có thể xem xét xử lý về hành vi báo thông tin giả đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Tuy nhiên, thiết nghĩ với chế tài xử lý hiện nay đối với các trường hợp người nhận tội thay nêu trên chưa đảm bảo tính răn đe, cần bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với các trường hợp này", luật sư Tuyến nhấn mạnh.
Việt Hương