Những người đã đi cùng, gặp gỡ, liên quan hoặc hỗ trợ những tên tội phạm nguy hiểm bỏ trốn trong các vụ án nóng, đều bị truy vấn về trách nhiệm trong việc che giấu tội phạm…
Vướng vòng lao lý vì che giấu người thân phạm tội?
Người Việt có câu "một giọt máu đào hơn ao nước lã" để nói về mối liên hệ mật thiết khi có quan hệ thân thích. Ngay cả khi người thân thích phạm tội nghiêm trọng, cũng không tránh được cảm giác muốn che đậy… Cũng bởi mối quan hệ này mà nhiều người thân khi hỗ trợ người phạm tội đã vướng tội cùng.
Còn nhớ, vào năm 2015, Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng và gây thảm án ở Bắc Giang. Cảnh sát tìm thấy một túi nilon đựng hàng trăm nhẫn, dây chuyền vàng (chừng 50 cây) chôn ở sau vườn. Ông Lê Văn Miên bố của Luyện thừa nhận đã cất giấu hộ con trai túi vàng. Luyện bị khởi tố, truy nã đặc biệt. Cha mẹ Luyện cùng hai người khác bị điều tra, xét xử về hành vi che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm.
Gần đây nhất, thông tin về cuộc vượt ngục của 2 tử tù khỏi trại giam T16 Bộ Công An gây chú ý. Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình bất ngờ trốn khỏi phòng biệt giam và chạy về nhà ở xã Yên Chung, Thạch Thất và lấy xe máy, tiền của mẹ và chạy trốn.
Hiện nay cơ quan công an đang trong quá trình khởi tố và điều tra các đối tượng về Tội trốn khỏi nơi giam giữ theo căn cứ của điều 311 Bộ Luật Hình sự.
Có nhiều quan điểm cho rằng, việc mà mẹ Tình trao tiền và xe cho con, hỗ trợ quá trình chạy trốn của con trai là hành vi che giấu tội phạm. Đồng thời việc Tình và Thọ bàn bạc kế hoạch vượt ngục, hành vi của Tình và Thọ có thể bị truy tố theo khoản 2 điều 311 Bộ Luật hình sự thì mẹ của Tình – người đã hỗ trợ về xe và tiền bạc cho 2 tên tử tù bỏ trốn có thể bị điều tra, truy tố về tội danh này. Tuy nhiên cũng có thể có ngoại lệ…
Ứng xử khác thì không vướng tội…
Tuy không là người thân nhưng chị Nguyễn Thị Hán và tên tội phạm nguy hiểm Đặng Văn Hùng gây thảm án ở Yên Bái lại có quan hệ thân thiết về thể xác, họ là người tình, người yêu của nhau.
Còn nhớ vào năm 2016, có một vụ thảm sát nghiêm trong đã xảy ra ở Yên Bái. Theo đó, vào chiều ngày 12/8/2016 khi mang dao rựa đi phát nương, Hùng gặp anh Long đang làm nương. Sau cãi cọ, Hùng lấy dao chém chết anh Long. Sau khi chém chết anh Lòng thì Hùng chém luôn chị Hoa là vợ anh Long. Tiếp đến Hùng về lán nhà anh Long và gặp em gái và con trai anh Long. Hùng chém tiếp hai người này và bỏ đi tìm chị Nguyễn Thị Hán (36 tuổi) người làm thuê nhà Hùng và rủ bỏ chạy. Chạy được một thời gian thì Hùng kể chuyện mình sát hại cả gia đình anh Long và đòi tự tử. Chị Hán đã ngăn cản và khuyên ra đầu thú nhưng Hùng không đồng tình. Lo sợ, chị Hán gọi điện báo người khác nên Hùng giữ điện thoại của chị Hán suốt.
