Theo báo Pháp luật Việt Nam, Bệnh viện 19-8 (Bộ công an) vừa cấp cứu cho một bệnh nữ 31 tuổi (Hà Nội) nhập viện do bị hóc xương vịt.
Trước đó, bệnh nhân ăn thịt vịt, sau ăn thấy nuốt vướng, nuốt khó, đau tức ngực, đã đi khám chuyên khoa tai mũi họng 3 lần nhưng không tìm thấy dị vật.
9 ngày sau, tình trạng nuốt vướng tăng lên, nuốt nghẹn và đau tức ngực nhiều, không ăn uống được. Đến khám tại Bệnh viện 19-8, bệnh nhân được chỉ định nội soi thực quản - dạ dày. Khi nội soi bác sĩ thấy dị vật đâm sâu vào thành thực quản nghi thủng và rò khí quản, nên đã chỉ định chụp CT lồng ngực. Kết quả chụp dị vật cản quang kích thước 2x3 cm, đâm xuyên qua thành thực quản, khí quản và thực quản thâm nhiễm xung quanh.
Vietnamnet dẫn lời Bác sĩ - Thiếu tá Phạm Thị Việt Anh, Phó trưởng Khoa Nội tiêu hoá (Bệnh viện 19-8) cho biết, may mắn dị vật chưa bị rò sang khí quản và người bệnh được gắp dị vật an toàn qua nội soi. Sau gắp được 1 mảnh xương lớn, phức tạp, tại chỗ cắm của đầu xương vết loét rỉ máu và chảy mủ.
Người bệnh sau đó được theo dõi sát, dùng thuốc nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, sau 4 ngày ổn định và được xuất viện.
Bác sĩ Việt Anh cũng khuyến cáo, để tránh hóc xương người dân nên tạo thói quen ăn nhai kỹ, ăn chậm. Khi hóc dị vật, bạn không nên tự lấy dị vật, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, lấy dị vật an toàn.
Làm thế nào khi bị hóc xương?
Khi bị hóc xương cá hay hóc xương gà, bạn sẽ phát hiện dị vật bị mắc lại trong cổ họng gây vướng, khi nuốt nước bọt hoặc nuốt thức ăn sẽ thấy hơi đau do xương cá, xương gà đâm vào niêm mạc. Lúc này hãy bình tĩnh và thực hiện theo những hướng dẫn như sau:
- Ngừng nuốt ngay lập tức: Nhiều người thường cố nuốt để giúp xương trôi xuống, nhưng việc này vô tình khiến cho xương càng đâm sâu và gây tổn thương. Bạn cũng không nên khạc mạnh nhiều lần hay thử ăn bất cứ thứ gì để giúp đẩy xương xuống bởi rất dễ bị nghẹn.
- Cố gắng nôn ra càng sớm càng tốt: Chú ý tuyệt đối không được dùng tay đưa vào cổ họng, bởi thao tác này sẽ đẩy xương xuống cổ họng sâu hơn.
- Hãy thật bình tĩnh, há miệng to rồi nhờ người xung quanh kiểm tra cổ họng bằng đèn pin. Nếu trường hợp xương cá mắc ở vị trí mà mắt thường có thể nhìn thấy được hãy dùng kẹp y khoa để gắp ra.
- Theo dõi xem còn đau hay thấy vướng trong cổ khi nuốt nước bọt nữa hay không. Nếu cảm thấy xương vẫn còn mắc ở vị trí nào đó trong họng hãy đến các cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra và xử lý. Tuyệt đối không nên để quá lâu vì dễ gây biến chứng cũng như khiến cho việc điều trị phức tạp hơn.
Thùy Dung(T/h)