Theo SCMP, người phụ nữ họ Wang đã đăng lên trang cá nhân hình ảnh các món ăn tại một nhà hàng lẩu mà cô đã ghé thăm cùng bạn vào ngày 23/11. Cô đã vô tình để lộ hình ảnh mã QR để đặt món và thanh toán được dán trên bàn ăn.
Dù tài khoản mạng xã hội của Wang chỉ giới hạn người xem là bạn bè, nhưng nhiều người trong số đó đã quét mã QR, khiến hóa đơn tăng lên tới 430.000 nhân dân tệ (khoảng 1,5 tỷ đồng).
Khi nhân viên nhà hàng đến xác nhận hóa đơn ở bàn của cô, Vương mới phát hiện ra những người khác đã sử dụng mã QR mà cô vô tình đăng lên để đặt món.
Vương đã xóa bài đăng của cô ngay lúc đó, nhưng mọi người vẫn tiếp tục gọi món mới cho bàn của họ. Cô cho rằng ai đó đã tải ảnh xuống và tiếp tục đặt hàng bằng mã này.
Theo ảnh chụp màn hình hóa đơn mà Wang đăng tải, nhiều người đã đặt mua 1.850 phần tiết vịt tươi, 2.580 phần mực và 9.990 phần mắm tôm. Mỗi phần có giá vài chục nhân dân tệ.
Thật may, nhà hàng không bắt cô thanh toán hóa đơn và chuyển cô sang bàn mới đồng thời bỏ qua tất cả các đơn hàng mới được đặt qua mã QR đó. Ban quản lý cho biết họ không thể truy tìm những người đã đặt đồ ăn cũng như không thể ngăn cản họ tiếp tục đặt món.
Cô Wang xem đây là bài học kinh nghiệm "xương máu", kêu gọi người dùng mạng nâng cao nhận thức về bảo mật thông tin, cẩn thận hơn khi chia sẻ bất kỳ hình ảnh nào lên mạng xã hội.
Luật sư Lin Xiaoming nói với truyền thông địa phương rằng, các lệnh đặt món giả không hợp lệ, nhà hàng có thể hủy đơn hàng và yêu cầu những người đặt hàng giả bồi thường nếu gây thiệt hại tài chính. Lin cũng đề nghị các đơn vị thiết kế hệ thống đặt món tại nhà hàng thêm cơ chế xác nhận vào quy trình đặt món để ngăn chặn các sự cố tương tự.
Nhiều người trên mạng xã hội cảm thông với câu chuyện hi hữu của Wang, có người chỉ ra rằng mã QR mang đến "một số rủi ro mặc dù chúng tiện lợi"
Như Quỳnh (T/h)