Chị Hán cùng bỏ chạy với Hùng suốt 3 ngày. Đến sáng ngày 15/8, Hùng bị bắt tại địa phận xã Khánh Hòa huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Ngay sau ngày Hùng bị bắt, có nhiều người nghi vấn về trách nhiệm đối với hành vi “che giấu tội phạm” và “không tố giác tội phạm” của chị Hán.
Tuy nhiên quá trình điều tra, sau một thời gian xét hỏi, công an đã thả chị Nguyễn Thị Hán, người tình của Đặng Văn Hùng. Bởi vì dù cùng ăn, cùng ngủ trên đường với tội phạm là do bị ép buộc, đe dọa nên hành vi của chị không cấu thành tội phạm.
Loại trừ hoặc miễn trách nhiệm hình sự che giấu tội phạm khi nào?
Đều là người có mối quan hệ mật thiết với người phạm tội, có trường hợp là cha con (trong trường hợp của Lê Văn Luyện và cha), trong trường hợp là người yêu, người tình (chị Nguyễn Thị Hán là người yêu của Đặng Văn Hùng), mẹ của bị cáo Nguyễn Văn Tình là người thân. Nhưng cách ứng xử khác nhau với tội phạm đã quyết định số phận pháp lý của họ khác nhau.
Từ sự quyết tâm truy bắt tội phạm của lực lượng công an có thể thấy rằng: Không thể trốn tránh trách nhiệm pháp lý khi có những vi phạm pháp luật. Khi chạy trốn, cậy nhờ người thân thì còn có thể liên lụy đến cả người thân.
Theo quy định tại Điều 21 và 313 BLHS hiện hành, về mặt hành vi khách quan, tội che giấu tội phạm có 2 dạng: Thứ nhất là hành vi che giấu người phạm tội , các dấu vết, tang vật của tội phạm. Hai là các hành vi cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.
Theo cuốn bình luận khoa học BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 - Phần các tội phạm của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia do GS.TSKH Lê Văn Cảm chủ biên thì dạng hành vi che giấu có nhiều hình thức khác nhau như chứa chấp, nuôi dưỡng người phạm tội đang trốn tránh pháp luật, đưa kẻ phạm tội đi trốn hoặc tìm nơi cho kẻ phạm tội ẩn náu để khỏi bị bắt, cho người phạm tội mượn quần áo, tư trang, tài sản, phương tiện để dễ dàng lẫn trốn sự truy lùng của người có thẩm quyền...
Theo đó, người thân có hành vi giúp đỡ tội phạm trốn chạy có thể bị truy cứu TNHS về tội che giấu tội phạm trừ những trường hợp họ bị đe dọa, ép buộc. Bởi khi đó, dấu hiệu chủ quan của tội che giấu tội phạm không thỏa mãn. Cấu thành tội che giấu tội phạm đòi hỏi ý chí chủ quan của người che giấu tội phạm phải được tự do, không bị ép buộc, không bị đe dọa...
Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng: với vụ việc mà mẹ tử tù Tình đã hỗ trợ tiền bạc, phương tiện cho con trong quá trình trốn chạy thì mẹ của tử tù đó được loại trừ trách nhiệm hình sự nếu bị con ép buộc phải đưa tiền, xe… Tuy nhiên tử tù trốn trại này có thể bị “gánh” thêm tội cưỡng đoạt hoặc cướp tài sản tùy mức độ của hành vi vi phạm với mẹ.
Như đã nói ở trên, người thân mà giúp đỡ tội phạm trốn chạy (mà không bị ép buộc, đe dọa...) có thể thỏa mãn tội che giấu tội phạm nhưng sẽ được miễn TNHS về tội này nếu thỏa mãn quy định về miễn trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 25 BLHS hiện hành: "Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự".
Theo đó, Ls. Bùi Đình Ứng cho hay: Mẹ của Tình sau khi hỗ trợ con, biết rõ việc con trốn trại (nếu hành vi trốn trại này thuộc khoản 2 Điều 311 BLHS) rồi ra tự thú trước khi công an phát hiện hành vi vi phạm của mình thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm.
Tâm Anh